Nỗ lực cắt 'cò', bịt lỗ hổng trong đấu giá đất ở Nghệ An

Nguyên Hưng 28/04/2020 09:49

(Baonghean) - Tình trạng "cò đất" trong hoạt động đấu giá đất trong thời gian qua đã giảm nhưng vẫn còn diễn ra. Nhiều giải pháp đang được triển khai nhằm cắt được vấn nạn “cò đất”, đảm bảo quyền lợi cho người dân có nhu cầu và tăng nguồn thu cho Nhà nước.

Khởi tố nhiều “cò đất”

Trong năm 2019, huyện Nghĩa Đàn tổ chức nhiều phiên đấu giá đất trên các địa bàn thị trấn Nghĩa Đàn, các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình, Nghĩa Lộc, Nghĩa Sơn. Một điều bất thường tại các buổi đấu giá, số lượng người tham gia nộp đơn chủ yếu có hộ khẩu tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, TX. Hoàng Mai. Những người này thường mua rất nhiều đơn để tham gia đấu giá nhiều lô.

Nhận thấy những bất thường trên, Công an huyện Nghĩa Đàn vào cuộc xác minh. Sau đó, công an đã bắt giữ Hoàng Đình Luận (SN 1982), trú xã Quỳnh Thạch (Quỳnh Lưu), Nguyễn Thanh Huy (SN 1972), trú xã Quỳnh Hậu (Quỳnh Lưu) và Nguyễn Văn Hiếu (SN 1994), trú xã Diễn Thành, Diễn Châu; Nguyễn Ngọc Lam (SN 1959), trú phường Hưng Bình (TP. Vinh), là Phó Giám đốc Công ty đấu giá Hợp Danh Bắc Nghệ An và Hồ Thị Cương (SN 1974), trú tại huyện Quỳnh Lưu.

Hai đối tượng Hoàng Đình Luận và Nguyễn Thanh Huy bị Công an Nghĩa Đàn khởi tố. Ảnh tư liệu
Hai đối tượng Hoàng Đình Luận và Nguyễn Thanh Huy bị Công an Nghĩa Đàn khởi tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”. Ảnh tư liệu

Thủ đoạn của các đối tượng này là tìm kiếm những người thực sự có nhu cầu mua đất ở Nghĩa Đàn rồi đưa ra mức giá cao hơn giá khởi điểm từ 100 - 200 triệu đồng/lô. Sau đó, chúng nộp hồ sơ, móc nối với một số đối tượng trong các công ty tổ chức đấu giá để dàn xếp đơn đấu giá và lấy danh sách người tham gia đấu giá đất. Chúng dàn xếp, thỏa thuận với những người này để họ xin rút không tham gia đấu giá vòng thứ 2. Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can trên về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” được quy định tại Điều 218, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn tại huyện Nam Đàn, Công an huyện đã khởi tố các bị can gồm: Trần Ngọc Chung (SN 1993), trú phường Vinh Tân (TP. Vinh); Nguyễn Quốc Huy (SN 1996), trú phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) và Hoàng Kiều Vinh (SN 1982), trú xã Nghi Trường (Nghi Lộc) về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

Ngày 9/9/2018, tại trụ sở UBND xã Nam Giang (Nam Đàn) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng 57 lô đất ở tại xã Nam Giang với tổng diện tích là 10.811,72 m2. Gần 17h cùng ngày, khi Chung và Huy đang nhận số tiền 110 triệu đồng từ người tham gia đấu giá đất sau khi thông đồng dìm giá thì cảnh sát ập vào bắt quả tang.

Một tổ cảnh sát khác đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Kiều Vinh. Qua thu thập các tài liệu, chứng cứ, Ban chuyên án xác định, Vinh đã đứng ra thông đồng với các đối tượng khác dìm giá lô đất số 18, thu lợi bất chính 190 triệu đồng.

Công an huyện Diễn Châu phá thành công Chuyên án 1217G, triệu tập 13 đối tượng thuộc 2 nhóm cò đất vào cuối năm 2018. Ảnh tư liệu
Công an huyện Diễn Châu phá thành công Chuyên án 1217G, triệu tập 13 đối tượng thuộc 2 nhóm cò đất vào cuối năm 2018. Ảnh tư liệu

Trước đó, vào tháng 1/2018, Công an huyện Diễn Châu cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Gây rối trật tự công cộng” và “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”, khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can. Do mâu thuẫn trong ăn chia tiền “cò” trong phiên đấu giá đất tại xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, 2 nhóm đối tượng đã đi 3 xe ô tô dùng hung khí đánh nhau và đập phá. Công an huyện Diễn Châu đã xác lập chuyên án, triệu tập làm việc với 27 đối tượng liên quan, xác định được 14 đối tượng tham gia gây rối, tạm giữ 3 xe ô tô, thu giữ 32 hung khí các loại như: đao, kiếm, gậy...

Còn tại huyện Quỳnh Lưu, trong 2 ngày (21 và 22/7/2018), UBND huyện Quỳnh Lưu tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất ở tại xã Sơn Hải. Phiên đấu giá thu hút 930 bộ hồ sơ với hơn 2.000 người tham gia, quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn huyện. Trong quá trình đấu giá, lực lượng Công an phát hiện và bắt giữ 3 nhóm đối tượng mang hung khí đi dọc tuyến quốc lộ, xung quanh trụ sở UBND xã Sơn Hải.

Lực lượng Công an huyện Quỳnh Lưu chốt chặn, kiểm tra hồ sơ chặt chẽ những người vào khu vực đấu giá đất. Ảnh tư liệu
Lực lượng Công an huyện Quỳnh Lưu chốt chặn, kiểm tra hồ sơ chặt chẽ những người vào khu vực đấu giá đất. Ảnh tư liệu

Tang vật thu giữ gồm 20 con dao mác, 15 con dao bầu, 2 kiếm, 8 tuýp sắt chế thành dao dài hơn 1 mét. Số vũ khí trên thuộc 2 nhóm “cò” đất ở Quỳnh Lưu và TP. Vinh. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, chuẩn bị hung khí “nóng” để giải quyết mâu thuẫn trong các hoạt động đấu giá đất của nhóm “cò”.

Tăng cường giám sát

Tình trạng “cò đất” trong thời gian qua vẫn diễn ra tại các địa phương, gây bức xúc trong nhân dân. Một số hành vi vi phạm có thể kể đến như điều hành cuộc đấu giá không đúng trình tự; thông đồng, dìm giá, nâng giá trong hoạt động bán đấu giá… Nhiều đối tượng “xã hội đen” gây rối trật tự tại các cuộc đấu giá, can thiệp, dọa dẫm, chèn ép người tham gia đấu giá. Từ đó, nhiều người dân có nhu cầu mua đất thật sự nhưng không mua được đất hoặc phải mua với giá rất cao.

Nhằm hạn chết tình trạng trên, từ cuối 2018, nhiều địa phương đã triển khai áp dụng hình thức đấu giá đất bỏ phiếu kín gián tiếp. Việc triển khai hình thức này bước đầu đã đem lại một số hiệu ứng tích cực như: an ninh, trật tự được đảm bảo; khắc phục được tình trạng “cò mồi”, mang tính “xã hội đen” gây náo loạn ở các địa phương tổ chức đấu giá đất; người dân có nhu cầu mua đất thực sự đã mua được đất mình cần, góp phần làm giảm áp lực cho các địa phương.

Tỷ lệ đấu vượt so với giá khởi điểm đạt cao (trung bình tăng 20-30%), tăng thu ngân sách Nhà nước; công tác thu đơn, tổ chức đấu giá đất đơn giản, nhanh gọn hơn đấu giá trực tiếp.

Cán bộ đấu giá đất và đại diện chính quyền địa phương, người dân trực tiếp kiểm phiếu và công bố kết quả đấu giá đất tại xã Quỳnh Thuận.  Ảnh tư liệu
Cán bộ đấu giá đất và đại diện chính quyền địa phương, người dân trực tiếp kiểm phiếu và công bố kết quả đấu giá đất tại xã Quỳnh Thuận. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện hình thức này còn tồn tại một số vấn đề. Dù bỏ phiếu gián tiếp, nhiều đối tượng “cò đất” đã tập hợp lại thành từng tổ, nhóm để mua càng nhiều lô đất trong các dự án càng tốt, sau đó, chúng bán lại cho người dân có nhu cầu với giá cao hơn, thổi giá đất lên không đúng với thực tế.

Ngoài ra, nhiều khách hàng đã đăng ký tham gia đấu giá mà chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau, sau đó chỉ có 1 hoặc một vài người nộp tiền đặt trước để lấy tài sản, những người khác không nộp tiền đặt trước chỉ bị mất tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá nên vẫn xảy ra hiện tượng thông đồng, dìm giá.

Đặc biệt là vấn đề bảo mật thông tin khách hàng khi triển khai hình thức này cần được khắc phục. Bởi dù đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, song quy định hiện nay việc bán hồ sơ tham gia đấu giá, bảo mật thông tin người đăng ký tham gia đấu giá do tổ chức đấu giá chịu trách nhiệm. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp, những tồn tại này Sở đã nắm được và đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện các thể chế nhằm khắc phục các trong thời gian sớm nhất.

Tổ giám sát của tỉnh đánh giá rút kinh nghiệm bước đầu sau phiên đấu giá theo hình thức mới tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Lê Nhung
Tổ giám sát của tỉnh đánh giá rút kinh nghiệm bước đầu sau phiên đấu giá theo hình thức mới tại huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Lê Nhung

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định thành lập tổ giám sát thực hiện các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020. Tổ giám sát này do Phó Giám đốc Sở Tư pháp làm tổ trưởng, các thành viên là các công chức ở các đơn vị: Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường và đại diện lãnh đạo UBND cấp huyện nơi có đấu giá đất.

Tổ giám sát sẽ lựa chọn một số cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An để giám sát việc tổ chức đấu giá đảm bảo thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản. Trường hợp phát hiện có vi phạm, kịp thời lập biên bản và đề nghị người có thẩm quyền hoặc cơ quan có thẩm quyền xử lý. Đơn vị thực hiện cuộc đấu giá quyền sử dụng đất có trách nhiệm gửi thông báo lịch các cuộc đấu giá cho tổ giám sát ít nhất là 15 ngày.

Nguyên Hưng