Cơ hội việc làm nào cho lao động về nước tránh dịch?
(Baonghean) - Tiếp tục kết nối các doanh nghiệp để lao động còn hợp đồng được trở lại làm việc; còn đối với các lao động hết hoặc không có hợp đồng sẽ được tư vấn, giới thiệu cho các thị trường có tiềm năng thu nhập ổn định là những định hướng cho giải quyết việc làm cho lao động về nước tránh dịch ở Nghệ An.
Chờ cơ hội tiếp tục xuất khẩu lao động
Anh Phan Văn Sỹ ở xóm 7, xã Đức Thành (Yên Thành) vừa về nước và hết hạn cách ly tập trung từ trung tuần tháng 3. Cũng từ ngày đó đến nay anh Sỹ đang tranh thủ thời gian và đồng vốn tích góp được xây dựng căn nhà vừa đủ cho gia đình 4 người. Về nước vì hết hạn hợp đồng cũng đúng thời điểm dịch bùng phát nên anh Sỹ chỉ quanh quẩn để hoàn thiện ngôi nhà, vì thực tế thời điểm này anh cũng không biết làm thêm nghề gì để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Phạm Văn Sỹ, xóm 7, xã Đức Thành, huyện Yên Thành trao đổi với cán bộ chính sách xã. Ảnh: Thanh Nga |
“Sau khi hết hạn, tôi đã được chủ ký lại hợp đồng thêm 3 năm nữa, nhưng vì dịch nên phải về, không biết còn sang được nữa không. Dù không muốn đi xa, lại phải làm công việc xây dựng ngoài trời khá vất vả, nhưng sau dịch tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ quay lại vì nếu ở nhà thì rất khó tìm việc”.
Cũng ở xóm 7, xã Đức Thành (Yên Thành), anh Hà Huy Trinh buôn bán ở Lào từ 5 - 6 năm nay. “Tôi phải về quê để tránh dịch từ giữa tháng 3, cũng chừng đó thời gian cố gắng làm thêm nghề hàn xì kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi đang đợi Chính phủ Lào thông báo được phép thông thương cửa khẩu để sang đó tiếp tục công việc của mình”, anh Trinh cho biết.
ANh Hà Huy Trinh, xóm 7, xã Đức Thành (Yên Thành) cho biết, sẽ trở lại làm việc ở Lào khi cửa khẩu thông quan, tình hình dịch đã được kiểm soát tốt. Ảnh: Thanh Nga |
Những lao động sang Lào làm việc ở xã Đức Thành đa số đợt này về tránh dịch và mong muốn sẽ tiếp tục được đi tiếp nhưng cũng có những người có suy nghĩ khác. “Người Nghệ làm ăn thất bại bên Lào nhiều lắm, trước đây còn ở lại buôn bán nhì nhằng bù lỗ, nhưng giờ nhiều hàng hóa từ Việt sang không lưu thông nổi nên họ trở về đợt này, vừa để tránh dịch, vừa mong muốn được đi XKLĐ ở các nước khác có thu nhập cao hơn”, anh Trinh cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Thơm - cán bộ chính sách xã Đức Thành thì: “Tính đến cuối năm 2019, xã có 242 người làm việc ở nước ngoài, nhưng vì dịch Covid-19 nên có 132 người về tránh dịch, phần đông là người đi làm ăn ở Lào và thực tập sinh ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Đến nay đã có nhiều người rục rịch sang trở lại Hàn Quốc, vì họ đi theo diện du học và khi quay về nước thì cũng được phía bạn cam kết sẽ gọi trở lại sau khi dịch bệnh được khống chế. Số còn lại nếu đi theo diện ngoài hợp đồng thì rất khó quay lại và đa số mong muốn tìm thị trường mới".
Còn trên địa bàn huyện Nghi Lộc, đã có tới 1.200 lao động về nước và trong thời gian tới con số này khả năng tăng cao. “Trong số lao động về nước đợt này nhiều người hết hạn hợp đồng lao động hoặc đi “chui” nên rất khó sang lại. Nhiều người khẳng định sẽ vay mượn để tiếp tục đi lao động ở nước ngoài trong thời gian gần nhất”, ông Đặng Văn Lương - Trưởng phòng LĐ-TB & XH huyện Nghi Lộc cho biết.
Giải quyết việc làm bằng cách nào?
Lao động Nghệ An về nước tránh dịch. Ảnh tư liệu |
Theo ông Hoàng Danh Truyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, tính đến cuối năm 2019, huyện Yên Thành có tới 17.000 người đang lao động tại các nước Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và các nước châu Âu. Đa số họ sang các nước bạn làm việc mà không có hợp đồng lao động. Kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, huyện Yên Thành cũng là địa bàn có số lượng người về nước tránh dịch nhiều nhất tỉnh, lên tới 1.400 người.
“Thế nhưng, khi khảo sát về nguyện vọng của các lao động này thì họ đều bày tỏ mong muốn được sang lại đất nước mà trước đây họ từng tham gia làm việc. Kể cả những đối tượng không có hợp đồng vẫn tiếp tục đi, nếu không đi thị trường cũ thì họ sẽ chọn một thị trường mới, có mức chi phí dễ thở hơn”, ông Hoàng Danh Truyền cho hay.
Cũng theo ông Truyền, nếu đã đi XKLĐ thì đa số không muốn ở nhà để sản xuất, kinh doanh hoặc bám đồng, bám ruộng, dù địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách giải quyết việc làm.
Hội chợ việc làm dành cho lao động được tổ chức tại Con Cuông vào dịp cuối năm 2019. Ảnh tư liệu |
“Hiện trường nghề Yên Thành đang mở các lớp sơ cấp, trung cấp với các mặt nghề tương đối sát với nhu cầu thị trường. Nếu lao động ở địa bàn chịu khó đầu quân cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước thì vẫn có thu nhập, nhưng đa số người lao động về nước không đi theo hướng này”. Ông Truyền nói và cho hay, sắp tới địa phương sẽ thu hút đầu tư dự án một nhà máy may tại KCN Công Thành, lúc đó hy vọng công tác giải quyết việc làm tại chỗ sẽ tốt hơn, người lao động sẽ tăng thu nhập mà không cần đầu tư vốn mạo hiểm, cũng không cần đi xa; vừa làm ruộng nhưng vẫn có thể làm thêm cho các nhà máy để tăng thu nhập.
“Sở LĐ,TB & XH đã rà soát xong số lượng lao động về nước đợt dịch này và đã ban hành kế hoạch giải quyết việc làm cho họ. Theo đó, đối với số lao động làm việc theo hợp đồng tạm thời phải về nước do ảnh hưởng dịch, nếu họ có nguyện vọng quay trở lại thì đề nghị các doanh nghiệp có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài phối hợp với đối tác ở nước ngoài hỗ trợ và tạo điều kiện để họ trở lại làm việc theo hợp đồng".
"Đối với số lao động làm việc ở nước ngoài không theo hợp đồng lao động sẽ tư vấn, giới thiệu cho các thị trường ở các nước có tiềm năng thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ, ý thức chấp hành pháp luật ở nước sở tại.
Hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An và các địa phương trong việc phối hợp để tuyển chọn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đảm bảo đúng quy định của pháp luật và có hiệu quả. Ngoài ra, đối với số lao động không có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động hoặc không đáp ứng với yêu cầu thị trường nước ngoài, tỉnh sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đẩy mạnh tư vấn giới thiệu việc làm trong và ngoài tỉnh", ông Hùng cho biết thêm.
Theo báo cáo rà soát của các huyện, thành phố, thị xã và các ngành có liên quan, hiện tại có 91.838 lao động Nghệ An đang làm việc ở nước ngoài, trong đó lao động làm việc theo hợp đồng là 69.687 người, không theo hợp đồng là 24.931 người, tập trung chủ yếu các nước Đài Loan 26.544 người; Nhật Bản 24.931 người; Hàn Quốc 12.609 người...