Những 'cây' sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng ở Nghệ An
(Baonghean) - Những năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” tại các doanh nghiệp đã khích lệ tinh thần phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời giúp người lao động nâng cao trình độ tay nghề, ổn định việc làm và tăng thu nhập. Báo Nghệ An giới thiệu 3 “cây” sáng kiến điển hình với hàng loạt các ý tưởng, cải tiến có tính ứng dụng cao.
Kỹ sư Cao Minh Hòa và những sáng kiến bạc tỷ
Sinh ra và lớn lên ở huyện Nghĩa Đàn, sau khi tốt nghiệp ngành Cơ điện tử - Trường ĐHBK Đà Nẵng, kỹ sư Cao Minh Hòa đã có nhiều năm công tác tại các nhà máy, tập đoàn lớn trong nước. Năm 2011, với mong muốn được công tác gần nhà, anh đầu quân cho Công ty CP Sữa TH. Là một người quản lý, anh cùng cộng sự đã nghiên cứu cho ra đời nhiều dự án, sáng kiến cải tiến làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng.
Kỹ sư Cao Minh Hòa - Giám đốc Công ty CP Sữa TH nhận Bằng khen “Lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: T.P |
Trước thực trạng nhà máy phải mua và vận chuyển nước từ nơi khác đến để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất với chi phí cao, song lại chưa được sử dụng một cách triệt để, Cao Minh Hòa và cộng sự đã chế tạo thành công hệ thống thu hồi nước sạch, tái sử dụng trong các mục đích khác nhau ở các khu vực chế biến, đóng gói, tiết kiệm hàng trăm m3 nước/ngày, làm lợi cho công ty khoảng 1,5 tỷ đồng/năm.
Rồi trước hiện tượng thùng và hộp sữa chua thiếu khối lượng sữa, thiếu hộp trong thùng, Cao Minh Hòa cùng cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công cân kiểm soát khối lượng cho dây chuyền sữa chua ăn, kiểm soát tự động khối lượng của thùng và hộp. Qua đó, giảm thời gian và nhân công kiểm soát, giảm thiểu tối đa vấn đề khiếu nại từ khách hàng liên quan đến khối lượng của sản phẩm, tiết kiệm được 1,2 tỷ đồng/năm cho công ty.
Kỹ sư Cao Minh Hòa - Giám đốc Công ty CP Sữa T.H trao đổi chuyên môn với bộ phận kỹ thuật. |
Đặc biệt, năm 2017, với sáng kiến “Chế tạo bộ khuôn tạo nắp chai sữa chua uống”, Cao Minh Hòa đã tiết kiệm cho công ty trên 4 tỷ đồng chi phí để thay đổi dây chuyền sản xuất nắp sữa chua uống. Và gần đây nhất, đầu năm 2020, với sáng kiến “Chế tạo máy Palletizer bốc xếp thùng sữa tự động” được đưa vào ứng dụng thành công trong sản xuất, giúp dây chuyền tự động hóa hoàn toàn, giảm 6 nhân công lao động/1 dây chuyền/1 ngày sản xuất, tiết kiệm cho công ty hơn 2 tỷ đồng.
Với những đóng góp của mình, Cao Minh Hòa liên tục là lao động giỏi của công ty, được nhận Bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, là tấm gương sáng trong phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhiều năm liền.
Công nhân Nguyễn Thị Đức với tinh thần tự học để sáng tạo
Sinh năm 1988 tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên), học xong THPT, Nguyễn Thị Đức vào Sài Gòn tự học nghề rồi làm công nhân may. Năm 2014, Đức về quê, xin vào làm việc tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên (Nam Giang, Nam Đàn). Ở đây Đức luôn đạt điểm chuyên cần cao nhất và cũng tự học để sử dụng thành thạo 5 loại máy phức tạp như máy bọ, máy zích zắc, máy Kansai, là người khắc phục hàng lỗi khi có sự cố xảy ra… Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Đức, công ty đã bố trí cho làm chuyền phó, rồi chuyền trưởng...
Công nhân Nguyễn Thị Đức là tấm gương sáng tự học, tự sáng tạo với những sáng kiến làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: T.P |
Là chuyền trưởng dây chuyền may mẫu găng tay, Đức cho thấy ngoài trình độ tay nghề còn là sự sáng tạo, cải tiến để may mẫu nhanh nhất, đạt chuẩn tối ưu và rèn cặp những công nhân khác. Năm 2018, xuất phát từ thực tế may, cắt vải theo khuôn vừa năng suất thấp, vừa tốn nhân công, nhiều thao tác, Đức đã trăn trở để cho ra sáng kiến “Cải thiện phương pháp làm việc”, cắt vải theo khuôn, chiều dài không giới hạn, may bằng máy 2 kim có cữ, giảm được 1 thợ phụ, công đoạn may giảm từ 650 đôi/5h xuống còn 650 đôi/2h.
Năm 2019, với sáng kiến “Nâng cao năng suất lao động”, Đức đã cải thiện cách vẽ, đo, căn chỉnh thủ công, phức tạp, nhiều thao tác sang việc vẽ đo 1 lần, giảm thao tác, tăng năng suất lao động (từ vẽ 2 dấu sang 1 dấu, tiết kiệm phấn vẽ, tăng sản lượng 200%) làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.
Công nhân Trương Xuân Bằng và những cải tiến trong phần việc khó
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt- Đức (Nghệ An), Trương Xuân Bằng (SN 1990) lặn lội vào Nam, ra Bắc làm công nhân cho nhiều công ty, nhà máy khác nhau. Năm 2016, Bằng trở thành công nhân chính thức của Nhà máy MNS FEED.
Trong quá trình làm việc tại nhà máy, Bằng đã có nhiều sáng kiến cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt là đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho công nhân nhà máy. Cụ thể, trước đây, khi đóng - mở các khoang chứa hàng, công nhân phải dùng càng xe nâng để thực hiện thao tác, trong khi càng xe dài, không có chỗ cố định nên hay chạy trượt buộc phải có 2 lao động đỡ hai bên cánh cửa nặng đến 1 tấn.
Do đó, nếu sơ sẩy, càng xe va đập vào thì rất dễ xảy ra tai nạn lao động. Sau những thử nghiệm, Bằng đã nghĩ ra cách lắp 2 khóa chốt an toàn để mở cửa các kho hàng rời, giúp cố định chốt khóa - mở, chỉ cần một người vận hành xe nâng để mở cửa kho hàng, vừa tiết kiệm nhân công, vừa đảm bảo an toàn lao động.
Công nhân Trương Xuân Bằng với những cải tiến mang tính ứng dụng cao trong đảm bảo ATVSLĐ. Ảnh: T.P |
Ngoài ra, Bằng còn có sáng kiến tận dụng lốp xe nâng hỏng làm trụ chống va đập trước vị trí bàn cân 100 tấn. Bởi trước đó, khi vào cân hàng, lái xe nếu không để ý, không căn chỉnh chuẩn thường hay va đập vào bàn cân 100 tấn, gây hư hỏng cân và mất an toàn cho lái xe và những người liên quan. Mới đây nhất, Bằng đã tận dụng những tấm gỗ của các kiện hàng đóng thành thùng đựng nước uống cho nhân viên nhà thầu vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho nhà máy...