Chế tài xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng chưa đủ mạnh

Thanh Quỳnh 06/05/2020 17:35

(Baonghean.vn) - Đó là 1 trong hơn 20 ý kiến liên quan 11 nhóm vấn đề của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sắp tới.

Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, chiều 6/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Đồng chí Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Để tiếp tục được nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, hội nghị lấy ý kiến do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức diễn ra với 11 nhóm vấn đề được đề cập. Trong đó, các đại biểu trực tiếp tham gia vào các vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng công trình có thời hạn trên đất có quy hoạch chậm triển khai; thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giấy phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng; xây dựng công trình cấp bách; ban quản lý dự án; trách nhiệm quản lý Nhà nước.…

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An cho rằng: Luật Xây dựng năm 2014 quy định, việc quy hoạch chi tiết xây dựng các công trình có phạm vi ranh giới trên địa bàn 1 huyện, cơ quan thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch là UBND cấp huyện. Trong khi đó, năng lực chuyên môn về mặt kiến trúc, quy hoạch của đơn vị cấp huyện còn thiếu và yếu với hơn 80% địa phương trong 21 huyện, thành, thị của toàn tỉnh chưa có kiến trúc sư đảm trách công tác này. Do vậy, kiến nghị trình UBND tỉnh trong việc phân cấp xây dựng theo đúng tình hình thực tế của từng địa phương mà vẫn đảm bảo quy hoạch chung...

Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Nguyễn Trường Giang nêu ý kiến cần bổ sung, sửa đổi liên quan đến cấp phép, quy hoạch các công trinh xây dựng. Ảnh: Thanh Quỳnh

Nhiều đại biểu cho rằng, các chế tài xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn chưa đủ mạnh. Theo đó, từ khi Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực đã không quy định việc áp dụng biện pháp về ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời, năm 2016, Bộ Công Thương đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị điện lực không thực hiện việc ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Xây dựng.

Điều này đã dẫn đến việc vi phạm trật tự xây dựng ngày một nhiều vì cơ quan có thẩm quyền không thể có biện pháp hữu hiệu xử lý dứt điểm vi phạm.

Nhiều ý kiến cho rằng lâu nay việc triển khai phá dỡ các công trình xây dựng còn thiếu những quy định chi tiết, cụ thể. Điều này khiến cho các chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp gặp khó trong việc thực hiện quy trình này một cách khoa học, hợp lý.

Các nội dung liên quan đến nguyên tắc cơ bản và chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng; phân loại các cấp công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị... cũng được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão ghi nhận, tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu trong quá trình góp ý xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Trên cơ sở đó sẽ tổng hợp trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp sắp tới./.

Thanh Quỳnh