Đức: Đại dịch Covid-19 phơi bày bê bối ngành thịt

Hoàng Bách 13/05/2020 07:08

(Baonghean) - Dịch bệnh do chủng mới virus Corona (Covid-19) hoành hành tại châu Âu những ngày qua vô hình trung đã phơi bày “góc khuất” trong ngành công nghiệp thịt ở quốc gia đầu tàu lục địa già - nước Đức. Thực trạng lao động nước ngoài buộc phải chịu đựng những điều kiện sống phi nhân đạo để người dân Đức được sử dụng thịt giá rẻ đang gây nhiều tranh cãi, thôi thúc các chính trị gia không được phép tiếp tục phớt lờ những gì đang xảy ra tại các lò mổ ở nước này.

Trò chơi đổ lỗi

Chúng ta vẫn thường được nghe nhắc nhở rằng, “chẳng có bữa trưa nào là miễn phí”. Trong cuộc sống, quả thực mọi thứ diễn ra đều kèm với một cái giá phải trả nào đó, và điều này cũng hoàn toàn chính xác khi đề cập đến mặt hàng thịt giá rẻ mà những người tiêu dùng tại các quốc gia công nghiệp hóa, giàu có vẫn thường thích ăn.

Theo DW, sau khi hàng trăm lao động Đông Âu làm việc tại lò mổ Westfleisch ở North Rhine-Westphalia, Đức có kết quả dương tính với Covid-19, thì điều có thể nhận thấy rõ là chính những lao động này là những người đang phải trả giá, đôi khi bằng chính sinh mạng của mình, để đối lấy mặt hàng thịt giá rẻ trên thị trường. Dĩ nhiên là Westfleisch - công ty chế biến thịt quy mô lớn thứ 3 tại Đức đã tuyên bố nhận trách nhiệm đối với các nhân công của mình. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn, người ta sẽ thấy rằng, công ty này thực sự chỉ có một số lượng rất nhỏ đội ngũ người lao động. Trong khi đó, phần lớn công nhân làm việc trong ngành công nghiệp này lại do các nhà thầu phụ đứng ra thuê mướn, và họ chủ yếu tuyển dụng những người đến từ Rumani, Bungari và Ba Lan.

Người dân Đức tiêu thụ hàng triệu con động vật mỗi năm. Ảnh: DW
Người dân Đức tiêu thụ hàng triệu con động vật mỗi năm. Ảnh: DW

Ngành công nghiệp thịt tại Đức lợi dụng “lỗ hổng” này để cắt giảm chi phí. Và trên giấy tờ, các công ty như Westfleisch không phải chịu tý trách nhiệm nào về các điều kiện sống phi nhân đạo mà hàng trăm lao động ngoại quốc đang làm việc trong các lò mổ của họ phải nếm trải. Tới lượt các nhà thầu phụ thì họ lại lập luận rằng, đáng lẽ chính phủ nên định ra và thực thi các tiêu chuẩn cơ bản về sức khỏe và lao động. Nhưng tại Đức, đây lại là đặc quyền của chính quyền các thành phố hoặc các bang. Toàn bộ thực tế này đã dẫn tới câu chuyện đổ lỗi cho nhau, ném “củ khoai bỏng tay” từ người này sang người khác, và chẳng một ai sẵn lòng tiến vào can dự. Thậm chí Bộ trưởng Lao động bang North Rhine-Westphalia dẫu tỏ ra không hài lòng về xu thế “mắt nhắm, mắt mở” trong ngành thịt, thì chính bản thân ông cũng chưa hề có động thái gì. Tương tự, cũng chưa có nhà lập pháp nào lên tiếng hay hành động về vấn đề này.

Trong nhiều năm qua, có lẽ bí mật mà ai cũng tỏ đó là người lao động từ Đông Âu và Nam Âu vẫn cặm cụi oằn lưng kiếm đồng lương khoán trong các lò mổ ở Đức, và dần tiều tụy, ốm yếu trong cảnh sống tồi tàn, thiếu thốn. Bộ máy quản lý của Westfleisch hiểu rõ điều này, các nhà thầu phụ, các quan chức và cảnh sát địa phương, các nhà quản lý quận Coesfeld, các cơ quan chức năng bang North Rhine-Westphalia, và thậm chí là các nhà lập pháp liên bang cũng vậy. Cư dân Coesfeld nắm rõ tình trạng này, và cả cư dân các thành phố lân cận cũng thế. Xét cho cùng, họ vẫn thường chạm mặt các lao động lò mổ tại siêu thị hay tiệm bánh ở địa phương. Và mãi cho tới gần đây, gần như không có ai tỏ ra mảy may để tâm đến hiện trạng, nhiều người còn lý luận rằng, những lao động này đến Đức một cách tự nguyện, kiếm được nhiều tiền hơn so với khi làm việc tại quê nhà.

Dãy treo thịt lợn trong một lò mổ ở Mannheim, Đức. Ảnh: DPA
Dãy treo thịt lợn trong một lò mổ ở Mannheim, Đức. Ảnh: DPA

Trả giá “đắt” vì thịt rẻ

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ đều thay đổi. Nếu 3-4 nhân công được sắp xếp chen chúc ở trong một căn phòng đơn, thì nguy cơ bùng phát ổ dịch là rất lớn. Và nguy cơ này dĩ nhiên đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với các cộng đồng sinh sống lân cận. Giả dụ không xuất hiện dịch bệnh do virus Corona, thì có lẽ người ta vẫn cứ lập luận rằng, hầu hết người Đức sẽ tiếp tục phớt lờ điều kiện sống kham khổ của những lao động kể trên.

Quay trở lại với thực tế, vụ bê bối vừa được hé lộ tại Đức vô hình trung có những hậu quả mang tính toàn cầu. Ngành công nghiệp thịt của Đức có tính cạnh tranh cao đến nỗi thậm chí họ còn xuất khẩu sang tận Trung Quốc. Các công ty của Đức có thể mời chào các sản phẩm có giá rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Nhưng, để giữ mức giá thấp, các công ty cũng phải gây sức ép buộc nông dân phải cắt giảm chi phí. Hậu quả là, những người chăn nuôi nhốt lợn trong những chiếc chuồng bé tin hin, và tiêm kháng sinh để lợn không bị bệnh. Lợn được cho ăn đậu nành hoặc ngô loại rẻ tiền, được nhập từ Nam Mỹ, nơi nhiều khu rừng nhiệt đới bị đốn hạ để lấy đất trồng hoa màu. Bản thân việc làm này lại gây tổn hại cho khí hậu Trái Đất và đẩy cao chi phí đất đai.

Cứ như vậy, rốt cuộc tất cả mọi người đều đang phải trả một cái giá cao để mua thịt rẻ. Động vật được nuôi bằng kháng sinh có nghĩa là con người đang ngày càng kháng một số loại thuốc, và ngành thịt gây ô nhiễm nước ngầm khi đổ quá nhiều chất thải động vật ra đồng ruộng…

Giới chức bang North Rhine-Westphalia đã yêu cầu nhà máy chế biến thịt Westfleisch tạm thời đóng cửa. Ảnh: DPA
Giới chức bang North Rhine-Westphalia đã yêu cầu Nhà máy chế biến thịt Westfleisch tạm thời đóng cửa. Ảnh: DPA

Các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp cùng các chính khách Đức từ lâu đã biết đến những hậu quả này. Ai cũng hiểu rằng, cách duy nhất để thay đổi tình hình là chuyển đổi sang các doanh nghiệp phi tập trung, quy mô nhỏ hơn, sản xuất thịt chất lượng cao với số lượng nhỏ hơn. Điều này có lẽ sẽ giảm doanh thu của họ, vì sẽ không đủ trang trải để có thể xuất khẩu thịt lợn vào thị trường Trung Quốc. Và cùng với đó, hướng giải quyết này chắc chắn sẽ tăng giá thịt tại thị trường nội địa Đức. Tuy nhiên, các cuộc khảo sát chỉ ra rằng, đa số người Đức sẽ ủng hộ chuyển đổi sang một hình thái nông nghiệp bền vững hơn. Điều mà nền kinh tế đầu tàu châu Âu cần trên hành trình ấy là sự quyết tâm, lòng dũng cảm và vai trò dẫn dắt, lãnh đạo họ đi tới đích.

Hoàng Bách