Thanh Hương (Thanh Chương) nỗ lực vượt khó vươn lên
(Baonghean) - Từ đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo cùng sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, xã Thanh Hương (Thanh Chương) đã đạt được nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ qua. Đó là tiền đề để Đảng bộ, chính quyền và người dân ở đây phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Nỗ lực vượt khó
Là xã miền núi thuần nông thuộc khu vực II còn nhiều khó khăn, Thanh Hương là địa bàn khó khăn của huyện Thanh Chương. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra và các nghị quyết, đề án của huyện để cụ thể hóa sát với tình hình địa phương, cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể và quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự nhập cuộc của MTTQ, các đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, xã Thanh Hương đã tạo được bước chuyển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Lãnh đạo xã Thanh Hương tìm hiểu hiệu quả mô hình chế biến chè mi ni của ông Nguyễn Văn Tư ở xóm 6. Ảnh: M.H |
Về điểm nhấn kinh tế, đồng chí Nguyễn Văn Tiến - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng chè để tăng diện tích từ gần 140 ha đầu nhiệm kỳ, nay hơn 240 ha.
Gắn với đó vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là đầu tư hệ thống tưới, đảm bảo cây chè sinh trưởng tốt. 3 năm gần đây, ở Thanh Hương diện tích chè bị cháy do nắng hạn giảm nhiều, từ đó giúp nâng cao thu nhập cho người dân; bình quân mỗi ha chè, nếu chăm bón tốt thì đem lại cho người nông dân 140 - 160 triệu đồng/năm.
Cấp ủy, chính quyền xã Thanh Hương cũng đã chỉ đạo chuyển đổi một số diện tích trồng keo sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như cam, bưởi, mít, hồng không hạt... Cây lúa được tập trung chuyển đổi cơ cấu giống có năng suất chất lượng, riêng vụ xuân được cơ cấu giống lúa lai đạt 94%. Địa phương còn đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất từ làm đất, thu hoạch lúa với tổng 44 máy trên địa bàn.
Xã Thanh Hương tập trung chuyển đổi một số diện tích ttrồng keo sang trồng cây ăn quả. |
Chăn nuôi được định hướng phát triển tập trung, quy mô lớn (hiện tại trên địa bàn xã có 18 mô hình kinh tế trang trại, gia trại tổng hợp có hiệu quả); theo đó quy mô tổng đàn trâu bò, lợn, gia cầm đều tăng cao so với đầu nhiệm kỳ.
Diện tích đất rừng được khai thác triệt để, không còn diện tích đất trống đồi núi trọc; một số vùng có lợi thế đã được chuyển đổi từ trồng cây nguyên liệu sang trồng cây công nghiệp, bước đầu thay đổi tư duy và nhận thức trong quản lý, khai thác đất lâm nghiệp.
Dẫu đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ kiên trì, gần dân, bám dân để triển khai; phát huy tốt quy chế dân chủ, mọi chủ trương được công khai minh bạch trước nhân dân; Thanh Hương đã huy động sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) thông qua hiến đất, tài sản, đóng góp ngày công và tiền để cùng với các nguồn lực xây dựng NTM.
Người dân Thanh Hương tự nguyện hiến đất, tài sản mở rộng đường giao thông. |
Theo đó, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, trạm y tế, trường học, điện chiếu sáng từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, chỉnh trang, tạo cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến thời điểm này, Thanh Hương đã hoàn thành 13/19 tiêu chí và 1 xóm đạt chuẩn NTM. Tính trong 4 năm, từ 2016 đến năm 2019, tổng nguồn vốn huy động toàn xã hội đạt hơn 64 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 6 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo. Trong nhiệm kỳ, Thanh Hương đã xây dựng thành công thêm trường THCS đạt chuẩn quốc gia và hiện cả 3 trường học đều đạt chuẩn. Đời sống văn hóa tinh thần, rèn luyện sức khỏe nhân dân được địa phương tuyên truyền, vận động để nâng cao. Quốc phòng - an ninh được chăm lo thông qua phát huy vai trò tự quản của các tổ liên gia, của từng xóm làng.
Di tích lịch sử phủ Hòa Quân (xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương). |
Tập trung giải pháp phát triển giai đoạn mới
Đồng chí Phan Bá Hoàng - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hương cho rằng, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ qua của địa phương khẳng định hiệu quả chăm lo công tác xây dựng Đảng toàn diện của Đảng bộ xã. Đặc biệt trong khắc phục tư tưởng bảo thủ, ngại khó, chậm đổi mới trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát để đôn đốc cũng như giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kể cả chấn chỉnh các hạn chế, yếu kém, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức thực hiện của chính quyền, hệ thống chính trị.
Công tác dân vận đã góp phần tạo sự đồng thuận và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể thực chất, thiết thực trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương để vào cuộc, như hỗ trợ người dân làm nhà ở; phát triển các mô hình kinh tế; vệ sinh môi trường...
Lãnh đạo xã Thanh Hương trao đổi công việc. Ảnh: MH |
Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hương Phan Bá Hoàng cũng chia sẻ thêm, so sánh sự phát triển chung của các địa phương, đặc biệt trên cơ sở kết quả của nhiệm kỳ qua, trong giai đoạn 2020 - 2025, Đảng bộ xã đang đặt ra quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa địa phương về đích NTM vào năm 2022 hoặc năm 2023.
Và mục tiêu hoàn thành chương trình NTM đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ và có hiệu quả trên tất cả các mặt kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị.
Trong đó ưu tiên thực hiện bền vững các tiêu chí tác động mạnh góp phần nâng đời sống dân sinh, nhất là nâng cao thu nhập thông qua chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung trang trại, gia trại; xây dựng “xóm xanh - sạch - đẹp - bình yên”...
Xã Thanh Hương tập trung xây dựng trường chuẩn, tạo môi trường tốt nhất cho con em học tập, trưởng thành. |