Tăng cường giám sát để đảm bảo chi đúng đối tượng, tránh trục lợi chính sách
(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid -19.
Sáng 15/5, đồng chí Nguyễn Thị Hà - Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các thành viên trong đoàn đã đi kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và một số sở, ban, ngành liên quan.
Khó xác định chính xác đối tượng được thụ hưởng
Trước buổi làm việc với tỉnh, đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đến kiểm tra việc thực hiện tại huyện Diễn Châu. Theo đó, hiện nay toàn huyện đã thực hiện việc chi trả trợ cấp đợt 1 cho người có công tại 37/37 xã, thị trấn với hơn 6.700 đối tượng và tổng kinh phí là hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, đang còn 27.000 đối tượng thuộc bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo chưa được chi trả với tổng số tiền khoảng 29 tỷ đồng.
Buổi làm việc có sự tham gia của đầy đủ các ban, ngành liên quan. Ảnh: Mỹ Hà |
Trên toàn tỉnh, theo tổng hợp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, hiện có 637.064 đối tượng được hỗ trợ với tổng số tiền là hơn 609 tỷ đồng. Hiện Nghệ An đã ban hành chi trả 2 lần với tổng số tiền gần 300 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu tại buổi làm việc và ghi nhận cách làm sáng tạo của Nghệ An trong quá trình thực hiện. Ảnh: Mỹ Hà |
Ngoài ra, việc rà soát một số đối tượng, đặc biệt là người lao động tự do, lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng đang còn nhiều vướng mắc.
Đơn cử, như đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương. Hiện, theo quy định, điều kiện được hưởng hỗ trợ là người lao động bị mất việc tại doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính trả lương. Nhưng thực tế, một số doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã thỏa thuận với lao động tạm hoãn nghỉ, không hưởng lương nhưng vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vẫn có doanh thu.
Hay, theo quy định, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương được nhận hỗ trợ qua tài khoản của người lao động. Tuy nhiên đối với trường hợp người lao động không có tài khoản để nhận hỗ trợ thì chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể khác...
Chi trả đợt 1 gói an sinh xã hội tại huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu Nhật Tuấn |
Kịp thời, đúng đối tượng và tránh trục lợi chính sách
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Thời gian qua, các cấp, chính quyền Nghệ An đã vào cuộc tích cực để tiến hành rà soát và chi trả kịp thời cho nhiều đối tượng và tạo được niềm tin trong đông đảo quần chúng nhân dân.
Trước những khó khăn hiện nay, đồng chí cũng mong muốn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sớm có ý kiến với Chính phủ để cùng với các địa phương tháo gỡ, đặc biệt là hỗ trợ nguồn kinh phí cho những tỉnh đặc thù như Nghệ An.
Đồng chí Bùi Đình Long phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Mỹ Hà |
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Nghệ An. Vì thế, trong vai trò của mình, Bộ sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ để có giải pháp hỗ trợ. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phải tăng cường giám sát ở cơ sở để việc triển khai hiệu quả, đúng đối tượng, khách quan, minh bạch và không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội làm việc tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu. Ảnh: Mỹ Hà |