Nghệ An: Lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi)
(Baonghean.vn) - Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, ngày 18/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Thanh niên (sửa đổi).
Các Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đề cao tính công khai, minh bạch thông tin trong đầu tư công
Buổi sáng, hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hiền khẳng định, nhu cầu vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam nói chung và mỗi địa phương nói riêng là rất lớn, trong khi đó ngân sách Nhà nước thì có hạn, vốn của các nhà tài trợ ngày càng thu hẹp thì mô hình đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP) được xem như một đòn bẩy để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, để Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) phù hợp hơn với thực tiễn và đảm bảo tính linh hoạt trong triển khai trên thực tế, các đại biểu cần tập trung góp ý xây dựng nội dung liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh luật; lĩnh vực đầu tư PPP; hạn mức, quy mô đầu tư; cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư Dự án PPP; hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP, nguồn vốn của Nhà nước trong các dự án; vai trò, chức năng của các cơ quan có liên quan…
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trình bày ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung tổng quát của dự thảo luật này.
Bên cạnh đó, có 8 ý kiến tham gia một số nội dung dự thảo như: Tăng cường phối hợp giám sát giữa địa phương, cơ quan chuyên ngành và giám sát cộng đồng hoạt động thu phí tại các dự án đầu tư theo hình thức PPP diễn ra một cách trung thực, hợp lý, đúng quy định.
Đồng thời, đề nghị quy định tỷ lệ mức vốn Nhà nước hỗ trợ dự án không quá 49% tổng mức đầu tư. Việc giao Chính phủ quy định hạn mức quy mô đầu tư tối thiểu của Dự án PPP phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực và giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Một số đại biểu góp ý, Dự án PPP bản chất vẫn là dự án đầu tư công nên Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán toàn bộ công trình, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân và cụ thể hóa hơn quy trình giải quyết kiến nghị trong lựa chọn nhà đầu tư cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng và một số luật khác; quy định rõ hơn thẩm quyền người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư; quy định rõ nội dung, phần việc giám sát của cộng đồng dân cư trên địa bàn với dự án đang triển khai để đảm bảo tính khả thi...
Chợ đầu mối TP. Vinh – dự án đầu tư theo hình thức công tư đi vào hoạt động từ năm 2015. Ảnh tư liệu: Nguyên Sơn |
Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, xem xét lại các luật có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; đối với việc công khai, minh bạch thông tin trong đầu tư theo phương thức PPP, cần quy định thời gian đăng tải các thông tin…
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham gia xây dựng dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.
Có nên thành lập Bộ Thanh niên?
Buổi chiều , Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi). Đồng chí Trần Văn Mão – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tập trung vào 14 vấn đề, đáng chú ý là các nội dung liên quan đến: Định hướng xây dựng Luật Thanh niên; bố cục dự luật; độ tuổi thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; hợp tác quốc tế về thanh niên; đối thoại với thanh niên; quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quản lý Nhà nước về thanh niên…
Một nội dung được nhiều đại biểu góp ý là có nên thành lập Bộ Thanh niên hay chỉ nên nâng tầm vai trò của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và giao thêm một số chức năng quản lý Nhà nước về thanh niên cho ủy ban này.
Về vấn đề trên, đồng chí Phạm Văn Toàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An kiến nghị, trong tình hình tinh giản biên chế như hiện nay, việc thành lập thêm bộ mới là không khả thi. Đồng thời, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chức năng quản lý Nhà nước về thanh niên đã được giao cho Bộ Nội vụ, một việc giao cho 2 cơ quan thực hiện là chưa phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy.
Cùng với đó, Trung ương Đoàn là cơ quan Thường trực của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam sẽ tận dụng được những lợi thế trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên để tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật một cách sâu sát với đời sống thanh niên.
Đồng chí Phạm Văn Toàn - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) tại hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đồng tình với quan điểm trên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, để tránh chồng chéo và tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về thanh niên, Luật cần phân cấp thêm thẩm quyền, trách nhiệm cho Ủy ban Quốc gia. Đồng thời, cần xác định rõ vị trí, trách nhiệm của ủy ban này với các trách nhiệm cụ thể như: nghiên cứu, khảo sát, đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách về thanh niên; chủ trì việc phối hợp với Đoàn, các tổ chức thanh niên và các ngành, các cấp thực hiện chương trình hành động về thanh niên; phối hợp Bộ Nội vụ tăng cường quản lý Nhà nước về công tác thanh niên; tổ chức thực hiện các quyết định của Chính phủ, cơ quan chức năng về hợp tác quốc tế và đối ngoại nhân dân...
Những quy định trên sẽ đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với quy định về tổ chức phối hợp liên ngành trong thi hành luật.
Quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của thanh niên
Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, các chính sách quy định trong Dự thảo Luật Thanh niên còn chung chung, thiếu tính đặc thù và chưa tạo động lực cho lực lượng thanh niên. Vì vậy, cần đề xuất các chính sách cụ thể liên quan đến một số đối tượng đặc thù như: thanh niên xung phong, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên tình nguyện tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; thanh niên đang lao động, học tập tại nước ngoài...
Một số đại biểu phản ánh, dự thảo luật quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên trùng lặp và không có điểm gì mới so với các quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong các luật khác. Dự thảo luật cũng chưa tạo được hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên phát huy và cống hiến; chưa thể hiện được vai trò, sứ mệnh của thanh niên – một lực lượng xã hội to lớn trong quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc. Từ đó kiến nghị xây dựng theo hướng luật khung với những quy định, nguyên tắc làm nổi bật hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến thanh niên.
Tuổi trẻ Nghệ An xuất quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2019. Ảnh tư liệu Phương Thúy |
Các nội dung liên quan đến độ tuổi tuổi thanh niên; Tháng Thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan tổ chức có liên quan trong thực thi các điều của Luật Thanh niên... cũng được các đại biểu quan tâm góp ý.
Kết luận hội nghị, đồng chí Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Mão ghi nhận, tiếp thu những ý kiến đóng góp, xây dựng Dự thảo Luật Thanh niên của các đại biểu. Những ý kiến này sẽ được tổng hợp, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.