Một công trình nghiên cứu đặc sắc, phong phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Khắc Phê 18/05/2020 16:21

(Baonghean.vn) - Đã có nhiều cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tác phẩm “Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa” dày trên ngàn trang khổ lớn thực sự là một công trình nghiên cứu đặc sắc, phong phú về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là sách Nhà nước đặt hàng (nên hiện nay đã có tại các thư viện trên toàn quốc), có thể gọi cuốn sách là bộ Tổng tập - tái bản 3 tác phẩm đã xuất bản trước đây: "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa",“Suy tưởng trước Ba Đình”"Đạo Khổng trong văn Bác Hồ".

Năm 1987, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hiệp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 đến 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.
Năm 1987, tổ chức Giáo dục - Khoa học - Văn hóa của Liên hợp quốc, UNESCO trong cuộc họp Đại hội đồng lần thứ 24 (tại Paris từ 20/10 - 20/11) đã ra Nghị quyết phong tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh danh hiệu kép: “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn”.

Riêng tác phẩm "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa" đã được tái bản 3 lần có vị trí khá đặc biệt, trước hết vì “xuất xứ” của nó. Chính đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Hồ Chủ tịch, đã cố ý chọn ngày 10/5/1989 - ngày kỷ niệm 10 năm Bác Hồ viết Di chúc, đưa ô tô mời cả gia đình Đào Phan đến thăm nơi ở của Bác Hồ vì ông đã tin cậy chọn Đào Phan là người viết công trình "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa" để kịp công bố vào dịp UNESCO tổ chức Hội thảo về "Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh" tại Hà Nội. (Theo hồi ký của Phan Bội Hoàn, cựu nữ sinh Đồng Khánh Huế, người bạn đời của Đào Phan).

Có sự “lựa chọn” đặc biệt này vì nhà nghiên cứu Đào Phan (tên thật là Đào Duy Dếnh) là em ruột học giả Đào Duy Anh 2 lần ngồi tù vì đế quốc, từng là Bí thư Thành ủy Huế và Hà Nội từ khi cách mạng chưa thành công. Cách mạng Tháng Tám thành công, từ Côn Đảo trở về, ông được giao thành lập và làm Đội trưởng Tuyên truyền xung phong Việt Minh Trung Bộ (nơi đào luyện cán bộ nòng cốt cho các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh, Bình - Trị - Thiên cho cuộc kháng chiến chống Pháp), Phó Chủ tịch Đoàn Văn hóa cứu quốc Trung Bộ, rồi ra Việt Bắc làm Giám đốc Nhà Xuất bản Quân du kích (tiền thân NXB Quân đội Nhân dân hiện nay)… Ông chuyên tâm nghiên cứu về Hồ Chí Minh từ năm 1970…


Tác phẩm
Tác phẩm "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa" đã tái bản nhiều lần.

Về tác phẩm "Hồ Chí Minh - danh nhân văn hóa", đồng chí Vũ Kỳ đã trân trọng viết “Lời giới thiệu” như sau:

"...Cuốn "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa" đã được viết bằng công phu nghiên cứu của tác giả trong hai chục năm qua... Là một người phục vụ Bác Hồ lâu năm, tôi càng sung sướng khi thấy cuốn sách đã nêu được những đường nét sống động và chân thật của Người...".

Ông Nguyễn Dy Niên, trong thư gửi tác giả nhân tác phẩm "Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa" xuất bản lần đầu năm 1991, đã viết:

"...Lâu nay ở Việt Nam chúng ta, khi nói về Hồ Chí Minh thì nặng về phần Anh hùng giải phóng dân tộc và quá nhẹ về phần Danh nhân văn hóa, hoặc có nói về danh nhân văn hóa thì khô khan, đơn điệu, gò ép và chỉ đóng khung trong "Nhật ký trong tù" và một vài bài viết của Bác... Là một trong những tác giả của bản Nghị quyết UNESCO, tôi trăn trở về điều đó. Nhưng thưa Cụ, khi lướt qua 5 chương của cuốn sách, tôi bàng hoàng và sung sướng vì những điều trăn trở và ước ao đã được thực hiện...".

Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Hai nhận xét nêu trên đã nói lên phần nào giá trị của công trình. Cuốn sách gồm có 5 chương: Hồi tưởng về một dự báo; Nền văn hóa mới; Triết nhân và nghệ sĩ; Chiến lược con người - nhà giáo dục; Truyền thống và hiện đại.

Qua 5 chương sách, với hàng trăm dẫn chứng cụ thể và sinh động - trong đó có ý kiến của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng thế giới nhận xét, ca ngợi những phẩm cách đặc biệt về nhiều phương diện của Hồ Chí Minh, từ khi Người còn là chàng trai Nguyễn Ái Quốc đi tìm đường cứu nước đến lúc trở thành vị lãnh tụ tối cao của dân tộc - tác giả đã chứng minh một cách thuyết phục Hồ Chí Minh thật sự là một danh nhân văn hóa có tầm nhân loại.

Đạt được điều đó, trước hết là nhờ công phu sưu tầm tài liệu của tác giả, nhưng quan trọng hơn là nhờ tác giả có cách nhìn mới mẻ và đúng đắn, xứng tầm với vĩ nhân, vượt qua được cách nghĩ hạn hẹp, công thức khi nêu gương một nhà cách mạng. Chỉ cần đọc mấy trang đầu, khi tác giả dẫn bài viết của nhà thơ Liên Xô Ô-xíp Man-đen-xtam sau khi gặp Người năm 1923 đủ rõ: “…Cả diện mạo của Nguyễn Ái Quốc toát lên sự lịch thiệp và sự tế nhị. Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không như văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…” Và gần 10 năm sau, trước sự kiện vị luật sư và bà vợ Tổng đốc nước Anh tư bản ở Hương Cảng cùng góp sức cứu “Ông Nguyễn”, tác giả đã viết: “…Trong những trường hợp như thế không ai nhìn nhận con người qua những dáng dấp giai cấp. Lòng tin của nhà cách mạng quốc tế đối với một vị luật sư Hoàng gia, và ngược lại, lòng tin của vị luật sư Hoàng gia đối với nhà cách mạng quốc tế, phải chăng đều đã bắt nguồn từ “nhân tính” hoặc “nhân tình”?...”

Một điểm đáng chú ý nữa của tác phẩm là tác giả đã phân tích những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ Nguyễn Trãi, đến Phan Bội Châu…, cũng như những giá trị văn hóa của nhân loại đã thể hiện trong danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh như thế nào; nói cách khác, chính nhờ Người biết tiếp thu và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và biết thu nhận, kết hợp những tinh hoa văn hóa của nhân loại, chứ không độc tôn thờ một “Ông Thánh” nào, nên mới trở thành “danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh”.

Bác Hồ tại Hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. (Ảnh: Tư liệu)  Bác Hồ tại Hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. (Ảnh: Tư liệu)  Bác Hồ tại Hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng 7/1960. (Ảnh: Tư liệu)  Bác Hồ tại Hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm, Hà Nội, tháng
Bác Hồ tại Hội nghị phổ biến máy cấy công cụ cải tiến ở Từ Liêm (Hà Nội), tháng 7/1960. Ảnh: Tư liệu

Tác giả cũng đã nêu bật được nét đặc sắc của “văn hóa” Hồ Chí Minh là nói đi đôi với làm; bằng những hoạt động và cách cư xử hàng ngày, Người đã nêu một tấm gương cụ thể và sinh động. Chỉ xin dẫn một ví dụ: Nhân Quốc khánh 2/9/1955, một thương binh từ miền Nam ra, được mời dự chiêu đãi tại Phủ Chủ tịch. Tên thật của anh là Nguyễn Trản, bị cụt mất hai tay khi phụ trách một xưởng quân giới rất thô sơ tại Nam Bộ thời chống Pháp, nên còn có bí danh là Vương Nhị Chi. Trong lúc chờ đợi, anh hỏi thăm lối đi tới nhà vệ sinh. Với hai cánh tay cụt, anh đang loay hoay chưa biết tính sao thì bỗng nghe tiếng hỏi nhẹ nhàng sau lưng: “Chú làm sao cởi khuy?...” Anh còn lúng túng chưa biết trả lời ra sao thì một ông già bước tới cởi khuy giúp anh rồi đứng tránh sang một bên, chờ anh tiểu tiện xong rồi lại lặng lẽ đến cài khuy giúp. Ông già ấy là vị Chủ tịch nước. Thì ra đúng lúc anh hỏi thăm lối vào nhà vệ sinh đã tình cờ gặp Người. Sau khi dẫn anh trở lại phòng lễ tân, Hồ Chủ tịch liền nghiêm khắc quở trách mấy cán bộ hồi nãy “chỉ trỏ” bàn tán khi anh đi vào nhà vệ sinh: “Người ta mất cả hai cánh tay, mà không ai đi theo giúp đỡ…”.

Cuốn "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" được hoàn thành từ năm 1985, nhưng đến năm 1996 mới ra mắt bạn đọc lần đầu. Sự chậm trễ này cũng là điều dễ hiểu, vì trước thời "Đổi Mới", chỉ riêng tên sách như thế đã khó xuất hiện. PGS. Trung tướng Văn Cương, một trong những bạn đọc đầu tiên của công trình "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" đã viết trong "Lời giới thiệu" cuốn sách như sau:

"...Không phải ngẫu nhiên mà trong di sản văn tự của Hồ Chủ tịch từ năm 1921, khi người giới thiệu học thuyết Khổng Mạnh trên Tạp chí Cộng sản của Đệ Tam quốc tế, cho đến năm 1969, khi người viết lần cuối bản Di chúc, khi đọc, chúng ta thường xuyên nhận ra dấu ấn của quan niệm Khổng giáo... Những quan niệm đạo đức, chính trị của Khổng giáo, trong cái phần tinh hoa nguyên chất, vẫn đủ tiềm năng sức mạnh gia nhập vào tiến trình lịch sử của các nước phương Đông... Do những ràng buộc lịch sử, có những lúc chúng ta đã xem Khổng giáo như một tàn dư tệ hại của chế độ phong kiến và nhầm lẫn Khổng giáo với ý thức hệ phong kiến khoác áo Nho gia...".

Về vấn đề này, từ năm 1994, Đào Phan cũng đã công bố công trình "Không lẫn lộn học thuyết Khổng Mạnh với Nho giáo phong kiến". Với cách "lập thuyết" này, và "trên nền tảng một tri thức uyên bác" (chữ dùng của tướng Văn Cương), tác phẩm "Đạo Khổng trong văn Bác Hồ" đã có sức thuyết phục cao.

"Duy có điều, trong cuốn sách này... thoảng đó đây, suốt ba trăm trang sách hình như có tiếng thở dài, bộc lộ nỗi băn khoăn: Liệu rồi lớp con cháu chúng ta còn đủ khả năng lĩnh hội các khái niệm: cần, kiệm, liêm chính? Liệu rồi các lớp cán bộ của chúng ta trong tương lai có khả năng tự nguyện sống, làm việc như những công bộc "minh đức, thân dân", giống như mong ước của Bác Hồ?", PGS Văn Cương đã viết như thế khi kết thúc "Lời giới thiệu" của mình về tác phẩm của Đào Phan.

Những trang sách thể hiện sống động vẻ đẹp phong phú của một vĩ nhân đồng thời làm cho con người băn khoăn, trăn trở. Có lẽ đó chính là thành công của tác giả, là một lý do khiến chúng ta tìm đến 3 công trình viết về Hồ Chí Minh của Đào Phan - lần này được in thành Tổng tập “Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa” sang trọng, cung cấp những tư liệu quý với sự phân tích thấu đáo và sắc sảo, rất bổ ích cho tất cả những ai muốn nghiên cứu về Hồ Chí Minh, xứng đáng là công trình có “sức nặng” trong dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người…

Nguyễn Khắc Phê