Nghệ An: Bệnh nhân sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu gia tăng do nắng nóng

Thành Chung - Thanh Hoa 20/05/2020 18:00

(Baonghean.vn) - Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Diễn Châu gia tăng, số trẻ bị chân tay miệng, thủy đậu phải nhập viện là tình trạng của những ngày nắng nóng vừa qua. Điều đáng nói là ý thức phòng bệnh của một số người dân vẫn chưa cao.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết gia tăng

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An: Từ ngày 7/3/2020 đến ngày 20/5/2020, trên địa bàn tỉnh có 70 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Số bệnh nhân này đều ở huyện Diễn Châu. Trong đó, xã Diễn Bích đã ghi nhận 61 bệnh nhân mắc (55 bệnh nhân đã khỏi bệnh); xã Diễn Ngọc có 9 bệnh nhân mắc (8 bệnh nhân đã khỏi bệnh)... Hiện nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang không ngừng gia tăng.

Hiện nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang không ngừng gia tăng. Ảnh: Thành Chung
Hiện nay, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang không ngừng gia tăng. Ảnh: Thành Chung
Bác sĩ Cao Đình Minh - Giám đốc Trung tâm Y tế Diễn Châu cho biết: Ngay sau khi phát hiện ca mắc bệnh sốt xuất huyết đầu tiên, Trung tâm Y tế huyện Diễn Châu, các trạm y tế đã thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến bệnh sốt xuất huyết; tăng cường xuống các hộ gia đình tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng bệnh; vận động người dân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, diệt loăng quăng, bọ gậy.

Những năm qua, các “ổ dịch” sốt xuất huyết ở huyện Diễn Châu vẫn không ngừng bùng phát, tái xuất hiện theo mùa dẫu các cơ quan chức năng ở huyện, tỉnh không ngừng nỗ lực phòng, chống.

Bác sĩ Phạm Đình Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An cho hay: Qua hoạt động kiểm tra, giám sát thì thấy rằng người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống bệnh. Tại các hộ gia đình vẫn phát hiện nhiều ổ loăng quăng. Vệ sinh môi trường ở các khu dân cư chưa sạch.

Điều tra, giám sát dịch tễ cho thấy người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Thành Chung
Điều tra, giám sát dịch tễ cho thấy người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Thành Chung
Hiện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã và đang chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác truyền thông đến mọi người dân. Đặc biệt chú trọng việc truyền thông trong nhà trường để mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên, thành viên phòng chống sốt xuất huyết tích cực tại gia đình. Mọi người cần ý thức rõ “Không có muỗi, không có sốt xuất huyết”.

Các địa phương cũng cần tăng cường giám sát và phát hiện sớm những ca bệnh mới với các triệu chứng sốt cao, sốt đột ngột đi kèm với các triệu chứng ho, sổ mũi, đau đầu, kịp thời đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Xuất hiện nhiều ca mắc thủy đậu, tay chân miệng

Vào thời điểm này, khí hậu nóng ẩm đã và đang tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Bên cạnh những ca mắc sốt xuất huyết thì còn có một số bệnh truyền nhiễm khác cũng bùng phát. Đặc biệt trẻ em là dễ trở thành “nạn nhân” do sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.

Xuất hiện nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng và thủy đậu. Ảnh: Thành Chung
Mùa hè, nhiều trẻ mắc bệnh tay chân miệng và thủy đậu. Ảnh: Thành Chung
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, mỗi ngày, khoa khám bệnh thực hiện khám cho 800 - 1.000 bệnh nhân, trong đó có khoảng 500 trẻ nhỏ. Rất nhiều trẻ đến khám mắc các bệnh dịch mùa hè từ viêm da, ho, sốt, tiêu chảy. Đặc biệt, có nhiều trẻ mắc tay chân miệng, thủy đậu.

Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Thị Hội - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie, Echo và các virus đường ruột khác gây ra. Trẻ mắc tay chân miệng biểu hiện sốt, nổi ban ở tay chân, mông, đùi, loét miệng. Bệnh rất dễ lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp do các đồ dùng có dính nước bọt hoặc dịch tiết. Khi bị bệnh trẻ rất khó chịu với triệu chứng sốt, loét miệng, chảy dãi.

Bệnh thủy đậu do virus Varicella Zoster gây nên. Bệnh thường gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Thủy đậu lây lan rất nhanh, lây qua đường hô hấp, tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp qua vật dụng, áo quần bị nhiễm các chất tiết từ nốt bỏng. Thủy đậu ủ bệnh từ 10 - 20 ngày. Bệnh nhân biểu hiện sốt, mệt mỏi, đau người, phát ban, nổi bọng nước trên da.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đậu Thị Hội. Ảnh Thành Chung.
Thạc sĩ, Bác sĩ Đậu Thị Hội khuyến cáo: Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời. Ảnh: Thành Chung.
Cả 2 bệnh này thường lành tính nhưng có những biến chứng rất nguy hiểm như viêm cơ tim, viêm não, phù phổi cấp dẫn đến tử vong. Phòng chống 2 dịch bệnh tay chân miệng, thủy đậu nói riêng và các bệnh dịch mùa hè nói chung, mọi người cần chú ý vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Đặc biệt chú ý rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.

Khi trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường về sức khỏe, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, hướng dẫn và điều trị kịp thời, không được tự ý mua thuốc về điều trị. Khi trẻ mắc các bệnh tay chân miệng, thủy đậu phụ huynh cần cho trẻ nghỉ học, cách ly và theo dõi - Thạc sĩ, bác sĩ Đậu Thị Hội khuyến cáo.

Thành Chung - Thanh Hoa