Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An: Cây con chủ lực cần có 6 điều kiện
(Baonghean.vn) - Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho rằng, những cây con được chọn là "chủ lực" cần phải đáp ứng 6 điều kiện.
Góp ý kiến tham luận tại Hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xác định cây, con chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030" được tổ chức vào ngày 26/5 tại TP Vinh, ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An thẳng thắn chỉ rõ nhiều hạn chế của việc phát triển sản phẩm chủ lực của Nghệ An trong lĩnh vực nông nghiệp trong gần 6 năm qua. Đó là sự đóng góp của các sản phẩm chủ lực đã xác định chưa thực sự bứt phá, thị trường còn hạn chế, nhiều sản phẩm khó đạt mục tiêu, chưa thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản phẩm có giá trị gia tăng ít.
Nguyên nhân, theo ông Thành, trước hết việc xác định cây chủ lực để khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển còn quá nhiều đối tượng gồm 12 cây, 8 con và với 21 chỉ tiêu là quá rộng.
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tham luận tại hội thảo. Ảnh: Lâm Tùng |
Vì Nghệ An xác định nhiều, trong khi nguồn lực chưa mạnh cho nên việc đầu tư và hỗ trợ đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thiếu kết nối giữa các nguồn lực, khó thu hút doanh nghiệp. Cũng vì khó thu hút doanh nghiệp nên khó kết nối chuỗi, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, sản phẩm đầu ra giá thấp, bấp bênh, chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, năng lực cạnh tranh thấp.
Đất đai phần lớn do nông dân được cấp quyền sử dụng, diện tích nhỏ lẻ, khó đầu tư cơ giới, khó áp dụng kỹ thuật công nghệ mới, khó kết nối với doanh nghiệp. Nông, lâm trường thì chưa phát huy được hiệu quả so với tiềm năng, lợi thế. Doanh nghiệp tiếp cận đất đai khó khăn.
Trong khi đó, thị trường bị cạnh tranh không chỉ thế giới mà ngay cả trong nước, thông tin thị trường người dân chưa được tiếp cận thường xuyên. Hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân lỏng lẻo, thiếu tin cậy.
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là điện, logistic trong nông nghiệp. Tài chính trong nông nghiệp cũng gặp khó khăn, trong khi chính sách hỗ trợ phát triển còn nặng hỗ trợ đầu vào, ít hỗ trợ đầu ra. Chất lượng lao động trong ngành nông nghiệp chất lượng thấp, thiếu nguồn nhân lực trẻ ở nông thôn.
Từ những vấn đề trên, ông Trần Quốc Thành đề xuất: Trước hết cần rà soát lại danh mục các đối tượng sản phẩm chủ lực. Tiêu chí lựa chọn tập trung ưu tiên 2 vấn đề chính là: Lợi thế so sánh và cơ hội thị trường.
Chè nguyên liệu được đánh giá là cây chủ lực của Nghệ An có ưu thế. Ảnh: Xuân Hoàng |
Cây, con chủ lực phải đủ 6 điều kiện:
Thứ nhất, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển tốt, năng suất chất lượng cao.
Thứ hai, cây, con đó có thuận lợi để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển.
Thứ ba, có diện tích để mở rộng và sản lượng chiếm tỷ lệ đáng kể trong toàn quốc.
Thứ tư, có thể sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng.
Thứ năm, có cơ hội cao thâm nhập thị trường rộng cả trong và ngoài nước, thậm chí có thể xác định được thị trường chủ đạo.
Thứ sáu, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh với các tỉnh bạn và các nước cùng sản xuất sản phẩm.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Nghệ An hãy chọn 6 đối tượng sản phẩm có ưu thế: Cây ăn quả (gồm cây có múi, bơ); Cây chè các loại (bao gồm cả chè Shan tuyết, Ô long và chè hoa vàng); Thịt và trứng gia cầm (tập trung con gà); Tôm các loại; Thịt lợn; Gỗ và sản phẩm từ gỗ (bao gồm cả tre).
Đồng thời cần xác định một số đối tượng là chủ lực của tỉnh mà chưa phải là sản phẩm chủ lực quốc gia để xây dựng tiếp theo gồm 3 đối tượng: Bò sữa và bò thịt; Mía và sản phẩm từ mía; Cây dược liệu và sản phẩm dược.