Phòng chống dịch Covid-19: Peru làm 'đúng' nhưng đã 'đủ'?
(Baonghean) - Peru là một trong những quốc gia đầu tiên tại châu Mỹ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa chủng mới virus Corona, có thể kể đến như các quy định yêu cầu người dân ở nhà, lệnh giới nghiêm và đóng cửa biên giới. Thế nhưng, tính đến đầu tuần này, Peru đã ghi nhận hơn 123.900 ca dương tính Covid-19, trong đó có 3.600 trường hợp tử vong, đưa nước này trở thành điểm nóng thứ hai tại Mỹ Latinh chỉ đứng sau Brazil. Câu hỏi đặt ra là, vì đâu nên nỗi?
Nghe theo nhu cầu hay quy định cách ly?
Hãng tin CNN đã làm phép so sánh và đưa ra nhận xét rằng, cách mà Peru và Brazil giải quyết đại dịch Covid-19 hoàn toàn khác biệt nhau. Trong khi Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro xem nhẹ những mối nguy mà virus Corona đã và đang đặt ra, thì Tổng thống Peru Martin Vizcarra ngay từ ngày 15/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc, yêu cầu tự cách ly bắt buộc và đóng cửa biên giới đất nước. Dẫu 2 “con đường” trái ngược là vậy, song điều khó ngờ tới là diễn biến tăng tiến của virus tại 2 địa điểm này lại như nhau. Thậm chí, tại Peru, theo các số liệu của chính phủ, hiện khoảng 85% số giường bệnh điều trị tích cực có trang bị máy trợ thở đang kín bệnh nhân, và người ta đang lo sợ về viễn cảnh các bệnh viện rơi vào trạng thái quá tải. Tiến sỹ Alfredo Celis làm việc tại Đại học Y Peru nêu quan điểm: “Tình hình hiện nay không chỉ là khẩn cấp về mặt y tế, mà là một thảm họa y tế, tức là tình thế khi đại dịch vượt quá khả năng phản ứng của ngành y”. Không ít người tự hỏi, làm thế nào một quốc gia phản ứng một cách quyết liệt và nghiêm túc trước đại dịch đến thế lại nhận lấy hồi kết như thế này?
Peru ghi nhận gần 124.000 ca dương tính với Covid-19. Ảnh: FNA |
Đi tìm câu trả lời cho vấn đề trên, Tiến sỹ Elmer Huerta, một bác sỹ Peru nhận định, sự bất bình đẳng sâu sắc ở quốc gia này có lẽ là một phần nguyên nhân: “Điều mà tôi được biết là chủng virus này phơi bày tình hình kinh tế - xã hội của một địa điểm”.
Thực tế là, nhiều người nghèo ở Peru không có lựa chọn nào khác mà vẫn phải mạo hiểm sức khỏe, bước chân ra khỏi nhà để đi làm, mua thực phẩm hay thậm chí là giao dịch ngân hàng. Lấy một ví dụ đơn giản, theo số liệu tổng điều tra năm 2017, chỉ 49% hộ gia đình Peru có tủ lạnh hoặc tủ đông (ở khu vực thành thị tỷ lệ này là 61%). Điều này lý giải cho việc nhiều người cần phải đi chợ hàng ngày để mua đồ ăn thức uống, bởi họ không có phương tiện để bảo quản thực phẩm. “Nghịch lý” được Tiến sỹ Huerta chỉ ra: “Làm sao có thể tuân thủ quy định tránh tiếp xúc với người khác trong một xã hội mà người ta không thể ở trong nhà kia chứ”.
Ngày 14/4, tức khoảng 1 tháng sau khi Peru thực thi chính sách bắt buộc ở nhà và áp dụng một lệnh giới nghiêm, kênh TV Peru phát đi hình ảnh cho thấy khu vực bên ngoài một cái chợ nằm ở ngoại ô Lima. Những người mua hàng phải xếp hàng chờ đợi trong nhiều giờ đồng hồ và nhiều người khác cứ lượn qua lượn lại. Hầu hết đều có khẩu trang che chắn, nhưng có vẻ như giãn cách xã hội là điều bất khả thi. Một người phụ nữ đang xếp hàng chờ tới lượt chia sẻ: “Chúng tôi phải chịu cảnh đông đúc này vì chẳng có cách nào khác nữa. Nếu không, chúng tôi sẽ không có thực phẩm. Chúng tôi đâu còn gì để ăn, vì thế mới phải đi chợ”. Ngày hôm đó, số ca dương tính với virus Corona tại Peru là 10.303. Đến nay, tức hơn 1 tháng sau, con số này đã tăng hơn gấp 10 lần!
Những hệ quả ngoài dự kiến
Người dân Peru cũng chen chúc tại các ngân hàng để được nhận khoản hỗ trợ của chính phủ nhằm giảm thiểu tác động do Covid-19. Theo Kristian Lopez Vargas, một nhà kinh tế học Peru đang công tác tại Đại học California, Santa Cruz cho rằng, gói kích thích với mục tiêu giúp đỡ hàng triệu gia đình gặp hoạn nạn vì đại dịch tại Peru là ý tưởng tốt đẹp từ phía chính phủ nước này, nhưng cách thức đưa nó đến tay người dân lại được tổ chức rất kém. Trong một bản báo cáo hồi năm ngoái, cơ quan quản lý hệ thống các ngân hàng của Peru cho biết, chỉ khoảng 38% người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng. Việc thiếu tiếp cận với hệ thống tài chính đồng nghĩa đa phần người nhận cứu trợ phải đích thân đến ngân hàng để lĩnh tiền mặt.
Một lễ tang của các nạn nhân Covid-19 tại nghĩa trang El Angel ở Lima hôm 21/5. Ảnh: Getty |
Chuyên gia Lopez Vargas phân tích: “Không khó để dự đoán hành vi của người dân khi họ cố gắng để tiếp cận với khoản viện trợ này. Thế mà những chính sách này lại gây ra tác hại không cần thiết khi buộc người dân phải tập trung thành các đám đông lớn tại các ngân hàng”.
Đó là chưa kể nhiều người dân Peru hiện có lối sống và làm việc không thể “dung hòa” với quy định giãn cách xã hội. Như ông Lopez Vargas chỉ ra, hơn 30% hộ gia đình tại quốc gia này sống trong cảnh chen chúc nhau, có những nhà ít nhất 4 người phải ngủ chung trong một căn phòng. Không những thế, theo Viện Thống kê và Thông tin Quốc gia của Peru, hơn 72% lực lượng lao động thuộc nền kinh tế phi chính thức, và với những người kiếm sống qua ngày trong khu vực phi chính thức, thì họ không thể tự cách ly mà phải ra ngoài làm việc để có thu nhập. Thực trạng này, kết hợp với nhu cầu của hàng triệu người cần mua thực phẩm và các mặt hàng khác tại các khu chợ đông đúc, thật chẳng khác gì “một hỗn hợp chất nổ” trong bối cảnh đại dịch hoành hành.
Vấn đề gốc rễ
Cuối tuần trước, Tổng thống Vizcarra đã gia hạn tình trạng khẩn cấp tại Peru cho đến hết tháng 6, duy trì quy định tự cách ly bắt buộc và các lệnh giới nghiêm trên toàn quốc. Đây là lần thứ 5 các biện pháp khẩn cấp được kéo dài thời gian áp dụng. Nhưng lần này, động thái gia hạn lại đi kèm với việc cho phép một số ngành nghề kinh doanh được hoạt động trở lại, bao gồm các dịch vụ như thẩm mỹ viện, giao đồ ăn và nha khoa…
Peru đã áp dụng các lệnh giới nghiêm, quy định yêu cầu người dân ở nhà... để chống Covid-19. Ảnh: AA |
Những ưu tiên của Peru đối với việc thực thi các hướng dẫn y tế dường như cũng có sự thay đổi kể từ lần đầu ban bố tình trạng khẩn cấp. Đầu tháng 4, ông Vizcarra cho biết, trong những tuần đầu tiên thực hiện quy định yêu cầu người dân ở nhà, khoảng 3.000 người đã bị bắt giữ vì không tuân thủ các biện pháp này. Song đến đầu tuần này, nhà lãnh đạo này tuyên bố, ưu tiên hiện sẽ đặt vào việc thực thi các quy định sức khỏe tại các khu chợ trên khắp cả nước, đồng thời cho biết thêm, một trong những bài học rút ra được từ quá trình phản ứng trước đại dịch là người dân cần phải thay đổi “một số hành vi xã hội gây nhiều tổn thất”. “Kiểu hành vi này mang tính cá nhân, ích kỷ… lờ đi những thứ đang xảy ra xung quanh chúng ta, và chính xác đó là điều gây ra tình cảnh mà chúng ta hiện đang phải gánh chịu, không chỉ tại Peru mà trên toàn thế giới”, Tổng thống Vizcarra khẳng định.
Nhưng với những luồng quan điểm từ góc độ người trong ngành y như Huerta hay nhà kinh tế học như Lopez Vargas, cần phải thận trọng khi đặt quá nhiều trách nhiệm lên vai người dân. Tương tự như họ, không ít người cho rằng, những vấn đề tiềm ẩn tại Peru cũng như nhiều quốc gia khác bị đại dịch Covid-19 phơi bày vốn chẳng phải điều gì mới mẻ. Cần phải giải quyết dứt điểm được chúng, nếu không, mọi nỗ lực ngăn chặn đại dịch dù có vẻ hợp lý và quyết liệt ra sao cũng chỉ như muối bỏ biển mà thôi./.