Nghệ An tăng cường giải pháp canh phòng lửa rừng

Bài: Văn Trường - KT: Lâm Tùng 28/05/2020 06:31

(Baonghean) - Thời điểm này nắng nóng gay gắt, nguy cơ cháy rừng thông là rất cao. Nghệ An đang triển khai chế độ thường trực canh gác lửa rừng 24/24 giờ tại Ban chỉ huy PCCCR các cấp và chòi canh lửa, ngăn chặn các hành vi đưa lửa vào rừng dưới mọi hình thức, nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy rừng.

Nguy cơ cháy rừng thông

Tại khu vực mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Bác Hồ, ở xã Nam Giang (Nam Đàn), hiện nhân viên của Hạt Kiểm lâm Nam Đàn đang luân phiên túc trực 24/24 giờ tại chòi canh lửa rừng, việc tuần tra, ngăn chặn người và phương tiện đi vào rừng đang được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Hữu Dương - cán bộ Hạt Kiểm lâm Nam Đàn, cho biết: Chòi canh lửa Nam Giang cao hơn 10 mét, có thể quan sát được lửa rừng cho cả vùng Nam Giang của huyện Nam Đàn và một phần diện tích rừng của các huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương. Nhờ canh lửa rừng tốt, nên phát hiện sớm một số đám cháy nhỏ để lực lượng tại chỗ dập tắt kịp thời.

l Kiểm tra công tác PCCCR ở xã Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Văn Trường
Kiểm tra công tác PCCCR ở xã Nam Giang (Nam Đàn). Ảnh: Văn Trường

Tại chòi canh lửa Nam Hưng (Nam Đàn) các nhân viên bảo vệ rừng cũng đang bám trụ canh lửa rừng trong mùa nắng nóng. Chòi canh lửa này được xây dựng từ năm 2016, cao hơn 10 mét, có thể quan sát được lửa rừng cho khoảng trên 780 ha rừng thông và các điểm giáp ranh giữa một phần của huyện Nam Đàn và các huyện Đô Lương, Thanh Chương.

Đại diện Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn cho biết: Ban quản lý trên 3.000 ha rừng thông. Ngay từ thời điểm ngày 15/4, Ban đã cắt cử lực lượng thay nhau túc trực 7 chòi canh lửa 24/24 giờ trên địa bàn các xã Nam Thái, Vân Diên, Nam Hưng, Nam Giang.

Qua trực chòi canh đã phát hiện một số đám cháy nhỏ, kịp thời triển khai lực lượng dập tắt không để cháy lây lan. Từ đầu năm đến nay Ban đã phối hợp với các hộ dân đốt trước thực bì được 600 ha, phát dọn thực bì 400 ha, tu sửa đường băng cản lửa được 38,24 km ở các xã Nam Nghĩa, Nam Hưng, Nam Giang, Nam Lĩnh.

Chòi canh lửa rừng ở xã Nam Hưng (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu
Chòi canh lửa rừng ở xã Nam Hưng (Nam Đàn). Ảnh: Tư liệu

Khó khăn đặt ra hiện nay là nhiều địa phương có diện tích rừng thông nhưng vẫn chưa được xử lý thực bì. Như tại huyện Diễn Châu hiện có gần 6.000 ha rừng thông đều giao cho xã và cộng đồng dân cư quản lý, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hàng năm, xử lý thực bì chỉ đạt 400ha/6.000ha, diện tích còn lại chưa được xử lý thực bì, nguy cơ cháy rừng thường xảy ra ở các xã Diễn Đoài, Diễn An, Diễn Phú. Huyện Yên Thành có gần 3.000 ha rừng thông, đầu mùa nắng nóng, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện xử lý trên 500 ha, các xã xử lý được khoảng 500 ha, còn lại gần 1.000 ha rừng thông do các xã quản lý chưa xử lý được, tập trung ở 3 xã Công Thành, Mỹ Thành, Bảo Thành.

Nhiều huyện khác cũng nằm trong tình trạng trên, như huyện Nam Đàn chỉ mới xử lý được 1.000/6.000 ha, huyện Đô Lương xử lý 1.000/6.500 ha.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, đến thời điểm này toàn tỉnh đã xử lý thực bì phòng, chống cháy rừng được trên 7.500/16.000 ha rừng. Làm mới được 12,5 km đường băng cản lửa, tu sửa 201 km đường băng cản lửa. Tuy nhiên, hiện nay khó khăn trong công tác PCCCR là hiện có nhiều chòi canh lửa xuống cấp.

Về các đường băng cản lửa ở các vùng giáp ranh giữa huyện Nam Đàn và tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2017 đã được UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương cho xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Đối với khâu xử lý thực bì kinh phí tốn kém, trong khi nguồn khai thác nhựa thông hạn chế, nên hầu hết diện tích rừng thông do xã quản lý chưa được xử lý.

Tăng cường giải pháp

Ông Bạch Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An cho biết: Để đối phó với tình hình khô hạn và nắng nóng đang diễn biến phức tạp, Chi cục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 10/2/2020 để chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành, thị tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo UBND các huyện, thị xây dựng 21/21 phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và xây dựng phương án huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng khi có cháy xảy ra trên địa bàn. Thẩm định trình cấp trên phê duyệt 30 phương án các chủ rừng là các tổ chức; 371 phương án phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã.

Kiểm tra dụng cụ dập lửa ở hạt kiểm lâm Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường
Kiểm tra dụng cụ dập lửa ở hạt kiểm lâm Thanh Chương. Ảnh: Văn Trường

Trước mùa nắng nóng Chi cục Kiểm lâm cũng đã chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp phải chuẩn bị, tu sửa, vận hành thử các loại máy móc, thiết bị để sẵn sàng cho công tác chữa cháy rừng. Mua sắm bổ sung thêm các thiết bị, dụng cụ chữa cháy, hiện toàn tỉnh đã mua sắm được 18 máy bơm nước, 84 máy thổi gió, 39 máy cắt thực bì, 53 cưa xăng, gần 4.000 dao phát, hơn 1.500 vỉ dập lửa...

Ngay từ đầu mùa nắng nóng Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị lâm nghiệp tiến hành đốt trước thực bì của gần 1.000 ha rừng thông; xử lý bằng phát dọn trên 6.600 ha, xây dựng các công trình PCCCR. Đã tu sửa gần 200 km đường băng cản lửa, trong đó có 42 km đường băng mới, 190 km đường ranh cản lửa, 26 chòi canh lửa, tu sửa 170 bảng tuyên truyền. Chi cục đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể, đường ống, máy bơm nước để chữa cháy rừng tại khu rừng đặc dụng núi Quyết tại thành phố Vinh.
Đặc biệt, kể từ ngày 16/04/2020 đến ngày 16/9/2020, Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc duy trì 100% quân số trực 24/24 giờ vào thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao. Các chủ rừng, UBND cấp xã bố trí lực lượng canh phòng kiểm soát người ra vào rừng tại những khu vực rừng trọng điểm, tại các chòi canh lửa, trạm bảo vệ rừng, nguy cơ dễ xảy ra cháy rừng cao để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn lửa rừng.

Dùng máy thổi công suất lớn làm sạch đường băng cản lửa ở rừng thông. Ảnh tư liệu Huy Thư
Dùng máy thổi công suất lớn làm sạch đường băng cản lửa ở rừng thông. Ảnh tư liệu Huy Thư

Và cơ quan thường trực Ban Chỉ huy tỉnh về phòng cháy, chữa cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm đã đưa ra các giải pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng với các nhiệm vụ trọng tâm.

Trước mùa nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm đã thành lập 4 đoàn kiểm tra tại các huyện trọng điểm như Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành đặc biệt tại các khu rừng đặc dụng trọng điểm như Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, Khu mộ và đền thờ Mai Hắc Đế, Núi Quyết. Thông qua kiểm tra để chủ động nắm bắt tình hình, phát hiện sớm những vướng mắc, tồn tại trong công tác PCCCR ở các địa phương, chủ rừng để có biện pháp chỉ đạo giúp các địa phương và chủ rừng thực hiện tốt công tác PCCCR.

Để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm yêu cầu các hạt kiểm lâm, chủ rừng phải tăng cường làm tốt công tác thông tin cảnh báo cháy rừng ngay tại địa bàn cơ sở. Khi có thông tin cháy rừng thì chủ rừng, hạt kiểm lâm phải nhanh chóng báo cáo Ban chỉ đạo huyện và xã để huy động lực lượng chữa cháy rừng. Đồng thời có mặt tại hiện trường để tham mưu tổng lực chữa cháy rừng. Khi dập tắt đám cháy rừng, hạt kiểm lâm tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện, xã bố trí lực lượng canh phòng, trông coi lửa rừng và dập tắt hết tàn lửa tránh bùng phát trở lại. Đồng thời tham mưu cho Ban Chỉ đạo huyện chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp điều tra, thu thập chứng cứ, truy tìm, tố giác thủ phạm gây ra vụ cháy rừng, để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm nhằm giáo dục phòng ngừa răn đe chung.


Bài: Văn Trường - KT: Lâm Tùng