Thông tin thêm về vụ chặn đường tuần tra rừng để thu phí ở Nghệ An

Tiến Hùng 03/06/2020 16:18

(Baonghean.vn) - Trong khi nhiều hộ dân địa phương cũng như Ban Quản lý rừng phòng hộ khẳng định đường đã có từ lâu đời và chính quyền đã cấp đất chồng lấn lên thì huyện Tân Kỳ lại khăng khăng huyện cấp đúng, lâu nay không có đường dân sinh và bản đồ lâm nghiệp của rừng phòng hộ cũng không có giá trị pháp lý.

Những ngày đầu tháng 6, sau khi Báo Nghệ An có bài “Chặn đường tuần tra rừng để thu phí”, cơ quan chức năng ở huyện Tân Kỳ đã rốt ráo đến kiểm tra thực địa một lần nữa, để đi đến kết luận cuối cùng. “Trước đây chúng tôi đã tổ chức kiểm tra và đã có kết luận. Nhưng sau đó tiếp tục có khiếu nại nên bây giờ phải tiếp tục kiểm tra, rà soát lại xem kết luận đó đã đúng hay chưa. Chính vì thế mà vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng”, ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Kỳ nói.

Theo kết luận ban đầu do ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ ký thì việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Nguyễn Tài Sơn được thực hiện theo số liệu đo đạc bản đồ năm 1997, hồ sơ thủ tục cấp đất phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2003. “Qua kiểm tra bản đồ lâm nghiệp năm 2003 của Ban Quản lý rừng phòng hộ thì đây không phải là bản đồ pháp lý đã được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra nghiệm thu. Vì vậy, không có căn cứ để khẳng định là có con đường đi qua thửa đất này”, kết luận của huyện Tân Kỳ nêu.

Ông Sơn sau khi được chính quyền cấp bìa đỏ đã chặn luôn con đường.
Ông Sơn sau khi được chính quyền cấp bìa đỏ đã chặn luôn con đường. Ảnh tư liệu Tiến Hùng

Ngoài ra, huyện này cũng cho rằng, qua kiểm tra hồ sơ địa chính, bản đồ địa chính được đo đạc năm 1997, bản đồ địa chính được đo đạc năm 2013 và bản đồ lâm nghiệp năm 2002 của thị trấn Tân Kỳ thì không thể hiện có con đường đi qua thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Nguyễn Tài Sơn.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương cũng như Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ không đồng tình với kết luận này. Họ cho rằng, con đường dân sinh này đã có từ lâu đời, thậm chí trong bản đồ lâm nghiệp cũng thể hiện có đường dân sinh. Về việc huyện Tân Kỳ cho rằng, bản đồ lâm nghiệp năm 2003 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ không được Sở Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu nên không có căn cứ để khẳng định có con đường, ông Đinh Văn Hải - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cho rằng, kết luận của huyện không chính xác. Bởi đây là quy hoạch của tỉnh, không cần Sở Tài nguyên và Môi trường phải nghiệm thu.

BQL rừng phòng hộ Tân Kỳ cho rằng, diện tích đất mà UBND huyện Tân Kỳ đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Nguyễn Tài Sơn năm 2006 nằm chồng lấn lên đất lâm nghiệp. Trong khi đó, kết luận của UBND huyện Tân Kỳ lại cho hay, diện tích đất lâm nghiệp trong bản đồ lâm nghiệp đo đạc năm 2003 đã đo chồng lên thửa đất ông Nguyễn Tài Sơn được đo đạc từ năm 1997, chứ không phải chính quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất chồng lấn thửa đất lâm nghiệp.

“Cái này huyện không chính xác, bởi đất lâm nghiệp có từ năm 1994 (được đo đạc năm 2003) còn bản đồ địa chính của huyện đo đạc năm 1997. Còn đường thì có từ trước đó nữa”, ông Đinh Văn Hải nói.

Sau khi được chính quyền cấp Giấy chứng nhận QSD đất bị cho là đã "ôm" luôn con đường dân sinh, hộ ông Nguyễn Tài Sơn đã làm cổng, chặn luôn con đường này, khiến các hộ dân trồng rừng phải trả phí mỗi lần đi qua. Năm 2013, gia đình bà Trần Thị Hạ và vợ ông Nguyễn Tài Sơn đã có giấy thỏa thuận mở đường có xác nhận của ban cán sự khối cũng như UBND thị trấn Tân Kỳ. Giấy này có nội dung gia đình bà Hạ trả cho anh Sơn 10 triệu đồng để đổi lại kể từ đó về sau, con đường trở thành đường chung, có thể tự do đi lại. Tuy nhiên, mặc dù đã có thỏa thuận và nhận tiền nhưng gia đình ông Sơn sau đó lại “lật kèo”, tiếp tục ngăn cản người dân vào rừng chăm sóc, bảo vệ rừng keo.

Sau khi kiểm tra, huyện Tân Kỳ xác nhận có sự việc này. Tuy nhiên, huyện không xử lý mà lại giao UBND thị trấn Tân Kỳ làm việc với các hộ dân để hòa giải. Trường hợp các công dân không nhất trí theo nội dung giấy thỏa thuận mở đường thì có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án. Để rồi đến nay, vụ việc vẫn không được giải quyết dứt điểm, khiến người dân khiếu nại kéo dài.

“Theo chúng tôi xét thấy thì việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Sơn năm 2006 là đúng trình tự, nhưng lại cấp chồng lên con đường dân sinh đã có từ lâu đời. Và việc ngăn đường để thu phí là vi phạm”, ông Đinh Văn Hải nói thêm.

Ông Hải cho rằng, cách giải quyết hiện nay đó là phải hủy Giấy chứng nhận QSD đất mà chính quyền đã cấp cho ông Sơn từ năm 2006 để cấp lại. “Cấp bìa sai thì cấp lại, không có vấn đề gì cả. Đây là đường đi chung chứ không phải của cá nhân, cũng không thể vì một cá nhân mà ảnh hưởng đến nhiều hộ”.

Dù huyện Tân Kỳ khăng khăng đã cấp đúng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sơn, thì theo quy định chính quyền vẫn phải xem xét để mở lại đường cho người dân vào rừng. Bởi theo Điều 254 - Bộ luật Dân sự 2015 về quyền về lối đi qua thì chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ. Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi….

Trước đó, Báo Nghệ An có bài “Chặn đường tuần tra rừng để thu phí”. Theo khiếu nại của nhiều hộ dân thị trấn Tân Kỳ thì nhiều năm nay, ông Nguyễn Tài Sơn đã chặn đường dân sinh, ngăn cản không cho họ vào rừng chăm sóc, bảo vệ. Mỗi lần đến mùa thu hoạch keo, họ phải bỏ số tiền lớn để xe chở keo vào rừng khai thác. Người dân cho rằng, con đường này đã có từ lâu đời. Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Kỳ cũng khẳng định, đây là con đường tuần tra rừng đã có từ lâu. Nhưng chính quyền đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho ông Sơn để “ôm trọn” con đường là cơ sở để ông này chặn luôn đường để thu phí. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, gây cản trở cán bộ kiểm lâm đi tuần tra cũng như người dân vào rừng canh tác./.

Tiến Hùng