5 triệu USD cho 1 km cao tốc Bắc - Nam

Đoàn Loan 07/06/2020 15:22

Bộ Giao thông Vận tải tính toán suất đầu tư mỗi km cao tốc Bắc - Nam 4 làn xe là 115 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD), thấp hơn suất đầu tư bình quân của Bộ Xây dựng.

Theo báo cáo nghiên cứu khả thi của cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, 11 dự án thành phần dài 653 km có tổng mức đầu tư hơn 102.500 tỷ đồng. Trong đó, gồm chi phí giải phóng mặt bằng hơn 11.400 tỷ đồng, xây dựng và thiết bị 67.900 tỷ đồng, quản lý dự án là 7.700 tỷ đồng, chi phí dự phòng 12.300 tỷ đồng và lãi vay hơn 3.000 tỷ đồng.

Như vậy, không tính chi phí giải phóng mặt bằng thì suất đầu tư trên mỗi km của cao tốc Bắc - Nam là 115 tỷ đồng (khoảng 5 triệu USD).

Ông Phạm Hữu Sơn - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi - tư vấn lập dự án) cho hay, suất đầu tư trung bình 5 triệu USD bao gồm chi phí đầu tư xây dựng công trình cầu, hầm, xử lý nền đất yếu và hệ thống giao thông thông minh (ITS), thu phí điện tử không dừng, đường gom dân sinh.

"Suất đầu tư này là phù hợp, thấp hơn so với suất đầu tư đường cao tốc của một số nước khu vực. Mấy năm trước, một số đơn vị tư vấn nước ngoài đã vào Việt Nam khảo sát và tính toán suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam từ 6-8 triệu USD cho mỗi km", ông Phạm Hữu Sơn nói.

Theo số liệu được Bộ Xây dựng công bố, suất đầu tư xây dựng cao tốc 4 làn xe, vùng 2 (miền Trung và Tây Nguyên) là 157 tỷ đồng trên mỗi km, vùng 3 (các tỉnh phía Nam) là 192 tỷ. Suất đầu tư bao gồm chi phí xây dựng cầu, hầm và xử lý nền đất yếu. Với các công trình có điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn cần có sự tính toán, điều chỉnh, bổ sung. Như vậy, so với công bố của Bộ Xây dựng thì suất đầu tư cao tốc Bắc- Nam trên địa bàn ở vùng 2 và vùng 3 là thấp hơn.

Ông Phạm Hữu Sơn cũng cho biết, đây là suất đầu tư tính toán bình quân tại 11 dự án cao tốc, còn mỗi dự án có đặc thù theo khu vực nên có tổng vốn đầu tư khác nhau.

Ví dụ, dự án cao tốc đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tuy cùng có chiều dài khoảng 50 km song tổng mức đầu tư đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt lớn hơn 5.000 tỷ đồng so với đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Nguyên nhân do đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có nhiều công trình lớn như hầm Thần Vũ dài 1,2 km, cầu Hưng Đức vượt sông Lam dài hơn 4 km và khối lượng xử lý đất yếu nhiều hơn. Tương tự, cầu Mỹ Thuận 2 có suất đầu tư tới 756 tỷ đồng/1 km, lớn hơn nhiều so với dự án đường.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ kết nối với cao tốc Bắc Nam. Ảnh: Đắc Thành.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ kết nối với cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Đắc Thành.

Trong 11 dự án cao tốc thì dự án Phan Thiết - Dầu Giây có quy mô 4 làn xe là khá tương đồng với tham chiếu của Bộ Xây dựng. Dự án này có suất đầu tư 145 tỷ đồng/km đã bao gồm chi phí giải phóng mặc bằng, lãi vay, dự phòng, nhỏ hơn chi phí do Bộ Xây dựng công bố là 192 tỷ đồng (cao tốc khu vực 3).

"Chúng tôi đã khảo sát nghiên cứu địa hình từng dự án để bố trí cầu, đường gom, nút giao, cũng như phương án tổ chức thi công để đảm bảo chất lượng xây dựng công trình và khả thi trong đầu tư", ông Phạm Hữu Sơn, khẳng định.

Cũng theo ông Sơn, tổng mức đầu tư được tính toán cho các dự án được đầu tư hình thức PPP. Mới đây, Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi 3 dự án cao tốc sang hình thức đầu tư công, sẽ giúp giảm chi phí lãi vay và rút ngắn thời gian triển khai.

Đề cập việc thẩm tra đầu tư cao tốc Bắc - Nam, ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, theo quy trình lập báo cáo khả thi cao tốc Bắc - Nam, sau khi đơn vị tư vấn tính toán các chi phí dự án, Bộ Giao thông Vận tải thuê một đơn vị tư vấn độc lập thẩm tra các kết quả này. Các cơ quan chuyên môn của Bộ đã thẩm định lại hồ sơ của đơn vị tư vấn dựa trên kết quả thẩm định của tư vấn độc lập, tham khảo định mức đơn giá vật tư, thiết bị của Bộ Xây dựng và địa phương, sau đó trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.

Sau khi được các cấp có thẩm quyền ra quyết định đầu tư, dự án cao tốc sẽ được thiết kế kỹ thuật và lập dự toán cụ thể hơn nữa. Hồ sơ các bước đều được lưu lại để kiểm tra, kiểm toán sau này. "Chi phí đầu tư các dự án cao tốc được các bên tính toán đúng quy định, không có chuyện khai tăng chi phí, không để gây thất thoát lãng phí", ông Nguyễn Viết Huy khẳng định.

Về phía chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, quan trọng nhất là chất lượng công trình như thế nào, dự án có suất đầu tư thấp có thể mang lại chất lượng không cao nên không thể lấy chi phí thấp làm tiêu chí.


Tuy nhiên, theo ông Doanh, các dự án cao tốc Bắc - Nam có tổng vốn lớn nên việc tính toán tổng mức đầu tư các cơ quan chuyên môn phải thẩm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đồng thời, Chính phủ nên lập một hội đồng giám sát độc lập để theo dõi công tác thực hiện của chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải hoặc các doanh nghiệp đầu tư PPP.


Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình quan trọng Quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, bao gồm 3 dự án đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lạ Sơn, cầu Mỹ Thuận 2.

8 dự án kêu gọi PPP là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Đồng Nai.


Tháng 5, Chính phủ đã đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép chuyển hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Mới đây, Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận chủ trương cho chuyển 3 dự án sang đầu tư công.

Đoàn Loan