Thế giới tuần qua: Siết chặt các biện pháp ứng phó khẩn cấp

Mỹ Nga 07/06/2020 06:30

(Baonghean.vn) - Nga tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn liên bang sau khi bể chứa nhiên liệu khổng lồ bị vỡ và rò rỉ 20.000 tấn diesel xuống sông, biến chúng thành màu đỏ máu. Quốc hội Philippines đã thông qua Dự thảo luật chống khủng bố năm 2020, sau khi được Tổng thống nước này xác định là trường hợp khẩn cấp. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Ban bố tình trạng khẩn cấp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại một khu vực miền Bắc Siberia, sau khi một vụ tràn dầu lớn xảy ra, nhuộm đỏ dòng sông và đe dọa đáng kể cho môi trường tại Bắc Cực.

Hơn 20.000 tấn dầu diesel đã rò rỉ xuống dòng sông Ambarnaya gần Norilsk, một thành phố xa xôi ở miền Bắc nước Nga phía trên vòng Bắc Cực. Bể dự trữ nhiên liệu khổng lồ bị vỡ nằm trong khu công nghiệp thuộc sở hữu của Tập đoàn khai thác mỏ Norilsk Nikel.

Dòng sông bị nhuốm đỏ do sự cố tràn dầu. Ảnh: Siberian Times
Dòng sông bị nhuốm đỏ do sự cố tràn dầu. Ảnh: Siberian Times

Video và hình ảnh được chụp từ trên cao cho thấy, các khu vực rộng lớn của con sông Ambarnaya đã chuyển sang màu đỏ. Sự ô nhiễm rõ ràng đến mức có thể nhìn thấy trong các hình ảnh vệ tinh trên Google Maps, Yandex Maps. Các nhà vận động môi trường đang cảnh báo về tác hại lâu dài đối với khu vực.

Mitchsei Knizhnikov, chuyên gia Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại Nga cho biết, vụ tai nạn lần này là một trong những sự cố tràn dầu lớn nhất trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên, 2 ngày sau khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương mới biết đến, do vụ việc được người dân đăng tải trên mạng xã hội. Điều này đã khiến Tổng thống Putin “sốc” và lên tiếng chỉ trích trong cuộc họp trực tuyến với Alexander Uss, thống đốc vùng Krasnoyarsk - vùng lãnh thổ rộng lớn của Siberia bao gồm Norilsk. “Những tình huống khẩn cấp mà chúng ta biết được là đến từ mạng xã hội ư?. Các anh có thực sự ổn không?”, Tổng thống Putin nói, đồng thời yêu cầu các cơ quan điều tra nghiên cứu kỹ sự cố tràn dầu, để đánh giá rõ ràng về cách các quan chức phản ứng.

Tổng thống Vladimir Putin điều hành cuộc họp trực tuyến để xử lý sự cố tràn dầu ở Vòng Bắc Cực. Ảnh: Sputnik/AFP/Getty.
Tổng thống Vladimir Putin điều hành cuộc họp trực tuyến để xử lý sự cố tràn dầu ở Vòng Bắc Cực. Ảnh: Sputnik/AFP/Getty.

Norilsk Niken là công ty sản xuất bạch kim và niken lớn nhất thế giới. Mọi nỗ lực thu dọn dầu tràn đang được Bộ Tình huống khẩn cấp Nga và Norilsk Niken tiến hành. Cho đến nay, đã thu dọn được hơn 340 tấn dầu diesel. Trong tuyên bố ngày 4/6, Keith Dyachenko - Giám đốc điều hành của Norilsk Niken cho biết, có khả năng do cơ sở được xây dựng trên lớp băng vĩnh cửu và sự cố xảy ra khi băng tan, đồng thời loại trừ sự bất cẩn của người điều hành.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân của sự cố là gì. Dmitry Streletsky, Giáo sư tại Đại học George Washington nhận định: “Nguyên nhân có khả năng là sự kết hợp của hai yếu tố: biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng”. Còn Oleg Mitvol, cựu Phó giám đốc Cơ quan giám sát môi trường của Nga Rosprirodnadzor cho biết: “Khu vực Bắc Cực đặc biệt mong manh. Những vụ tai nạn tương tự đã từng xảy ra ở đây. Việc khắc phục sự cố có thể mất từ 5-10 năm, và ước tính tiêu tốn 100 tỷ rubles (tương đương 1,5 tỷ USD)”.

Văn phòng Tổng công tố viên Nga đã mở cuộc điều tra hình sự với các cáo buộc gây thiệt hại môi trường. Giám đốc bộ phận tuabin của nhà máy điện bị giam giữ như một nghi phạm, và tổng giám đốc của nó đã bị cảnh cáo.

Nhân viên cứu hộ làm nhiệm vụ tại khu vực dầu loang trên sông Ambarnaya. Ảnh: TASS
Nhân viên cứu hộ làm nhiệm vụ tại khu vực dầu loang trên sông Ambarnaya. Ảnh: TASS

Dự luật chống khủng bố

Với 173 phiếu ủng hộ, 31 phiếu chống và 29 phiếu trắng, Dự luật Chống khủng bố năm 2020 bãi bỏ Đạo luật An ninh con người năm 2007, đã được Quốc hội Philippines thông qua hôm 3/6. Dự luật là nỗ lực ngăn chặn và trừng phạt khủng bố, cũng như tăng quyền lực giám sát cho chính phủ nước này.

Dự luật cho phép các nhà chức trách giam giữ các nghi phạm khủng bố mà không cần có lệnh bắt lên tới 24 ngày. Trong khi thời gian cảnh sát hoặc quân đội tiến hành giám sát đối với những kẻ tình nghi khủng bố nâng từ 60 ngày lên 90 ngày, với điều kiện nhận được sự ủy quyền tư pháp từ Tòa phúc thẩm.

Tổng thống Rodrigo Duterte, người từ lâu đã có ý tưởng đặt Philippines vào tình trạng thiết quân luật, sẽ có thẩm quyền chỉ định một hội đồng chống khủng bố. Hội đồng này có chức năng chỉ định ra các cá nhân và tổ chức khủng bố mà không cần sự chấp thuận của tòa án. Điều này cho phép bắt giữ những kẻ khủng bố bị nghi ngờ.

Dự thảo luật khủng bố mới này không chỉ ngăn chặn người Philippines tham gia các tổ chức khủng bố bên ngoài, mà còn đảm bảo những kẻ khủng bố nước ngoài không sử dụng Philippines làm nơi trung chuyển, trú ẩn an toàn để lên kế hoạch và huấn luyện tân binh cho các cuộc tấn công khủng bố khác.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề cao ý tưởng thiết quân luật với đất nước. Ảnh: EPA
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đề cao ý tưởng thiết quân luật với đất nước. Ảnh: EPA

Cuộc chiến chống các nhóm khủng bố, phiến quân đã kéo dài hàng chục năm qua tại Philippines. Các hoạt động chống khủng bố của Philippines từ lâu đã được đẩy mạnh nhằm vào các nhóm hoạt động chống đối, đặc biệt là ở các khu vực tỉnh lẻ. Điểm nóng chính là khu vực miền Nam nước này. Trong vòng 20 năm qua, nơi này đã diễn ra khoảng 40 vụ đánh bom quy mô lớn nhằm gây bất ổn và đòi quyền tự trị. Tại đây đang tồn tại song song nhiều tổ chức cực đoan, trong đó phải kể đến 3 nhóm chính là nhóm phiến quân Maute, phiến quân Abu Sayyaf và nhóm chiến binh Hồi giáo tự do Bangsamoro. Các tổ chức này liên tục thực hiện các vụ tấn công nhằm cản trở tiến trình hòa bình mà Chính phủ Philippines đang thúc đẩy. Một số thì đã tuyên bố trung thành với IS.

Tổng thống Duterte cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh các hoạt động chống khủng bố, áp dụng thiết quân luật tại các khu vực miền Nam. Philippines cũng xây dựng lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ 7.000 - 10.000 người để đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn từ các nhóm khủng bố liên kết với IS.

Bên cạnh đó, Mỹ - quốc gia hợp tác với Philippines trong các hoạt động chống khủng bố trong nhiều thập kỷ qua, dự kiến sẽ phê duyệt hợp đồng bán vũ khí cho Jakarta. Hơn thế, Tổng thống Duterte đã tuyên bố hoãn việc xóa bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng với Mỹ. Đây được xem là động thái tích cực bởi nó sẽ giúp tiếp tục duy trì khả năng Mỹ tham gia hỗ trợ Philippines huấn luyện và tác chiến chống các phần tử cực đoan.

Có thể thấy, dự luật về chống khủng bố của Tổng thống Duterte đã đạt được những kết quả khả quan. Dự luật mới sắp tới sẽ trao quyền nhiều hơn, giúp chính quyền của ông đảm bảo an ninh cho đất nước.

Ở khía cạnh khác, trong một cáo buộc nhanh, phe đối lập cho rằng Tổng thống Duterte nhanh chóng thông qua dự luật nhằm đảm bảo tài trợ của nước ngoài cho các chiến dịch chống khủng bố của chính phủ.

Người biểu tình ở thành phố Quezon phản đối dự luật chống khủng bố. Ảnh: Getty
Người biểu tình ở thành phố Quezon phản đối dự luật chống khủng bố. Ảnh: Getty

Bất chấp sự lên án rộng rãi từ các nhóm nhân quyền, Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto đã đả kích những người chỉ trích dự luật, và cho rằng “chỉ có những kẻ khủng bố mới sợ như thế”. Trên Twitter, ông Sotto khẳng định các cuộc biểu tình sẽ không phân loại là khủng bố, và đề nghị người dân không để bị cuốn vào tuyên truyền sai lệch. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cũng khẳng định, dự luật có đủ các biện pháp bảo vệ nhân quyền.

Antonio Carpio, cựu thẩm phán Tòa án tối cao nhận định, dự luật có thể bị thách thức ngay tại Tòa ngay sau khi thông qua, do vi phạm quyền tự do ngôn luận và phạm vi các vụ bắt giữ không đảm bảo.

Một bộ phận người dân Philippines đã phản đối dự luật cả trên mạng xã hội và trên các đường phố. Nhóm phản đối đã tập hợp biểu tình tại khuôn viên Đại học Philippines Diliman ở thành phố Quezon. Còn trên Twitter, hastag #JunkTerrorBill (phản đối dự luật khủng bố) đã trở thành xu hướng tìm kiếm trong tuần qua.

Mỹ Nga