Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chỉ ra bất cập của một số sở, ngành trong thực thi chính sách
(Baonghean.vn) - Làm việc với các ngành liên quan đến triển khai thực hiện chính sách do HĐND tỉnh ban hành, bên cạnh đánh giá cao những tác động tích cực của chính sách, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An chỉ ra một số bất cập, hạn chế cần rút kinh nghiệm để triển khai tốt hơn trong thời gian tới.
Sáng 8/6, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Văn hóa – Thể thao; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế; Sở Nội vụ theo chương trình giám sát việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Liên quan đến Nghị quyết số 71/2012/HĐND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số thiết chế văn hóa – thể thao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, thông qua giám sát trực tiếp tại một số địa phương và báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát khẳng định, chính sách triển khai đã thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) ở các địa phương; đặc biệt là hoàn thành chỉ tiêu về thiết chế văn hóa – thể thao mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra.
Tuy nhiên sau 8 năm triển khai, hiện tại vẫn đang còn 2 nội dung chưa thực hiện được. Bao gồm: hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và tái định cư cho những địa bàn có mật độ dân cư đông đúc không có quỹ đất phải di dời dân để xây dựng nhà văn hóa xã; hỗ trợ 10 triệu đồng/năm cho các hoạt động văn hóa, thể thao đối với các xã đặc biệt khó khăn và các xã thuộc huyện điểm văn hóa Quỳ Hợp.
Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Cao Tiến Trung đặt ra vấn đề, có hay không tình trạng nợ chính sách? Ảnh: Mai Hoa |
Thực tiễn này được Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Lan và Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Thái Thị An Chung khẳng định, trách nhiệm của Sở Văn hóa – Thể thao trong chỉ đạo triển khai, hướng dẫn cho cơ sở chưa sâu sát, cụ thể.
Bên cạnh đó, một số thành viên đoàn giám sát cũng đặt ra các nội dung liên quan đến nguồn lực chưa phân rõ nguồn hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện chính sách mà đang tổng hợp các nguồn từ các chương trình, kể cả nguồn xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao. Nội dung hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – thể thao chưa rõ.
Một số thành viên cũng quan tâm đến công tác quy hoạch và quy mô xây dựng quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao sau khi có cơ chế chính sách HĐND tỉnh ban hành. Đại biểu đặt câu hỏi: Liệu có tình trạng nợ chính sách hay không?
Thành viên đoàn giám sát còn yêu cầu Sở Văn hóa – Thể thao làm rõ các nội dung liên quan đến chủ trương sử dụng các thiết chế văn hóa – thể thao đổi với các đơn vị sáp nhập, làm thế nào để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư….
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh thừa nhận một số bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao. Ảnh: Mai Hoa |
Trả lời những vấn đề đoàn giám sát của Thường trưc HĐND tỉnh đặt ra, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cho rằng, gắn với triển khai xây dựng NTM, đến nay, 100% đơn vị cấp xã và xóm đều có quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao.
Tuy nhiên để đạt chuẩn về quy hoạch thì đang còn rất khó khăn, bởi việc thực hiện quy hoạch đang tùy theo mức độ nhận thức, sự quan tâm của các địa phương để lựa chọn nơi quy hoạch.
Múa sạp phục vụ du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu Thành Cường |
Điều đó dẫn đến tình trạng, quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao tại một số địa phương chưa nằm ở vùng trung tâm và thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia, thậm chí có nơi quy hoạch ngay cạnh nghĩa trang, có nơi quy hoạch và xây dựng hết 6-7 tỷ đồng nhưng không sử dụng.
Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Trần Thị Mỹ Hạnh cũng thông tin thêm, hiện tại tỉnh đang nợ 26 tỷ đồng trong thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao đối với các địa phương. Liên quan đến thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao nhận khuyết điểm khi chưa quan tâm rà soát để thực hiện.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Ảnh: Mai Hoa |
Cần rút kinh nghiệm trong triển khai chính sách
Kết luận tại nội dung này, bên cạnh đánh giá cao tác động của chính sách, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền nêu lên một số tồn tại cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chính sách do HĐND tỉnh ban hành.
UBND tỉnh cần phân công rõ trách nhiệm đối với các sở, ngành cấp tỉnh và địa phương cũng như đảm bảo nguồn lực thực hiện. Bên cạnh trách nhiệm của HĐND tỉnh thì Sở Văn hóa – Thể thao cần hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thường xuyên để đảm bảo chính sách được thực hiện hiệu quả tích cực nhất.
Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Bùi Văn Hưng tiếp thu các ý kiến mà đoàn giám sát HĐND tỉnh nêu ra liên quan đến việc thực hiện chính sách do ngành tham mưu. Ảnh: Mai Hoa |
Cũng trong sáng nay, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã dành thời gian đánh giá thực hiện 5 nghị quyết do HĐND tỉnh liên quan đến chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực y tế công lập; cơ chế hỗ trợ thực hiện chương trình Sữa học đường; chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài Nghị quyết 30a; chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện về nhà ở; chính sách khen thưởng đối với tập thể cá nhân đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, khu vực quốc tế, quốc gia và cấp tỉnh.
Vấn đề chung nhất được các thành viên đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh chỉ ra, yêu cầu các sở, ngành có trách nhiệm tham mưu là quan tâm công tác tuyên truyền để đưa chính sách vào cuộc sống hiệu quả. Đồng thời đề xuất các sở, ngành nghiên cứu đề xuất bãi bỏ hoặc sửa đổi một số nội dung chính sách chưa phù hợp với thực tiễn hoặc trùng lặp chính sách của Trung ương đang còn hiệu lực.