Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đề xuất bãi bỏ các nghị quyết không phát huy hiệu quả

Thanh Lê 09/06/2020 12:02

(Baonghean.vn) - Qua giám sát tại các địa phương, sở, ngành, HĐND tỉnh đề xuất bãi bỏ các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành không phát huy hiệu quả cao.

Sáng 9/6, Thường trực HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Tài chính về việc thực hiện một số Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2019.

a

Dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh và đồng chí Hoàng Viết Đường – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Ảnh: Thanh Lê

Nguồn lực chưa tương xứng với chính sách

Hàng năm, căn cứ quyết định của Trung ương và Nghị quyết của HĐND tỉnh về các cơ chế, chính sách, trên cơ sở đề xuất nhu cầu kinh phí của các sở, ngành và địa phương, Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, đã tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh quyết nghị bố trí kinh phí thực hiện cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí thực hiện được các đơn vị thụ hưởng thực hiện đúng quy định hiện hành. Nguồn kinh phí hỗ trợ đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn được các đối tượng thụ hưởng đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của Sở Tài chính trong quá trình thực hiện các Nghị quyết về cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập như: Nhu cầu kinh phí để thực hiện các chính sách được HĐND tỉnh ban hành là rất lớn, đặc biệt là hỗ trợ các công trình xây dựng cơ bản.

Tuy nhiên, hàng năm, do khả năng cân đối của ngân sách địa phương nên kinh phí bố trí thực hiện các Nghị quyết còn có chưa đáp ứng được hết nhu cầu, nguồn kinh phí được phân bổ cho nhiều địa phương, đơn vị. Nguồn đối ứng của các chủ đầu tư và khả năng huy động xã hội hóa còn nhiều hạn chế, tập trung chủ yếu từ ngân sách nhà nước…

Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường đề nghị
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Thảo luận tại cuộc làm việc, ý kiến của các thành viên đoàn giám sát phản ánh một số chính sách trong quá trình triển khai bộc lộ những bất cập cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, khó khăn vướng mắc trong thủ tục thanh toán cần phải cải cách thủ tục hành chính trong giải ngân. Qua giám sát ở cơ sở cho thấy, nguồn lực phân bổ chưa tương xứng với chính sách, còn tình trạng nợ chính sách,…

“Mục tiêu của chính sách là tốt nhưng không phù hợp không thể bố trí nguồn lực triển khai. Theo tôi chính sách đầu tư cho phát triển cần phải đưa vào kế hoạch đầu tư công phát triển trong giai đoạn 5 năm không bố trí nguồn lực từ chi thường xuyên. Như vậy, tỉnh sẽ có điều kiện bố trí nguồn lực từ nguồn đầu tư phát triển của địa phương vừa chủ động trong bố trí nguồn lực, vừa thuận lợi trong thủ tục thanh toán”- Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Phạm Văn Hóa nêu ý kiến.

Liên quan đến việc thủ tục thanh toán gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ông Hóa kiến nghị Sở Tài chính khi bắt đầu lấy ý kiến ban hành chính sách, cần nghiên cứu thủ tục chính sách để điều chỉnh thủ tục khi ban hành chính sách.

Nhiều nội dung trong Nghị quyết số 14/2017/NQ-UBND về một số chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An chưa được triển khai tại các địa phương. Ảnh minh họa: Thanh Lê

Chính sách cần có trọng tâm, trọng điểm

Làm rõ những nội dung của đoàn giám sát HĐND tỉnh quan tâm, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải kiến nghị: HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành đánh giá lại các Nghị quyết đã ban hành có hiệu lực trong giai đoạn 2015 – 2019 có thời hạn đến 2020 để xem xét phương án điều chỉnh cho giai đoạn 2021 – 2025.

Trong đó, đặc biệt chú trọng xem xét về khả năng cân đối nguồn lực khi ban hành các chính sách, chế độ hỗ trợ đặc thù từ ngân sách địa phương cho các ngành, địa phương và đơn vị trên địa bàn tỉnh.

"Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn, đề nghị khi ban hành chính sách cần sát với tình hình gắn với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh để chính sách triển khai có hiệu quả trong cuộc sống"- Giám đốc Sở Tài chính đề xuất.

Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải làm rõ những nội dung đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Thanh Lê
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Hải làm rõ những nội dung đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Thanh Lê

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND Cao Thị Hiền và Hoàng Viết Đường ghi nhận, đánh giá cao Sở Tài chính đã làm tốt trách nhiệm của mình là cơ quan tổng hợp về xây dựng cơ chế chính sách và khả năng đáp ứng nguồn lực, đồng thời là cơ quan trực tiếp nhận hồ sơ thẩm định tham mưu chi trả hỗ trợ chính sách cho các cơ quan, đơn vị và các đối tượng được thụ hưởng đúng chính sách, đúng đối tượng, đảm bảo chi trả theo tiến độ đúng hạng mục của nghị quyết của HĐND tỉnh.

Lãnh đạo HĐND tỉnh cho biết, qua giám sát tại các địa phương và các sở, ngành cho thấy một số nghị quyết không triển khai thực hiện, một số nghị quyết thực hiện được một phần, nhiều chính sách còn manh mún nên hiệu quả tác động chưa nhiều.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền kết luận cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê

Vì vậy, đề nghị Sở Tài chính cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương cần nghiên cứu rà soát các nghị quyết, nội dung của từng nghị quyết không có hiệu lực, hiệu quả trong thực tế để đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh điều chỉnh nhằm tập trung nguồn lực cho các chính sách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm tạo thuận lợi trong quản lý, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, Sở cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong thanh quyết toán đảm bảo tính chặt chẽ nhưng thuận lợi hơn cho đơn vị, đối tượng thụ hưởng; phối hợp với sở, ngành, địa phương rà soát tình hình nợ cơ chế chính sách có cân đối chi trả kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng chính sách...


Thanh Lê