Nghệ An sẽ đối mặt với nắng nóng khốc liệt kéo dài

Thanh Phúc 09/06/2020 16:21

(Baonghean.vn) - Năm 2020 được dự báo là năm của thiên tai bất thường tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ xung quanh vấn đề này.

P.V: Năm 2020 được nhận định là năm của thiên tai bất thường, ông có dự báo như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình toàn cầu liên tục có xu thế tăng. Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh (Met Office), năm 2020 khả năng sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng có thể tăng 1,10C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp, kèm theo đó là tính bất ổn định cao của khí quyển trên quy mô toàn cầu và khu vực. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng thiên tai khí tượng thủy văn năm 2020 sẽ khốc liệt, phức tạp, khó lường.

Mùa bão năm 2020 trên khu vực Biển Đông có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm và có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc
Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ .

P.V: Tđầu năm 2020 đến nay, cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng liên tiếp xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan, nắng nóng bất thường cùng các loại hình thời tiết nguy hiểm: Mưa đá, dông lốc, sét... Vì sao có hiện tượng này, thưa ông?

Mưa đá xảy ra vào tháng 4/2020 gây thiệt hại nhiều diện tích hoa màu trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu Lữ Phú

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Từ đầu năm 2020 đến nay ở khu vực Bắc Trung Bộ đã xảy ra 20 trận tố, lốc, mưa đá, sét và gió giật mạnh, trong đó trên địa bàn tỉnh Nghệ An 16 trận.

Ngoài ra, có 7 đợt nắng nóng, đặc biệt đợt nắng nóng từ ngày 04/5, đã xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày 39.5 - 41.50C, riêng tại Quỳ Hợp và Tương Dương 42.2 và 42.10C, xuất hiện vào ngày 07/5/2020.

Thời điểm xuất hiện những hiện tượng trên rất hiếm, chưa từng xảy ra trong lịch sử quan trắc... Nguyên nhân là do tác động của biến đổi khí hậu, tính bất ổn định của các hệ thống hoàn lưu khí quyển diễn ra ở cả quy mô toàn cầu và khu vực. Chính điều này đã khiến thiên tai có diễn biến bất thường, không chỉ xảy ra trong mùa mưa bão mà còn diễn ra quanh năm, cả trong những tháng được xem là hiếm có thiên tai như trước đây.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm dân gian, những năm có tháng nhuận trước Tết Đoan ngọ (tháng 5 âm lịch) thời tiết sẽ nắng nóng, khô hạn kéo dài; còn tháng nhuận từ tháng 6 trở đi, mùa mưa kéo dài, nhiều bão và lũ lớn.

Riêng trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6/2020 người dân Nghệ An phải trải qua đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài với nền nhiệt cao. Kéo theo đó là hạn hán khiến ruộng đồng khô nẻ, hồ đập cạn nước, nhiều loại cây trồng chết cháy; đời sống người dân bị đảo lộn, nhiều vùng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

P.V: Đối với Nghệ An nói riêng, thời tiết những tháng tới có gì bất thường, thưa ông?

Đồng ruộng xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị nứt nẻ. Ảnh Quang A
Đồng ruộng xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên bị nứt nẻ. Ảnh Quang A

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Nằm trong bối cảnh chung của biến đổi khí hậu, từ nay đến cuối năm Nghệ An sẽ xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, mưa lớn diện rộng kèm theo dông, lốc, mưa đá... Cụ thể, Nghệ An có khả năng ảnh hưởng trực tiếp 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Theo nhận định, mưa lũ năm 2020 phức tạp khiến nước trên các sông cũng sẽ có diễn biến khác thường, đặc biệt là tình trạng lũ ống, lũ quét trên các sông, suối ở địa bàn miền núi.

Nhiệt độ trung bình từ tháng 6 - 9/2020 ở Nghệ An phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ phổ biến từ 1.0 - 1.5oC (TBNN: 27.2 -28.2oC). Từ tháng 10 và tháng 11/2020, nhiệt độ phổ biến ở mức xấp xỉ so với TBNN (TBNN: 22.5 -23.5oC). Các đợt nắng nóng tiếp tục xảy ra đến tháng 8/2020.

Tổng lượng mưa tháng 6/2020 ở Nghệ An nói riêng phổ biến thấp hơn TBNN cùng thời kỳ từ 10 - 25% (TBNN: 150 - 250mm); Tháng 7 - 9 và tháng 11/2020 phổ biến xấp xỉ TBNN (TBNN 800 - 1200mm), riêng tháng 10, tổng lượng mưa ở khu vực nhiều hơn TBNN từ 10 - 20% (TBNN: 200 - 600mm, tăng dần từ Bắc vào Nam).

Theo đó, chúng ta phải đối mặt với nhiều đợt nắng nóng gay gắt, lượng mưa thấp nên đã làm mực nước hầu hết các hồ chứa và sông chính trên địa bàn tỉnh cạn dần. Do đó tình trạng thiếu nước, khô hạn kéo dài… ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện lưu lượng dòng chảy trên các dòng sông thiếu hụt so với cùng kỳ 35-45%, dự báo hạn hán sẽ diện ra khốc liệt, khó lường.

P.V: Với hình thái thời tiết cực đoan như trên sẽ tác động tiêu cực thế nào đến sản xuất nông nghiệp thưa ông?

Nắng nóng gay gắt đầu mùa khiến nhiều diện tích rau màu khô cháy. Ảnh: Thanh Phúc
Trong tháng 5/2020, do nắng nóng gay gắt khiến nhiều diện tích rau màu ở Quỳnh Lưu khô cháy. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Sự gia tăng nền nhiệt, thiên tai bão lũ bất thường, tố lốc, mưa đá ảnh hưởng rất lớn đến nền sản xuất nông nghiệp.

Trước hết, nền nhiệt độ tăng cao gây ra hạn hán khốc liệt, hệ thống sông ngòi, ao hồ, suối khe đều cạn kiệt nước, nhiều nơi nguồn nước bị nhiễm mặn khiến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thiếu trầm trọng.

Thứ 2, việc phân bố không đều về lượng mưa theo thời gian; nhiệt độ tăng trong mùa hè và chênh lệch lớn về nền nhiệt trong mùa đông gây chậm thời vụ, năng suất, chất lượng cây trồng giảm. Cùng với đó, rét đậm, rét hại kéo dài khiến cây trồng, vật nuôi bị chết, giảm khả năng chống chịu với thời tiết.

Thứ 3, thời tiết bất thường đã làm hư hỏng công trình thủy lợi, làm cho đất bị rửa trôi, xói mòn, gây sạt lở, thoái hóa, bạc màu đất canh tác, tăng nguy cơ cuốn trôi gia súc, gia cầm; tạo điều kiện thuận lợi cho bùng phát các dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm...; các tuyến giao thông bị phá hủy sẽ ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ nông sản trong tỉnh.

Do đó, ngành nông nghiệp cần có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra đặc biệt cần chủ động trong sản xuất nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu...

Dòng Nậm Mộ đoạn qua xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) "trơ đáy" (ảnh chụp ngày 30/5). Ảnh tư liệu: Văn Trường.

P.V: Ông có khuyến cáo như thế nào về việc phòng chống thiên tai, ứng phó với mưa lũ bất thường trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Xuân Tiến: Trong thời gian tới cần đề phòng bão mạnh; mưa lớn gây lũ quét ở miền núi, ngập úng ở vùng đồng bằng và các khu đô thị; lũ lớn và sự vận hành của hệ thống hồ chứa; các hiện tượng thời tiết cực đoan như giông, tố lốc, nắng nóng gay gắt …

Do tác động của BĐKH, các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm không còn tuân theo quy luật, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nên đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân cần thường xuyên theo dõi và liên tục cập nhật các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Thanh Phúc