Vượt sông hồ, lao mình vào lửa cứu người
(Baonghean) - Băng mình qua ngọn lửa, lao vào những công trình đổ sập để cứu người, tài sản hay dầm mình dưới sông, hồ để rà tìm tung tích, thi thể nạn nhân... là công việc của những người lính cứu nạn, cứu hộ thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đối mặt với hiểm nguy
Hơn 5 năm gắn bó với công việc cứu hộ, cứu nạn, Trung úy Hồ Đình Khánh - cán bộ Đội Cảnh sát CC&CNCH số 1 không thể nhớ mình đã trực tiếp tham gia bao nhiêu vụ việc. Tuy nhiên, đối với một số vụ việc cụ thể, anh lại nhớ rất chi tiết từ thời điểm xảy ra đến các tình huống trong quá trình làm nhiệm vụ.
Hiện trường một số vụ cháy trên địa bàn tỉnh trong đầu tháng 6/2020. Ảnh tư liệu |
Điển hình như vụ cháy vào hồi 3 giờ 57 phút ngày 6/11/2019, tại chung cư Tân Thịnh, đường Lê Mao kéo dài, phường Vinh Tân (TP. Vinh). Trung úy Khánh nhớ lại, khi nhận được tin báo, đơn vị đã xuất 1 xe chỉ huy, 3 xe chữa cháy, 1 xe tiếp nước và hơn 40 CBCS nhanh chóng tới hiện trường.
Khi tới nơi, hệ thống điện tại Phòng kỹ thuật 3 tầng 8, 9, 10 của chung cư đang bốc cháy dữ dội, một lượng lớn khói khí độc bao phủ toàn bộ hành lang và các căn hộ để hở của chung cư. Hàng trăm người dân đang cố gắng thoát ra ngoài trong tình trạng hoảng loạn, ùn tắc, rất nhiều người bị mắc kẹt.
Trước tình thế đó, ngay lập tức, đội hình CNCH đã nhanh chóng triển khai lực lượng, trực tiếp cứu hơn 20 người, trong đó có nhiều người già và trẻ nhỏ; hướng dẫn hàng trăm người thoát nạn tới nơi an toàn; đồng thời triển khai các phương án chữa cháy. Đến khoảng 4 giờ 20 phút cùng ngày, đám cháy đã được khống chế và dập tắt. Lúc này, lực lượng CNCH tiếp tục tổ chức thoát khói tại các hành lang và căn hộ bị nhiễm khói.
Hiện trường vụ tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong quá trình đào giếng tại xã Thanh Hà (Thanh Chương). Ảnh tư liệu: Diệp Phương |
Trung úy Khánh cho biết, không phải vụ việc nào cũng có thể cứu được người, bởi thực tế nhiều vụ việc đã quá muộn. Những lúc đó, điều mà những người lính cứu hộ, cứu nạn có thể làm được là nỗ lực bằng mọi cách để tìm kiếm thi thể người bị nạn, góp phần chia sẻ nỗi đau, nỗi mất mát của gia đình, như vụ sập giếng ở Thanh Hà (Thanh Chương), vụ 3 học sinh bị đuối nước ở xã Thanh Tường (Thanh Chương)...
Chung suy nghĩa với Trung úy Khánh, Trung tá Lê Thanh Bình - hiện là Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, người được anh em trong nghề xem là lính “thiện xạ”, giỏi cả trên cạn và giỏi lặn dưới nước nhớ lại: Chiều ngày 24/5/2019, tại xã Thanh Hà, trong quá trình đào giếng bị sập nên 2 anh Phan Văn Sự và Phan Văn Dương bị vùi lấp. Chỉ một người được cứu sống kịp thời, còn anh Dương thì mắc kẹt ở phía dưới.
Ngay khi nhận được thông tin, phòng đã triển khai lực lượng tiếp cận hiện trường. Nạn nhân bị vùi lấp dưới bùn đất với độ sâu khoảng 4m nên việc triển khai công tác CNCH gặp nhiều khó khăn. Chưa kể vị trí nạn nhân bị vùi lấp không thuận lợi, khu vực đào giếng gồ ghề, xung quanh có cột điện nên việc triển khai phương tiện cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương sử dụng máy xúc tạo không gian, mặt bằng thuận lợi cho việc CNCH, đội chia thành các tổ công tác, 1 tổ xuống giếng nạo vét, múc bùn đất, 1 tổ ở trên mặt đất sử dụng tời kéo từng xô đất lên. Các tổ thay phiên nhau làm việc suốt đêm. Sau gần 7 giờ nỗ lực tìm kiếm, đến 22 giờ cùng ngày, mọi người mới đưa được thi thể nạn nhân lên mặt đất.
Lực lượng CNCH hội ý phương án tìm kiếm 3 học sinh bị đuối nước ở Thanh Tường (Thanh Chương). Ảnh tư liệu |
Cũng theo Trung tá Bình, công tác CNCH trên cạn vất vả, hiểm nguy một thì cứu nạn ở dưới nước khó khăn vất vả hơn nhiều lần. Bởi lẽ, đa số các vụ cứu nạn dưới nước nạn nhân đều đã tử vong, mất tích trong nhiều giờ. Sự hoảng loạn của gia đình nạn nhân cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý của những người làm nhiệm vụ. Mặt khác, ở môi trường dưới nước không có khoảng cách an toàn, rất nguy hiểm. Hơn thế, khu vực tìm kiếm rộng, dòng nước cuốn liên tục. Đã vậy, việc lặn tìm kiếm nạn nhân luôn phải đối diện với kim tiêm, mảnh sành, vật cản hoặc vùng nước xoáy...
Việc tìm kiếm dưới nước luôn đối mặt với vô vàn khó khăn. Ảnh tư liệu |
Luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ
Nếu như trước đây, lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ tham gia cứu người và tài sản khi xảy ra cháy thì từ năm 2012, họ có thêm nhiệm vụ CNCH trong những sự cố, tai nạn cháy, nổ; sạt lở đất, đá; tai nạn sập, đổ nhà, công trình; TNGT; tai nạn đuối nước... Bởi vậy, với quân số chỉ trên 200 người, 9 đội khu vực, vừa đảm nhận công tác chữa cháy, vừa đảm nhận công tác CNCH trên phạm vi toàn tỉnh nên toàn lực lượng luôn ở trong tình trạng vất vả, áp lực.
Theo đó, các đơn vị luôn phải bảo đảm sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, tổ chức thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin. Mỗi khi nhận được tin báo, thì CBCS dù có đang ăn cơm, đang ngủ cũng phải tức tốc lên đường, bất kể ngày hay đêm, dù trời mưa hay nắng. “Lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng nhưng lại sợ. Sợ tiếng chuông điện thoại, sợ tiếng còi báo động, bởi khi những âm thanh ấy vang lên thì ở đâu đó tính mạng, tài sản của nhân dân đang bị đe dọa”, đó là tâm trạng chung của hầu hết CBCS làm công tác CNCH.
Công tác huấn luyện được CBCS làm công tác CNCH thực hiện thường xuyên. Ảnh: Đ.C |
Chia sẻ với chúng tôi, Trung úy Phan Trọng Sơn - Đội Cảnh sát PCCC&CNCH trên sông cho biết, mỗi vụ việc đều có tính chất phức tạp khác nhau. Thông thường với các sự cố về TNGT, tai nạn lao động diễn ra trên cạn thì công tác CNCH ít nhiều sẽ thuận lợi hơn bởi có thể quan sát bằng mắt thường. Từ đó bao quát và dự đoán được diễn biến tại hiện trường, xác định chính xác vị trí nạn nhân bị mắc kẹt để đưa ra các phương án ứng cứu phù hợp, nhanh chóng.
Tuy nhiên, với công tác CNCH ở dưới nước thì tầm nhìn bị hạn chế hơn nên sẽ khó để xác định được những diễn biến nguy hiểm có thể xảy ra. Lặn ở dưới nước hoàn toàn không nhìn thấy gì, không biết đang ở đâu, trên bờ cũng không thể nhìn thấy người ở dưới, chỉ liên hệ bằng ống thở. Đi dưới đáy sông như lạc giữa “kho phế liệu”. Biện pháp tìm kiếm duy nhất là dùng tay, dùng chân lèo khèo dưới lớp bùn lạnh lẽo, ẩn chứa muôn vàn điều hiểm nguy bất ngờ.
Lực lượng CNCH giải cứu tài xế xe tải trong vụ tai nạn xảy ra trên Quốc lộ 1A, thuộc địa phận phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai vào 14h ngày 1/6/2020. Ảnh tư liệu |
Chưa kể, trong những sự cố tai nạn, nạn nhân phần vì đau đớn, phần vì hoảng sợ nên tâm lý sẽ bị ảnh hưởng. Trong những tình huống đó, người lính CNCH vừa kiêm luôn nhiệm vụ của một chuyên gia tâm lý, tìm cách động viên, trấn an nạn nhân bình tĩnh làm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. Ngoài ra, với trường hợp khống chế những đối tượng “ngáo đá” lại còn phức tạp hơn. Bởi sau khi sử dụng “hàng đá” không ít đối tượng rơi vào trạng thái hoang tưởng, không làm chủ được hành vi của mình. Họ không chỉ gây nguy hiểm cho những người xung quanh mà còn tự gây ra nguy hiểm cho chính bản thân.
Đơn cử như vụ việc đối tượng Lê Ngọc Hà (SN 1985), trú tại phường Hồng Sơn (TP. Vinh) vì mâu thuẫn gia đình đã bế theo con trai sinh năm 2017 leo lên mái nhà của dãy trọ ở đường Nguyễn Thúc Tự, thuộc khối Tân Hòa, phường Vinh Tân vào thời điểm tháng 11/2018. Cùng với thuyết phục nhưng bất thành, lực lượng phải liên tục di chuyển phao hơi rộng hàng chục mét dọc theo con ngõ số 2, đường Nguyễn Thúc Tự và cuối cùng đã hứng được cháu bé sau khi bị bố ném lăn xuống mái tôn.
Với quan điểm, phương tiện, dụng cụ có sử dụng hàng ngày mới thành thục để thao tác nhanh trong thực tế, bởi vậy đây là công việc được lãnh đạo phòng triển khai hàng ngày. Ảnh: Đ.C |
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Lê Thanh Bình - Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) cho biết: Công việc của người lính CNCH vất vả và áp lực cao, bởi sự cố diễn ra bất cứ khi nào. Để làm tốt được nhiệm vụ của mình, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sỹ phải có tình yêu nghề, sự dũng cảm để xử lý nhanh tình huống. Thế nên, cùng với công tác huấn luyện được chia làm 2 đợt trong năm với cường độ cao, giáo án tập luyện ngày càng khó dần thì công tác giáo dục chính trị, tư tưởng được xem là yếu tố tiên quyết để đào tạo ra những người lính bản lĩnh, mưu trí, dũng cảm, không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đương đầu với mọi nguy hiểm.
Khó khăn, vất vả là thế, nhưng xác định “đã mang cái nghiệp vào thân”, nên những người lính CNCH đều cho rằng “người ta chạy ra, mình chạy vào, đó như là bản năng. Bởi chúng tôi luôn xác định nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn là làm phúc cho đời nên anh em luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của những người làm công tác cứu nạn, cứu hộ hiện nay chính là trang thiết bị. Bởi trên thực tế với những phương tiện chủ yếu từ các nguồn viện trợ, thiếu sự đồng bộ, chưa kể có những phương tiện theo quy định đã “hết đát” nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác cứu hộ, cứu nạn, khiến nhiệm vụ của họ trở nên vất vả hơn.
Theo số liệu tổng hợp, riêng trong năm 2019, lực lượng CNCH thuộc Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Nghệ An đã thực hiện CNCH được 48 vụ, tìm kiếm và cứu được 59 người, tìm được 37 thi thể. Từ đầu năm 2020 đến ngày 15/5, CNCH được 9 vụ, tìm kiếm và cứu được 51 người, tìm được 7 thi thể.