Hợp nhất ba Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND sẽ như thế nào?
Việc hợp nhất ba Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cần khách quan, khoa học, đánh giá nhiều chiều.
Ưu điểm nổi bật của việc thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân thành một văn phòng chung là giảm tối đa đầu mối tổ chức văn phòng, số lượng tổ chức bên trong của văn phòng và số lượng lãnh đạo quản lý. Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc văn phòng chung được quy định rõ, không chồng chéo. Kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý.
Tại phiên họp thứ 45 (đợt 2) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tiến hành xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 (ngày 04/10/2018) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh. |
Đây là những đánh giá được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14. Nhưng thực chất việc gọn đầu mối có tạo nên tính hiệu quả hoạt động của từng cơ quan này hay không thì cần có đánh giá khách quan, khoa học.
Hợp nhất gây ra xáo trộn trong hoạt động của chính quyền địa phương
Ở địa phương, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tuy ít nhiều có liên quan nhưng mối quan hệ giữa hai cơ quan này còn mờ nhạt, chưa hiệu quả, thiếu ràng buộc, gắn kết. Điều này dẫn đến các hoạt động như giám sát, giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri, của các đại biểu, cơ quan dân cử còn chưa kịp thời, chặt chẽ, đôi khi còn có sự trùng lặp nên chưa tạo được sức mạnh tổng hợp trong hoạt động của các cơ quan dân cử.
Theo ông Trần Văn Mứng, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang, việc thí điểm hợp nhất ba Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân sẽ gây ra xáo trộn, thậm chí mâu thuẫn trong hoạt động của chính quyền địa phương.
“Phương án tốt nhất là nên hợp nhất Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội vì hai văn phòng này đều là cơ quan dân cử: một cơ quan dân cử của Quốc hội và một cơ quan dân cử của địa phương. Tôi cho rằng như vậy thì thứ nhất là không bị xáo trộn, thứ hai là chức năng, nhiệm vụ tương đồng thì sẽ hoạt động tốt hơn”- Ông Trần Văn Mứng nêu quan điểm.
Khi thực hiện hợp nhất ba văn phòng sẽ giảm được hai đầu mối cơ quan tương đương cấp sở ở mỗi địa phương, tương ứng với đó là giảm được 2 cấp trưởng và 3 cấp phó ngành, nhiều đầu mối cấp phòng và trưởng, phó phòng. Nhưng hợp nhất nên được thiết kế theo mô hình nào là phù hợp, đảm bảo hai mục tiêu kép là gọn đầu mối và hiệu quả cần được tính toán đầy đủ hơn khi thực hiện thí điểm hợp nhất ba văn phòng. Đây là vấn đề còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau.
Ưu điểm lớn nhất của việc hợp nhất ba Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân là gọn đầu mối. Nhưng nhiều hạn chế, vướng mắc của việc hợp nhất này được các đại biểu Quốc hội chỉ ra trong phiên thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế là một trong những ưu điểm nổi bật khi thực hiện thí điểm. Nhưng nhìn sâu hơn vào thực tế triển khai ở địa phương, ông Nguyễn Tạo, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, việc thí điểm hợp nhất còn mang tính lắp ghép cơ học với mục tiêu bảo đảm duy trì công tác tham mưu, phục vụ của 3 văn phòng như trước đây nên chưa có nhiều đổi mới để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.
“Gọn nhưng có hiệu quả hay không?”
Văn phòng chung thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau với 3 chủ thể cấp trên trực tiếp chỉ đạo là Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân – cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực của Nhà nước, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật ở địa phương và Ủy ban nhân dân – cơ quan hành chính, thực thi chính sách pháp luật và là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân. Vì vậy, khó đảm bảo được tính khách quan trong hoạt động tham mưu đối với công tác quản lý Nhà nước của Ủy ban nhân dân và công tác giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân.
“Gọn nhưng có hiệu quả hay không?” là câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra. Đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần đánh giá tổng kết hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội từ khi tách ra cho đến nay. Bởi khi tách hai văn phòng ra độc lập như mô hình đang thực hiện tại đa số các địa phương hiện nay, chắc chắn Quốc hội khóa trước đã cân nhắc kỹ lưỡng đến sự cần thiết, cơ sở khoa học, cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn.
“Cần đánh giá tổng kết hoạt động của Đoàn từ khi tách ra cho đến nay, sau 5 năm có những thay đổi nào mà chúng ta lại tính toán nhập lại. Nếu là để thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị thì chúng ta cần đánh giá hiệu lực, hiệu quả của văn phòng khi nhập lại để tránh sáp nhập cơ học”- đại biểu Nguyễn Quốc Hận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nhấn mạnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội có chung quan điểm nên giữ nguyên Văn phòng Ủy ban nhân dân. Nhưng việc có hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hay không vẫn chưa thuyết phục được nhiều đại biểu Quốc hội. Phương án này cũng cần được xem xét thấu đáo, khoa học trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này. Tránh thực hiện máy móc, mang tính lắp ghép, cơ học. Việc xác định bộ máy tham mưu, giúp việc phải dựa trên cơ sở vị trí, vai trò, tính chất, phạm vi hoạt động của chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo mới có thể thực hiện ổn định và lâu dài.
Văn phòng chung khó đảm bảo tính khách quan
Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong 12 địa phương thí điểm, có 11 nơi hợp nhất cả 3 văn phòng. Riêng TP.HCM chỉ thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân. Việc thí điểm tinh gọn được 27 đơn vị cấp phòng, giảm 14 công chức hành chính, 18 viên chức sự nghiệp, 23 chánh văn phòng và 3 phó chánh văn phòng so với trước. Cuối năm 2019, có 6 địa phương có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định. Dù giảm tối đa đầu mối tổ chức văn phòng, số lượng tổ chức bên trong, Chính phủ thừa nhận văn phòng chung khó đảm bảo tính khách quan do tham mưu, phục vụ cùng lúc nhiều cơ quan.
Việc này khó tránh khỏi tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, việc hợp nhất còn mang tính cơ học, chỉ giảm đầu mối người đứng đầu, chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Vì vậy, Chính phủ thống nhất với kiến nghị của đa số địa phương thực hiện thí điểm là chỉ nên hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân, giữ nguyên Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định bước đầu các cơ quan đã gọn lại về đầu mối, nhưng công tác tham mưu vẫn có vấn đề phải bàn bởi đối tượng tham mưu và phục vụ của 3 cơ quan giúp việc này là các chủ thể khác nhau. Về đề xuất hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Hội đồng nhân dân của Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thẳng thắn cho biết, Báo cáo của Chính phủ chưa nói rõ hiệu quả hoặc hệ quả của việc chúng ta sắp xếp được bao nhiêu nhân sự, chưa nói rõ được hiệu quả kinh tế sắp xếp lại thì được bao nhiêu tiền, chưa nói rõ hiệu quả hoặc hệ quả của việc đổi mới cách thức làm việc của cán bộ sau khi sắp xếp thế nào. Về thủ tục giấy tờ, việc sáp nhập cũng còn nhiều lúng túng.
Khẳng định việc có nên hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân hay không là vấn đề cần thảo luận tiếp để có quyết định thấu đáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị có chức năng khác nhau thì phải có tổ chức phục vụ với chức năng khác nhau. Đa số ý kiến cho rằng hợp nhất cả 3 văn phòng thì không được. Có hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân hay không thì phụ thuộc vào việc sửa Luật Tổ chức của Quốc hội sắp tới. Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương, phải sắp xếp lại, tinh giản biên chế nhưng không phải là sắp xếp cơ học”.
Tinh gọn bộ máy nhưng phải nhằm mục đích hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động. Đó là ý nghĩa, là yêu cầu của việc tổ chức, sắp xếp lại. Vì thế việc hợp nhất 3 văn phòng hay tổ chức 3 văn phòng riêng cần khách quan, khoa học, đánh giá nhiều chiều trên phương diện lý luận và thực tiễn./.