T.S Lê Doãn Hợp: Báo chí là cánh chim báo bão, ủng hộ và làm cho cái mới được khẳng định nhanh hơn

PV 20/06/2020 06:13

(Baonghean.vn) - Nhân dịp Kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2020) P.V Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn TS. Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An về những vấn đề liên quan đến vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận.

P.V:Xin chào TS. Lê Doãn Hợp! Xin ông cho biết một số đánh giá về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tới đây với sự phát triển của đất nước?

TS. Lê Doãn Hợp: Đảng ta đã trải qua 12 kỳ Đại hội và Đại hội lần thứ XIII tới đây vừa tròn 35 năm Đảng tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta cũng vừa kỷ niệm 90 năm ngày thành lập. Tôi bắt đầu làm lãnh đạo ở địa phương khi Đảng khởi xướng công cuộc đổi mới, tôi vẫn nhớ hào khí của nhân dân ta đón nhận trào lưu đổi mới của Đảng cách đây 3,5 thập kỷ. Theo tôi, có 5 đột phá của công cuộc đổi mới mà đất nước ta mới có như ngày hôm nay.

TS. Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.

Thứ nhất, từ chỗ Đảng ta chỉ quan hệ hợp tác với các Đảng Cộng sản cầm quyền ít ỏi trên thế giới sang mở rộng quan hệ hợp tác với các đảng cầm quyền trên toàn cầu; phải học hỏi cách cầm quyền của bạn để mình cầm quyền tốt hơn. Đây là tư duy đột phá làm cho nước ta có quan hệ đối ngoại sâu rộng với 185 nước và vùng lãnh thổ tốt đẹp như hiện nay (trong đó có 16 nước đối tác chiến lược, 14 nước đối tác toàn diện).

Thứ hai, Đảng ta tôn trọng các thành phần kinh tế cùng tồn tại bình đẳng cạnh tranh và phát triển. Nhờ quan điểm này, chúng ta mới có kinh tế hộ, kinh tế tư nhân, kinh tế doanh nghiệp phát triển sôi động như hiện nay.

Thứ ba, Đảng ta bỏ qua mọi mặc cảm của quá khứ để tuyên bố rằng, gần 5 triệu Việt kiều ta ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, giúp Việt kiều tự tin về nước đầu tư để phát triển quê hương và Tổ quốc mình.

Thứ tư, Đảng ta rất quan tâm đến các chính sách xã hội hóa, làm sáng bừng lên các nguồn lực tự đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước, tạo bước phát triển cao trên tất cả các lĩnh vực thông tin, văn hóa, thể thao, kinh tế, chính trị, tâm linh từ thiện, an ninh, quốc phòng.

Thứ năm, Đảng ta quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội làm cho đạo đức và tình người xích lại gần nhau, tạo thế và lực, niềm tin và trách nhiệm cho phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội tốt hơn.

Ảnh: Thành Cường
Quan tâm đến các chính sách xã hội hóa, làm bừng lên các nguồn lực đầu tư của nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh và cả nước. Ảnh: Thành Cường

Đại hội XIII phải nhìn nhận lại 5 bước đột phá của các Đại hội trước để tiếp tục đẩy lên tầm cao hơn. Theo tôi, cần tập trung thêm 5 giải pháp mạnh như sau:

Thứ nhất, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào quản lý sản xuất và đời sống quyết liệt hơn để giảm hẳn tiêu cực, bởi vì con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi được các công cụ kỹ thuật hỗ trợ giám sát và quản lý. Đây là giải pháp mang tính đột phá nhờ thành quả của công nghiệp 4.0 ban tặng cho chúng ta và nhân loại.

Thứ hai, tháo gỡ 3 nút thắt của nền kinh tế: Đó là thể chế, khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo để đưa đất nước sang một thời kỳ phát triển nhanh và đồng bộ hơn.

Thứ ba, Đảng tự tin và có bước đi hợp lý để chuyển từ cơ chế Đảng cử sang cơ chế Đảng lãnh đạo thi cử (đối với công chức), tranh cử (đối với lãnh đạo) cung cấp đủ thông tin cho nhân dân bầu cử để chọn đúng nhân tài phụng sự Tổ quốc và nhân dân tốt hơn.

Thứ tư, phải đổi mới toàn diện cả cơ cấu, tiêu chuẩn, nội dung hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đủ sức giám sát tối cao. Hướng các cơ quan có quyền lực phục vụ nhân dân tốt hơn, nhân dân tin cậy các cơ quan công quyền cao hơn.

Thứ năm, xây dựng đời sống văn hóa với 3 trụ cột chính là: Văn hóa gia đình (Nền tảng xã hội), Văn hóa doanh nghiệp (Nền tảng kinh tế), Văn hóa công sở và đạo đức công vụ (Nền tảng chính trị). Chỉ khi nào làm tốt 3 trụ cột văn hóa này thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững.

Ảnh: Thành Cường
"Đại hội XIII phải nhìn nhận lại các bước đột phá của các Đại hội trước để tiếp tục đẩy lên tầm cao hơn". Ảnh minh họa: Thành Cường

Về nhân sự, để Đại hội thành công và đi vào cuộc sống phải chọn đội ngũ nhân sự hành động đảm bảo 3 tiêu chuẩn: Đức, tài và bản lĩnh.

Đức trước hết phải gương mẫu, thứ hai phải dân chủ, thứ ba là phải có tố chất văn hóa; phải hiểu văn hóa là tinh hoa của đạo đức.

Tài cũng phải có 3 tiêu chuẩn: Đầu tiên phải có tầm nhìn xa, trông rộng, chỗ đang đứng không quan trọng bằng hướng đang đi. Thứ hai là phải biết tập hợp nhân tài. Thứ ba là phải có sản phẩm được đo đếm cụ thể cho từng chức danh của cán bộ.

Cuối cùng là phải có bản lĩnh với 3 thước đo: Dám nghĩ để làm những việc đột phá tăng tốc và phát triển đất nước nhanh hơn trong thời đại 4.0, tiếp đó dám làm để đưa những cái mới, tiến bộ vào cuộc sống để bảo vệ mình trong tương lai, chứng minh tài đức của mình qua thực tiễn và cuối cùng là dám nói để ủng hộ người tốt, việc tốt, dám nói để ngăn chặn người xấu, việc xấu.

P.V: Để Đại hội XIII thành công, rất cần các cơ quan báo chí với tư cách là những chiến sỹ xung kích trên mặt trận tuyên truyền. Xin ông cho biết vai trò của báo chí trong bối cảnh hiện nay?

TS. Lê Doãn Hợp: Bất cứ quốc gia nào đều rất cần báo chí. Để phục vụ 3 mục tiêu:

1. Là xu thế toàn cầu hóa rất cần báo chí mở đường.

2. Là xu thế dân chủ hóa rất cần báo chí đi tiên phong.

3. Là tất cả các đảng cầm quyền đều rất cần báo chí để lãnh đạo và điều hành đất nước.

"“Báo chí là cánh chim báo bão”, ủng hộ cái mới, làm cho cái mới được khẳng định trong cuộc sống nhanh hơn...". Ảnh: Phạm Bằng

“Báo chí là cánh chim báo bão”, ủng hộ cái mới, làm cho cái mới được khẳng định trong cuộc sống nhanh hơn. Báo chí nhận diện sớm nhân tố mới, cách làm mới, sản phẩm mới để tôn vinh và ủng hộ. Đồng thời, báo chí cũng phát hiện nhanh mọi tiêu cực của xã hội để góp ý đấu tranh, ngăn chặn kịp thời vì tiến bộ của mỗi người, sự tín nhiệm của Đảng và hưng thịnh của đất nước.

P.V: Vậy báo chí có tác động đến Đại hội Đảng XIII như thế nào?

TS. Lê Doãn Hợp: Báo chí phải bám sát thực tiễn để nắm bắt được nhịp đập, hơi thở của cuộc sống, hiểu được tín hiệu, khát vọng của nhân dân để phản ánh cho Đảng và Nhà nước xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách phù hợp với lòng dân. Tóm lại, báo chí phải làm tốt chức năng là chiếc cầu 2 chiều gắn kết trách nhiệm của Đảng với khát vọng của dân ngày một tốt hơn.

P.V: Từng là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí nói chung, Báo Nghệ An nói riêng trong công tác tuyên truyền, định hướng dư luận, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay?

TS Lê Doãn Hợp:Vai trò của báo chí là phải cần chủ động liên kết thông tin giữa các ngành trong từng vấn đề cụ thể, đáp ứng nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, đặc biệt định hướng kịp thời các vấn đề dư luận đang quan tâm trong từng thời điểm.

Báo chí phải cần chủ động liên kết thông tin giữa các ngành trong từng vấn đề cụ thể, nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền, định hướng kịp thời các vấn đề dư luận đang quan tâm. Ảnh: Thành Cường
Báo chí phải cần chủ động định hướng kịp thời các vấn đề dư luận đang quan tâm. Ảnh: Thành Cường

Nhận diện truyền thông xã hội là một công cụ dễ bị các cá nhân, tổ chức lợi dụng, thao túng để phá hoại thành quả của sự nghiệp đổi mới, với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Đảng xác định cần chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, nhấn mạnh việc chấn chỉnh, quản lý thông tin trên Internet, các mạng xã hội, blog cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng. Tới Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng chỉ rõ tình trạng: “Chưa chủ động và thiếu giải pháp phù hợp để định hướng thông tin trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ.

Việc quản lý thông tin còn lỏng lẻo, thiếu giải pháp đủ mạnh để đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai lệch, phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị”.

Vì thế, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) xác định nhiệm vụ trước mắt của chúng ta là: “Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”.

Sau 4 năm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống, công tác định hướng thông tin nói chung, mạng xã hội nói riêng đã có nhiều bước tiến đáng kể. Việc học tập và triển khai Nghị quyết được triển khai tại tất cả các tổ chức cơ sở Đảng. Các quy định, chỉ thị của Đảng như Quy định số 47-QĐ/TW về “Những điều đảng viên không được làm”, Chỉ thị số 46-CT/TW về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”,... cùng các văn bản pháp luật như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí năm 2016... là tư tưởng chỉ đạo, hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề.

Việc khởi thảo, lấy ý kiến để hoàn thiện “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam” do Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai đã góp phần quan trọng để xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn cho Việt Nam trên không gian số.

Với vai trò là cơ quan báo Đảng, có thể khẳng định thời gian qua, Báo Nghệ An đã dành thế chủ động trước truyền thông xã hội, từng bước thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện kịp thời, trung thực, toàn diện trên các mặt trận kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng, trở thành đầu tàu, anh cả trong các cơ quan báo chí tại Nghệ An. Nhiều bài viết, chuyên đề của báo có tính phản biện cao, làm tốt vai trò định hướng dư luận trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

Có thể khẳng định, vai trò của báo Đảng Nghệ An cực kỳ quan trọng trong tình hình mà nhiều cơ quan báo chí vẫn có tình trạng chậm vào cuộc, thái độ thiếu trách nhiệm của một số người làm báo, sự chủ quan của không ít cán bộ, đảng viên khi sử dụng mạng xã hội, dẫn đến tình trạng tin giả, tin sai sự thật, tin xấu độc... vẫn có cơ hội xuất hiện, lây lan, tạo ra loại dịch bệnh nguy hiểm với tinh thần, gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý ngờ vực, hoài nghi đối với Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, tình trạng một số báo chí lệ thuộc vào truyền thông xã hội vẫn tồn tại và chưa được giải quyết triệt để, còn tỏ ra thiếu nhạy cảm về chính trị, không tìm hiểu bản chất vấn đề, chỉ đề cập, đánh giá theo bề nổi; thậm chí lợi dụng báo chí để phục vụ mục đích không trong sáng, đăng tải thông tin phiến diện, chưa phù hợp, tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng...

a
Báo Nghệ An từng bước thực hiện hiệu quả vai trò giám sát, phản biện kịp thời, trung thực, toàn diện trên các mặt trận kinh tế, văn hóa – xã hội, an ninh – quốc phòng. Ảnh tư liệu: P.V

Vòng xoáy từ khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội với các loại tin giả, thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng đã cuốn theo, làm xao động nhận thức của nhiều người, trong đó có cả một số cán bộ, đảng viên. Vì thế, với vai trò là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An, thời gian tới, Báo Nghệ An cần chủ động hơn nữa trong định hướng dư luận, có nhiều bài viết sắc sảo, nhiều bài viết bình luận, phản biện sắc bén, thẳng thắn phản biện, đấu tranh với ý kiến phiến diện, sai trái, xấu độc... để định hướng thông tin rõ ràng trong bối cảnh mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng định hướng thông tin, lành mạnh hóa mạng xã hội, để mạng xã hội phát huy được hiệu quả trong đời sống, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo động lực cho sự phát triển.

P.V: Vậy theo ông, báo chí phải triển khai cụ thể những chỉ đạo của Tổng Bí thư về công tác lựa chọn nhân sự cho Đại hội như thế nào?

TS. Lê Doãn Hợp: Ở đâu có ý kiến góp ý của dân, báo chí cần xông vào để làm rõ đúng sai, ai có tài phải được tôn vinh, đồng thời ngăn chặn và đẩy lùi mọi tiêu cực; báo chí góp phần phát hiện nhân tố mới, cách làm mới tạo ra xu thế đồng thuận xã hội cao.Công tác tuyên truyền cũng cần bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng, đặc biệt đối với những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm của đất nước để nâng cao tính thuyết phục, động viên, tập hợp lực lượng, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân góp ý có chất lượng cao vào các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

P.V: Xin cảm ơn ông!

PV