Nhiều địa phương ở Nghệ An chưa làm tốt công tác phòng chống đuối nước, thương tích
(Baonghean.vn) - Đây là đánh giá qua kiểm tra công tác phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước và phòng, chống bạo lực học đường năm học 2019 - 2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An vừa triển khai.
Từ ngày 01/6/2020 đến ngày 07/6/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo đã kiểm tra về công tác phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước vào phòng chống bạo lực học đường tại 9 huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Qua kiểm tra cho thấy, trên cơ sở các văn bản của cấp trên, Phòng GD&ĐT các huyện đã kịp thời ban hành hoặc tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản và triển khai một số hoạt động nhằm thực hiện các quy định về công tác phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước và phòng chống bạo lực học đường năm học 2019 - 2020.
Đoàn kiểm tra việc cắm biển cảnh báo đuối nước ở huyện Anh Sơn. Ảnh: MH |
Nhiều trường đã tổ chức cho giáo viên, học sinh ký cam kết không vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, đạo đức nhà giáo; tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn.
Một số đơn vị đã chủ động triển khai các mô hình phòng chống đuối nước, trong đó đơn vị Nghi Lộc đã phối hợp doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức dạy bơi miễn phí cho học sinh thông qua bể bơi di động.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như việc triển khai các văn bản chỉ đạo, các văn bản phối hợp nhiều đơn vị còn chung chung, chưa thống nhất, còn chậm, còn đối phó... Sự vào cuộc của một số chính quyền tại địa phương chưa thật sự quyết liệt, thường xuyên. Việc tham mưu các Quy chế phối hợp các đơn vị liên quan công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước chưa chặt chẽ.
Tại một số địa điểm kiểm tra, rà soát, biển cắm cảnh báo nguy cơ đuối nước còn ít, một số biển đã cũ, hỏng chưa được thay thế; sào cứu đuối chưa được trang bị đầy đủ (chẳng hạn: Tại bãi biển thị xã Hoàng Mai; tại các ao, hồ ở xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu; tại xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp; tại xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, tại các xã Lạng Sơn, Khai Sơn, huyện Anh Sơn).
Đoàn kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn cây xanh ở các trường học tại huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: MH |
Một số khuôn viên trường học chưa đảm bảo về cơ sở vật chất, rãnh thoát nước không có nắp đậy an toàn, hệ thống điện nước chưa đảm bảo an toàn và một số cây xanh có nguy cơ bật gốc, gãy đổ (Trường Tiểu học Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu; Trường THCS Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn). Một số công trình xây dựng khu vực gần trường, trong trường và trên địa bàn chưa được che chắn cẩn thận, ít biển cảnh báo (Trường Mầm non Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai; Trường Tiểu học Châu Cường, Tiểu học số 1 Đồng Hợp, THCS Châu Thái, huyện Quỳ Hợp).
Công tác tư vấn tâm lý của nhiều đơn vị chưa thật sự bài bản, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Nhiều đơn vị chưa thành lập Tổ công tác xã hội trường học (Trường Tiểu học Quỳnh Văn, THCS Quỳnh Văn, Trường THPT Hoàng Mai, Trường THPT Quỳ Hợp 2...). Một số đơn vị trường học quy chế giao tiếp, ứng xử của nhà trường chưa được công khai rộng rãi (các trường xã Tà Cạ, tiểu học Cẩm Sơn…).
Sau sự cố ở đập ba ra, công tác phòng chống đuối nước được cảnh báo thường xuyên. Ảnh: MH |
Để khắc phục những hạn chế này, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo phát huy ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, hạn chế; Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, bạo lực học đường, nhất là trong dịp hè, trong mùa mưa bão.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh (kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng kiềm chế và kiểm soát cảm xúc; kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng bơi, sơ cứu người bị nạn, bị đuối nước…).
Bên cạnh đó, cần chủ trì, phối hợp với Công an huyện, Huyện đoàn, các phòng, ban, ngành, các hội để ký kết đầy đủ các quy chế/chương trình/kế hoạch phối hợp, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 môi trường giáo dục: Nhà trường, gia đình, xã hội để quản lý, giáo dục, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho học sinh và trẻ em trên địa bàn...