Nghịch lý ở thủ phủ khoáng sản Quỳ Hợp

Tiến Hùng 23/06/2020 10:58

(Baonghean.vn) - Trong suốt hơn 30 năm qua, kể từ khi doanh nghiệp đầu tiên đến Quỳ Hợp khai thác, đến nay đã có hàng triệu tấn khoáng sản được mang đi. Nhưng có một nghịch lý, cái mà người dân địa phương nhận lại phần lớn chỉ là nỗi buồn.

Sinh nghề, tử nghiệp

Lương Văn Thành (19 tuổi) ở bản Chao, xã Châu Hồng ngồi thất thần trước căn nhà trống hoác, chẳng có nổi một tài sản nào, ngoài 2 di ảnh của bố mẹ đặt trên bàn thờ. Kể từ khi mồ côi cả bố lẫn mẹ, chàng trai nhỏ thó trở thành trụ cột của gia đình, nuôi 2 em nhỏ. Nhưng 5 tháng nay, Thành thất nghiệp. Phải vay mượn hàng xóm, người thân để chạy ăn từng bữa. Kể từ khi về nước chịu tang bố mẹ, Thành làm nghề dựng rạp đám cưới, mỗi đám được trả 200.000 đồng. Nhưng gần nửa năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không có một đám nào diễn ra.

Bản Chảo – quê hương của Thành nằm lọt thỏm giữa những dãy núi sừng sững. Cách nhà chừng 2 km là núi Lan Toong, nơi hàng chục năm qua, nhiều doanh nghiệp đổ xô lên đây đào bới để tìm thiếc. Ở bản này, gần như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc xe máy cà tàng. Đây là phương tiện mưu sinh của họ. Ruộng ít, rừng thì không có, mót quặng thiếc dường như là kế sinh nhai chính của người dân bản Chảo.

Cũng như bao gia đình, nhà Thành cũng có 2 chiếc xe máy cà tàng. Đều đặn mỗi sáng, bố mẹ Thành, anh Lương Văn Tuấn và chị Lương Thị Hảo lại tất bật mỗi người một chiếc xe máy chạy lên núi mưu sinh. Công việc của họ thường bắt đầu từ sáng sớm và sẽ xuống núi lúc chiều tà. Mỗi ngày trung bình chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng mỗi người, để nuôi 3 đứa con ăn học. “Bữa trưa và cả vệ sinh cá nhân của dân mót quặng đều diễn ra trong đường hầm tăm tối này. Nước sinh hoạt được chắt từng giọt thấm từ ngách đá chảy xuống”, Thành kể.

Lên THCS, Thành bỏ học. Rồi cũng theo bố mẹ lên đỉnh núi mót quặng. Thành nói rằng, phần lớn thiếc trong các đường hầm này đã được doanh nghiệp tận thu hết, chỉ còn sót lại những mảnh nhỏ ẩn bên trong các tảng đá lớn bên vách hầm. Dân mót quặng sẽ dùng đèn pin rọi vào, những người làm nghề mới nhận ra đâu là đá bình thường, đâu là thiếc. Họ sau đó sẽ dùng búa đục đẽo, nếu không khéo hoặc đụng phải những vết nứt có sẵn, đường hầm sẽ đổ sập bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, do bỏ hoang đã lâu, những cọc chống bằng gỗ ở trong hầm cũng đã bị mục rỗng, nhiều cọc gãy nát nằm chỏng chơ. Ở dưới lòng núi này, tai nạn lao động luôn là một hiểm họa. Không muốn gắn bó với cái nghề đầy rủi ro này, một thời gian sau, Thành theo bạn bè qua Trung Quốc, làm lao động chui. Cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là bao, nhưng theo lời cậu, dù gì cũng hơn cái nghề mưu sinh dưới âm phủ.

Trung tuần tháng 3/2019, Thành như chết lặng khi nhận điện thoại của cậu em trai báo “bố mẹ chết rồi”. Bắt xe về đến nhà thì không khí tang tóc đã bao trùm cả bản Chảo. Đám tang của bố mẹ Thành cũng đã được tổ chức xong xuôi. Chàng trai mới 18 tuổi ngơ ngác, khi phải đại diện cho gia đình đến bắt tay cảm ơn họ hàng. Cùng gặp nạn với bố mẹ Thành hôm đó còn có người phụ nữ nhà đối diện. Hôm đó, như thường lệ họ chui vào đường hầm do doanh nghiệp bỏ lại để mót quảng thiếc. Khi đang đục đẽo thì bất ngờ một tảng đá lớn đổ sập xuống, đè lên 3 người...

Tiến Hùng