Khám phá đất và người miền Tây xứ Nghệ
(Baonghean.vn) - Miền Tây Nghệ An thường gợi lên trong tâm tưởng mỗi người cảnh rừng núi trập trùng, đèo dốc cheo leo, bản làng sương phủ. Nhưng khi đặt chân đến vùng đất này, khách phương xa sẽ có một cái nhìn và ấn tượng khác hơn. Sự hùng vĩ của phong cảnh đại ngàn, suối khe như nét vẽ mộng mơ và tình đất, tình người thắm nồng như men rượu.
Bên con nước sông Giăng và đại ngàn Pù Mát
Miền Tây Nghệ An là một vùng rộng lớn, chiếm hơn 2/3 diện tích toàn tỉnh, là địa bàn cư trú của đồng bào các dân tộc: Kinh, Thái, Thổ, Khơ mú và Mông… Cùng với tiềm năng về sản xuất nông – lâm nghiệp, nơi đây đang hình thành những điểm đến thú vị để du khách thỏa sức trải nghiệm và khám phá cuộc sống chốn miệt rừng. Nghĩa là, bên cạnh ruộng đồng, nương rẫy, bà con đang nỗ lực đánh thức và khơi dậy tiềm năng về phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Hãy bắt đầu từ vùng Tây Nam, nơi có dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ hợp lưu thành dòng Lam đậm chất trữ tình và thơ mộng. Có dòng sông Giăng như dải lụa uốn quanh giữa đại ngàn Pù Mát cùng những bản làng ngân vang khúc hát và rộn rã tiếng cồng chiêng.
Nằm cách thành phố Vinh hơn 100 km, những năm gần đây Con Cuông được du khách gần xa biết đến là vùng quê có nhiều danh lam, thắng cảnh và đậm đà dấu ấn bản sắc. Dòng sông Giăng cũng bắt nguồn từ đây, vừa mang dáng vẻ dữ dội với bao thác ghềnh hiểm trở, lại vừa dịu dàng như vẻ đẹp thiếu nữ đôi mươi. Những ngày hè, được hòa mình vào con nước sông Giăng, cái oi bức của đất trời và bao nỗi lo âu, muộn phiền của cuộc sống thường nhật dường như tan biến. Chỉ còn lại làn nước mát rượi cùng niềm thư thái đến lạ thường.
Ngồi thuyền ngược dòng sông ngắm cảnh hùng vĩ của đại ngàn, vượt thác ghềnh để tìm cảm giác mạnh và thêm nể phục tài nghệ của người lái thuyền. Đầu nguồn là nơi cư trú của tộc người Đan Lai với huyền sử đầy chất bi thương mà tục ngủ ngồi như là một minh chứng sinh động. Đến đây, du khách thỏa thích quan sát, tìm hiểu cuộc sống hàng ngày của tộc người “ngủ ngồi”, cùng bà con ra sông quăng chài, nướng tôm, cá khi còn tươi rói.
Phải nói thêm, ngoài vẻ đẹp hút hồn, sông Giăng còn có đặc sản cá mát nổi tiếng. Loài cá này chỉ quen sống ở môi trường nước trong mát và sạch sẽ, ăn các loài rong rêu nên thịt luôn thơm, ngon. Cá mát có thể được nướng, luộc, kho, rán hay nấu canh, mỗi cách chế biến có sự hấp dẫn riêng, thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi. Vì thế, từ xưa, người dân vùng mường Quạ lưu truyền câu ca “Cơm Mường Quạ, cá sông Giăng” như để định vị thương hiệu về ẩm thực.
Bên cạnh sông Giăng, Con Cuông còn có thác khe Kèm (Lục Dạ) và khe Nước Mọc (Yên Khê) cũng là những điểm “giải nhiệt” lý tưởng trong những ngày nóng bức. Khe nước Mọc là điểm ùn lên của dòng suối ngầm nên nước trong và mát rượi. Còn thác Khe Kèm là nơi dòng nước dội xuống từ vách núi cao hàng chục mét làm nên sự kỳ vĩ, có dịp đứng dưới chân thác sẽ vô cùng khoan khoái với cảm giác mát lạnh.
Con Cuông còn là nơi cư trú lâu đời của đồng bào Thái, nhiều bản làng vẫn còn giữ được không gian cổ kính với những ngôi nhà sàn ngăn nắp, vườn cọ xanh mát và chiếc khung dệt vải trước hiên nhà. Đặc biệt, các phong tục từ xa xưa vẫn lưu truyền, những làn điệu dân ca, dân vũ và dân nhạc đang còn được lưu giữ. Những món ăn truyền thống như cơm lam, xôi ngũ sắc, chả moọc và rượu cần, rượu men lá vẫn ngát hương. Bản Khe Rạn (Bồng Khê), bản Nưa (Yên Khê) và bản Xiềng (Môn Sơn) đã trở thành điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm và khám phá. Người dân đã và đang làm quen với cách làm du lịch cộng đồng, các dịch vụ đang dần được chuyên nghiệp hóa.