Nghệ An: Chiến dịch truyền thông dân số hướng tới đối tượng vùng đặc thù

Mỹ Hà 24/06/2020 19:45

(Baonghean.vn) - Chiến dịch truyền thông dân số là một hoạt động thường niên nhằm thực hiện các chỉ tiêu về Dân số - KHHGĐ và đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dân số tại cơ sở. Năm nay, dù chiến dịch triển khai muộn hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn diễn ra sôi động với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.

QUAN TÂM VÙNG ĐẶC THÙ

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên năm nay Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số năm 2020 không phát động trên diện rộng. Thay vào đó, tỉnh phát động theo 3 khu vực với 3 cụm chính tại các huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu và Tân Kỳ.

Triển khai chiến dịch dân số tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà
Triển khai chiến dịch dân số tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: Mỹ Hà

Tại xã Hưng Tây (Hưng Nguyên) - dù chiến dịch được triển khai vào đầu tháng 5, thời điểm dịch bệnh Covid-19 trên cả nước mới được khống chế nhưng trong ngày ra quân, người dân trong toàn xã đã tham gia rất đông. Chị Nguyễn Thị Lan- một người dân trong xã cho biết: “Mặc dù chúng tôi ở không quá xa thành phố nhưng rất ít đi thăm khám sức khỏe sinh sản, trừ khi có bệnh. Vì thế, khi nghe có tin triển khai chiến dịch và có đội ngũ y bác sỹ ở trung tâm y tế đến kiểm tra và làm các xét nghiệm hiện đại chúng tôi rất vui và đây cũng là cơ hội để chúng tôi kiểm tra sức khỏe của bản thân”.

Không chỉ được thăm, khám, cấp thuốc miễn phí, tại chương trình này, người dân xã Hưng Tây cũng được các bác sỹ đến từ Chi cục Dân số - KHHGĐ trực tiếp hướng dẫn và giải đáp những thắc mắc nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản và các căn bệnh thường gặp của phụ nữ.

“Hưng Tây là một xã đặc thù, dân số đông và tỷ lệ sinh con thứ 3 còn rất cao. Chính vì thế, việc triển khai chiến dịch với nhiều hoạt động song song là cơ hội để người dân nâng cao nhận thức về việc chăm sóc SKSS. Qua đó cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân được thăm khám, sàng lọc các loại bệnh nguy hiểm và được sử dụng các dịch vụ về y tế ngay tại cơ sở một cách thuận lợi và kinh tế”.

Võ Thị Ngà - viên chức dân số xã Hưng Tây

Trong những năm gần đây, do nguồn ngân sách chi cho các hoạt động về dân số bị sụt giảm nên kinh phí để chi cho chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số bị cắt giảm khá nhiều.

Truyền thông về chăm sóc SKSS cho học sinh huyện Thanh Chương. Ảnh: Mạnh Đạt
Truyền thông về chăm sóc SKSS cho học sinh huyện Thanh Chương. Ảnh: Mạnh Đạt

Tuy nhiên, với ý nghĩa quan trọng của chương trình này, tỉnh và các địa phương vẫn tập trung nguồn lực để chiến dịch được triển khai hiệu quả. Trong đó, về phía tỉnh nguồn ngân sách hỗ trợ hơn 700 triệu đồng để cung cấp thuốc điều trị phụ khoa cho 459/459 xã trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hỗ trợ kinh phí để khám, chữa bệnh cho 18 xã đặc biệt khó khăn. Còn tại các địa phương cũng đã chủ động để cấp kinh phí cho các xã triển khai đồng bộ với nhiều hoạt động từ truyền thông, chăm sóc SKSS và lồng ghép các dịch vụ.

Tại huyện Thanh Chương, đến thời điểm này chiến dịch đã đi được 1/3 chặng đường và so với những năm trước triển khai chậm hơn. Tuy nhiên, năm nay huyện có nhiều đổi mới trong quá trình triển khai bởi trước khi tổ chức đồng bộ huyện có một bước chuẩn bị “đệm” khi tổ chức tư vấn truyền thông về ý nghĩa của chiến dịch và nhưng lợi ích mà người dân tham gia tới tất cả các xã, thị trong huyện.

“Trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020, chúng tôi xác định việc triển khai chiến dịch sẽ khó khăn. Do đó, trước khi chiến dịch chúng tôi phải làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân. Chúng tôi cũng chỉ đạo các xã công khai toàn bộ danh sách những người đăng ký tham gia chiến dịch và thông báo rộng rãi trên hệ thống truyền thanh để từ đó nhắc nhở và động viên người dân tham gia hưởng ứng”.


Ông Nguyễn Hiền Ngọc - Giám đốc của Trung tâm Dân số/KHHGĐ huyện Thanh Chương

ĐA DẠNG HÓA ĐỐI TƯỢNG

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, năm nay, chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS sẽ được tổ chức thành 2 đợt vào kéo dài đến tháng 11.

Chính vì lẽ đó, ở các địa phương, thay vì ra quân rầm rộ thì các xã, thị cũng tổ chức theo từng xóm, từng tổ dân để vừa hạn chế tập trung đông người vừa thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia.

Truyền thông về dân số cho người dân khối Quỳnh Dị - thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Mỹ Hà
Truyền thông về dân số cho người dân khối Quỳnh Dị - thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Mỹ Hà

Đặc biệt, để chiến dịch được triển khai sâu rộng, nội dung truyền thông cũng đã được triển khai với nhiều đổi mới với nhiều đối tượng khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng địa phương.

Đặc biệt, chú trọng tới nhóm đối tượng cần ưu tiên trong chiến dịch, đó là: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, vùng đông đồng bào theo đạo Công giáo, vùng ven biển,... Trong đó, tập trung chính vào các nội dung như vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, hôn nhân cận huyết thống nhằm nâng cao nhận thức người dân.

Năm nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng đã trực tiếp tổ chức nhiều buổi truyền thông cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề dân số/KHHGĐ và vấn đề chăm sóc SKSS.

Theo chân các tuyên truyền viên của ngành dân số đến phường Quỳnh Dị - thị xã Hoàng Mai, một trong những phường có tỷ lệ sinh con thứ 3 còn rất cao với trên 35%/năm, chúng tôi nhận thấy việc nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề thực hiện chính sách dân số là một điều hết sức quan trọng. Cũng tại chương trình này, dù thời gian tổ chức chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ nhưng các tuyên truyền viên đã cố gắng truyền tải tới người dân rất nhiều thông tin ý nghĩa như hệ lụy của việc sinh đông con và những ảnh hưởng nếu không thực hiện giảm sinh.

Khám và cấp thuốc cho công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: PV
Khám và cấp thuốc cho công nhân ở Khu công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: PV

Ngoài ra, qua những màn giao lưu và đối thoại trực tiếp người dân đã được trang bị những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị Phan Thị Thương - viên chức dân số của phường Quỳnh Dị cũng cho biết: “Quỳnh Dị có hơn 7.000 hộ dân và số hộ kinh tế khá giả khá nhiều. Chính vì thế, trong những năm gần đây việc tuyên truyền giảm sinh rất khó khăn vì hầu hết các gia đình đều muốn sinh thêm con để đông cửa nhà và phòng ngừa rủi ro. Từ thực tế này, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều buổi tuyên truyền các chính sách về dân số để nâng cao nhận thức của người dân và giúp người dân thấy được lợi ích của việc sinh ít con, dành điều kiện để chăm lo các cháu học hành và phát triển kinh tế”.

Năm 2020, do năm học kéo dài nên một phần lớn các buổi truyền thông về Chăm sóc SKSS được tổ chức tại các nhà trường và mở rộng thêm các vấn đề về phòng chống đuối nước hoặc hướng nghiệp cho học sinh. Qua nhiều buổi truyền thông ở một số huyện vùng cao.

“Một trong những vấn đề nổi cộm ở nhiều trường học trong thời điểm này là học sinh nghỉ học sớm để lấy chồng, sinh con. Thậm chí có trường sau dịch Covid -19 có hàng chục học sinh nghỉ học, nhiều học sinh chỉ mới lớp 10, 11. Vì lẽ đó, tôi nghĩ truyền thông về vấn đề SKSS/KHHGĐ trong các nhà trường rất quan trọng và xem đây là việc làm thường xuyên để các em hiểu hơn về vấn đề tảo hôn và những ảnh hưởng của việc lập gia đình sớm”.

Bà Nguyễn Thị Hồng - cán bộ phòng Truyền thông - Dân số - Chi cục Dân số/KHHGĐ tỉnh

Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành và của các địa phương, chiến dịch truyền thông cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS năm 2020 đang ngày càng nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của đông đảo nhân dân.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết: “Năm 2020 là một năm đặc thù của ngành Dân số. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, các địa phương đã linh hoạt trong quá trình triển khai chiến dịch với nhiều hoạt động đa dạng, hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Chúng tôi cũng hi vọng với sự nỗ lực này, ngành dân số sẽ về đích với nhiều kết quả khả quan và hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra”.

Mỹ Hà