Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cho ý kiến về phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm
(Baonghean.vn) - Sáng 29/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An họp phiên thường kỳ tháng 6 để nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí đại diện một số ban Đảng Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ngành. Ảnh: Thành Duy |
NỖ LỰC THỰC HIỆN “MỤC TIÊU KÉP”
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020 do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trình; nghe báo cáo kết quả cải cách hành chính 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm.
Theo đó, trong 6 tháng qua, dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh đã triển khai các giải pháp nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2020. Ảnh: Thành Duy |
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,69%, trong đó khu vực nông lâm, thủy sản tăng 4,98%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,11% (riêng công nghiệp chỉ tăng 1,58%, xây dựng tăng 9,47%); khu vực dịch vụ tăng 0,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bằng 99,41% so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách ước thực hiện hơn 6.964,5 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán và bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước tình hình đó, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay; gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp; rà soát đề xuất xem xét giảm 50% một số loại phí, lệ phí do HĐND tỉnh quy định nhằm hỗ trợ doanh nghiệp;…
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Điểm sáng là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 42,85% kế hoạch, cao hơn bình quân cả nước (bình quân cả nước giải ngân 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và 26,3 % so với kế hoạch Chính phủ giao).
Tỉnh cũng đã nỗ lực thu hút đầu tư vào địa phương, tính đến 16/6, toàn tỉnh đã cấp mới (chấp thuận chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) cho 33 dự án, với tổng đầu tư vốn đăng ký gần 3.158 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh 32 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 7 dự án (tăng 3.847 tỷ đồng).
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid -19, chăm lo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh;…
Công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Việc rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết, đơn giản hóa thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trên địa bàn;…
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền đề nghị trong điều kiện thu ngân sách gặp khó khăn cần rà soát các cơ chế chính sách đã ban hành và các chính sách dự kiến ban hành để đảm bảo cân đối ngân sách trong thực hiện.
Đồng chí Bùi Thanh An - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đánh giá, sau dịch bệnh Covid -19 là dịp tái cơ cấu nền kinh tế và cũng là dịp tái cơ cấu chi ngân sách. Đặc biệt, trong tình hình này thấy cần thiết rà soát để xây dựng một bộ chính sách mới, phù hợp điều kiện ngân sách tình hình mới để nhìn toàn diện, cân đối toàn diện.
Liên quan đến công tác cải cách hành chính, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ngọc Kim Nam đề nghị Sở Nội vụ cùng với các sở, ngành chỉ đạo tăng cường họp, giao ban trực tuyến ở các cấp, các ngành.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực trong thời gian qua, đồng thời về nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới đề nghị cần tập trung giải quyết vướng mắc do các dự án trọng điểm; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; thu hút đầu tư, nhất là quan tâm công tác chuẩn bị các điều kiện để thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid -19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ; có phương án phù hợp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020.
Các ý kiến cũng đề cập nhiều vấn đề sau sáp nhập khối, xóm, xã, đặc biệt là xử lý cơ sở vật chất thừa sau sáp nhập cần nghiên cứu để có định hướng cho các địa phương bố trí, sắp xếp hợp lý.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung khẳng định, UBND tỉnh sẽ lãnh đạo, điều hành phấn đấu thực hiện đạt ở mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy |
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các nhóm giải pháp trọng tâm là tháo gỡ vưỡng mắc cho doanh nghiệp, các dự án đang triển khai (dự án ngân sách và ngoài ngân sách), nhất là về thủ tục như đất đai, giải pháp mặt bằng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tiếp cận trực tiếp các nhà đầu tư đang tìm kiếm địa điểm đầu tư.
UBND tỉnh cũng sẽ tiếp tục quản lý thu - chi ngân sách chặt chẽ hơn nữa, rà soát các khoản chi không cần thiết để cắt giảm, tiết kiệm chi khoảng 10% do tình hình thu ngân sách 6 tháng cuối năm dự báo còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ yêu cầu, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm về tiến độ; nếu đến 31/8/2020 không đạt được tỷ lệ giải ngân theo quy định thì tỉnh sẽ điều chỉnh; quan tâm đến chính sách an sinh xã hội để đảm bảo ổn định đời sống người dân.
LINH HOẠT, NĂNG ĐỘNG TRONG ĐIỀU HÀNH, LÃNH ĐẠO
Trong bối cảnh khó khăn, tỉnh đã vững vàng, kiên trì, nỗ lực, đoàn kết, thống nhất để vượt qua khó khăn, đạt được kết quả tương đối so với bối cảnh chung của cả nước.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao công tác điều hành của chính quyền các cấp; sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy và sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của Mặt trận và các đoàn thể trong bối cảnh khó khăn, bất lợi; bên cạnh đó chỉ đạo đại hội Đảng cơ bản đúng tiến độ.
Về 6 tháng cuối năm, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh 3 nhiệm vụ gồm: sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu của dịch Covid -19; khôi phục, phát triển kinh tế và tập trung chỉ đạo đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. “Đề nghị các đồng chí tập trung hết sức cao độ”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kết luận nội dung về kinh tế - xã hội. Ảnh: Thành Duy |
Chỉ rõ quan điểm của tỉnh là không điều chỉnh chỉ tiêu của năm 2020, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh cần căn cứ kế hoạch của UBND từ đầu năm để cố gắng phấn đấu đạt chỉ tiêu cao nhất; vấn đề là trong bối cảnh khó khăn quá trình điều hành phải linh hoạt, năng động.
Đi vào nội dung cụ thể, đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, nối lại hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, rà soát các thủ tục hành chính; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, cùng với đó tập trung làm việc với các bộ, ngành để xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn tới với quan điểm là công trình mới phải được lựa chọn đầu tư trọng tâm, trọng điểm có sức lan tỏa, kết nối, có tính động lực.
Nghệ An quyết tâm thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển năm 2020. Ảnh tự liệu: P.V - C.T.V |
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu thực hiện tốt công tác thu - chi ngân sách, đặc biệt là phải tiết kiệm chi; chăm lo đời sống của nhân dân, nhất là quan tâm tâm lý, tình cảm, tư tưởng của nhân dân trong giai đoạn hậu Covid -19, trong đó có khoảng 20.000 người dân từ nước ngoài trở về; thực hiện đúng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ về hỗ trợ khó khăn do dịch Covid -19.
Tỉnh cũng cần chuẩn bị tốt cho các kỳ thi sắp tới, thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị cho năm học mới; quan tâm các giải pháp tuyên truyền, phòng chống đuối nước, thương tích trẻ em, các dịch bệnh liên quan đến người ngoài Covid -19; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; quan tâm công tác sau thanh tra và thực hiện sau thanh tra, kiểm tra để phục vụ đại hội Đảng các cấp tốt.
Bí thư Tỉnh ủy cũng đồng tình với các ý kiến là cần rà soát cơ chế chính sách, nhất là giai đoạn vừa qua xem chính sách nào hợp lý, chưa hợp lý, hợp lý nhưng chưa có nguồn lực để có tính toán cụ thể cho giai đoạn mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu góp ý vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 -2025. Ảnh: Thành Duy |
Mặt khác, các sở, ngành, địa phương liên quan quan tâm xử lý các vấn đề sau sáp nhập xã, xóm như cơ sở vật chất, đồng thời hết sức quan tâm, hướng dẫn chế độ, chính với cán bộ không có hệ số.
Cùng với đó, tỉnh cần tập trung xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo; đồng thời ngành Kế hoạch - Đầu tư đặc biệt quan tâm tham mưu để sớm hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn 2050.
Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 -2025; nghe và cho ý kiến chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ để thực hiện các công trình, dự án và quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ san lấp mặt bằng các dự án phát triển hạ tầng trong Khu Kinh tế Đông Nam.