Thủ tướng Chính phủ: Cần có chính sách, giải pháp đặc biệt trong trạng thái bình thường mới

Thành Duy 02/07/2020 11:20

(Baonghean.vn) - Dự báo tình hình thời gian tới còn khó khăn, do đó để bước vào trạng thái bình thường mới hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt để thực hiện mục tiêu kép là không để Covid - 19 quay trở lại; đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân.

Thủ tướng chủ trì hội nghị với các địa phương. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Sáng 2/7, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Cao Thị Hiền - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị. Ảnh: Thành Duy

Tốc độ tăng trưởng GDP quý II của cả nước đạt 0,36%, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu bị tác động mạnh của đại dịch Covid -19, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương.

Tại Nghệ An, 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tăng 2,69%, trong đó khu vực nông lâm, thủy sản tăng 4,98%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,11% (riêng công nghiệp chỉ tăng 1,58%, xây dựng tăng 9,47%); khu vực dịch vụ tăng 0,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bằng 99,41% so với cùng kỳ năm 2019. Thu ngân sách ước thực hiện hơn 6.964,5 tỷ đồng, đạt 45,8% dự toán và bằng 94,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, trong 6 tháng qua, nước ta có đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ. Đặc biệt là được sự ủng hộ, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Việt Nam đã sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn quốc phòng, an ninh của đất nước. Thế giới đánh giá cao thành quả kiểm soát, chỉ đạo phòng, chống dịch của nước ta.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, Thủ tướng nhấn mạnh và chỉ rõ: “Hội nghị xác định mục tiêu kép là không để Covid - 19 quay trở lại xóa thành quả mà chúng ta đã phấn đấu, không vì kinh tế mà dễ dãi để dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân; đồng thời mục tiêu hết sức quan trọng là phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo đời sống nhân dân”.

Tuy nhiên, dự báo tình hình thời gian tới còn khó khăn, để bước vào trạng thái bình thường mới hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu phải có cơ chế, chính sách, giải pháp đặc biệt.

Cùng với việc tập trung thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất, hiến kế những giải pháp để vừa không để dịch bệnh trở lại, vừa phục hồi nhanh, phát triển mạnh kinh tế - xã hội.

“Đoàn kết, hợp tác, quyết tâm vượt lên khó khăn, sáng tạo, sát sao trong chỉ đạo, điều hành là yêu cầu bao trùm”, Thủ tướng nhắn nhủ và nêu ra 8 nội dung hội nghị cần thảo luận, làm rõ giải pháp.

Thủ tướng Chính phủ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Trước hết là vấn đề kinh tế vĩ mô, đặc biệt và về tăng trưởng. Trong đó ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã gồm: “đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng”, Thủ tướng đề nghị hội nghị lần này cần đặt ra các giải pháp để tăng các lực kéo này nhằm để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.

Bên cạnh đó, hội nghị cần thảo luận các vấn đề điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ để kích cầu, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công vì hiện chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra (kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm tăng nhưng mới chỉ đạt 33% kế hoạch năm, giải ngân vốn ODA cũng đạt rất thấp).

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị phải có giải pháp cụ thể để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu thị trường nội địa trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm.

Đặc biệt, các cấp, ngành phải tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Tinh thần là phải có thái độ phục vụ nhân dân, cho phát triển của các doanh nghiệp, các loại hình kinh tế, tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể, làng nghề, phát triển các sản phẩm… “Một không khí như vậy tạo điều kiện phát triển”, Thủ tướng nói và kiên quyết yêu cầu “không được gây khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, cho người dân”, không được có “quyền anh, quyền tôi” trong thực hiện các thủ tục hành chính..

Bên cạnh đó, hội nghị cũng cần thảo luận, tìm giải pháp để chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như: kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội; thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phát huy hơn vai trò các địa phương.

Qua thực tiễn triển khai thực hiện nhiệm vụ, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất, kiến nghị các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, đặc biệt là phục hồi, phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng yếu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tóm tắt các nội dung: Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 84/NQ-CP, Chỉ thị 11/CT-TTg; tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020. Tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã báo cáo tóm tắt các nội dung: Kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2020. Công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử và tình hình thực hiện nhiệm vụ. Một số vướng mắc trong thực hiện chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã báo cáo tình hình triển khai gói an sinh xã hội và việc triển khai chính sách xã hội 6 tháng cuối năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Một số địa phương đã có phát biểu tại hội nghị.

Thành Duy