Vì sao cử tri Nga tín nhiệm cao đối với Tổng thống Putin?

Trung Hiếu 04/07/2020 08:02

Mức độ tín nhiệm của Tổng thống Nga Putin vẫn cao dù không còn như trước. Nhiều cử tri Nga muốn có sự thay đổi nhưng họ chưa thấy ai xứng đáng hơn.

Cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi về cải cách Hiến pháp Nga đã dọn đường cho ông Putin làm tổng thống tiếp 2 nhiệm kỳ nữa, đến tận năm 2036, dù mức độ tín nhiệm của ông không còn như xưa.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/7/2020 cho thấy đương kim Tổng thống Nga Putin (67 tuổi) được gần 78% số cử tri đi bỏ phiếu đồng ý để ông có cơ hội nắm quyền đến năm 2036, khi ông đã 83 tuổi. Thông tin cho hay, tỷ lệ cử tri tham gia trưng cầu dân ý lên tới khoảng 68%.

Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự. Ảnh: Daily Beast.

Bất chấp nhiều trở ngại, Putin vẫn “ghi điểm rất cao”

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp Nga nói trên thực sự ấn tượng, bởi lẽ ông Putin hiện đang gặp muôn vàn khó khăn như mức sống người dân giảm, kinh tế đình trệ do đại dịch Covid-19 cũng như do cuộc chiến dầu mỏ (với Saudi Arabia)...

Mặc dù mức độ tín nhiệm của Putin hiện nay là thấp nhất từ trước tới nay, tỷ lệ này vẫn cao đáng nể, ở mức 59,9%.

Các cử tri bình thường của Nga cho biết, họ chẳng thấy có sự lựa chọn chính trị nào khác ở phía trước.

Kirill, một cử tri 42 tuổi tại điểm bỏ phiếu ở Saint Petersburg, sau khi bỏ phiếu nói: “Thành thực mà nói, tôi không thấy bất cứ sự thay thế nào khác cả. Ít có khả năng vào năm 2024 sẽ có ai đó đáng giá hơn Putin ra tranh cử Tổng thống Nga”.

Nếu như không có cuộc sửa đổi Hiến pháp lần này, thì ông Putin sẽ bị giới hạn vào 4 nhiệm kỳ tổng thống (cho tới lúc này).

Nhưng nhờ kết quả của cuộc trưng cầu, với 77,93% người Nga tham gia ủng hộ hướng sửa đổi Hiến pháp, thì ông Putin có thể cài đặt lại số nhiệm kỳ tổng thống trước đó của ông về mức 0 để ông có thể bước vào một cuộc tranh cử tổng thống mới vào năm 2024. Và về lý thuyết, tính từ năm 2024, ông Putin có thể làm tổng thống thêm 2 nhiệm kỳ, tức là ông có thể cầm quyền đến năm 2036.

Hiện Putin đã làm Tổng thống Nga trong 4 nhiệm kỳ, từ 2000-2004, 2004-2008, 2012-2018, và năm 2018 đến nay, cùng với 2 nhiệm kỳ thủ tướng nữa. Như vậy, ông là nhà lãnh đạo tại vị lâu năm hàng đầu trong lịch sử Nga và lịch sử Liên Xô, vượt qua cả kỷ lục làm Thủ tướng Liên Xô của lãnh tụ Joseph Stalin (từ năm 1941-1953).

Ngày 1/7 không phải là chọn ngẫu nhiên?

Cuộc trưng cầu dân ý lần này là cần thiết để tạo thêm sự chính danh và uy tín cho Putin trong bối cảnh độ tín nhiệm của ông giảm sâu nhất từ năm 2000 cho tới nay. Đại dịch Covid-19 hiện đang lây lan mạnh ở quốc gia rộng nhất thế giới, với hơn 6.000 ca mắc được ghi nhận mỗi ngày, theo các con số thống kê chính thức.

Tổng thống Putin ấn định ngày 1/7 là “ngày lý tưởng” để tổ chức trưng cầu dân ý. Nhưng giới phê bình cho rằng ông cần các cải cách hiến pháp được thông qua trước khi toàn bộ hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19 trở nên rõ ràng – lúc đó, sự bất mãn trong dân có thể sẽ phát triển từ “cơn gió thoảng qua” thành “trận gió lớn”.

Trong thời gian qua, các áp phích trên phố và quảng bá trên truyền hình tập trung vào các sửa đổi hiến pháp có nội dung hấp dẫn với người dân Nga như việc đưa Chúa vào luật, và một loạt các bảo đảm về mặt phúc lợi xã hội.

Điện Kremlin đã triển khai một loạt biện pháp để đảm bảo tỷ lệ cao cử tri đi bỏ phiếu, trong đó có các phương pháp như huy động sự tham gia của các nhân viên khối nhà nước và các nhân viên tại các doanh nghiệp tư nhân thân với Kremlin. Các công dân Moscow đăng ký đi bỏ phiếu còn có cơ hội trúng giải thưởng. Do quy định về giãn cách xã hội nên việc bỏ phiếu sớm đã diễn ra từ ngày 25/6.

Phe đối lập thì cho rằng có thể có gian lận phiếu trong cuộc trưng cầu này nên một số người đã tẩy chay.

Bà Elizaveta, 42 tuổi, chờ đến ngày cuối mới đi bỏ phiếu và bà lựa chọn phản đối việc sửa đổi Hiến pháp. “Tôi hài lòng với Hiến pháp hiện tại và phản đối việc tính lại nhiệm kỳ của ông Putin”.

Ngăn ngừa tình trạng đấu đá và tê liệt do mải tìm người kế vị?

Putin đã nói rằng ông không chắc liệu mình có ra ứng cử tổng thống vào năm 2024 hay không nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng ông cần phải để ngỏ khả năng này.

Trong một phim tài liệu phát sóng trên kênh Rossiya 1 của truyền hình nhà nước Nga, ông Putin bày tỏ quan ngại về tình trạng đi tìm người kế vị cho ông sẽ làm tê liệt hoạt động quản lý.

Ông Putin nói: “Cần phải làm việc, chứ không phải là đi tìm người kế vị. Tôi có thể nói với quý vị rằng từ kinh nghiệm của tôi trong khoảng 2 năm, thay vì làm việc nhịp nhàng đều đặn ở nhiều cấp chính quyền, quý vị lại để mắt vào việc tìm người có khả năng kế vị”.

Theo Tatyana Stanovaya - nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Carnegie Moscow, ông Putin cảm thấy trong giới tinh hoa Nga, các phe phái khác nhau đang đấu đá để xác định người kế vị.

Bà Stanovaya cho rằng Putin không thích điều đó và thấy ở đó nguy cơ gây bất ổn định.

Với việc bảo đảm khả năng tái tranh cử vào năm 2024 và có thể cả vào năm 2030, Putin đã phần nào xử lý được vấn đề này.

Trong một bài viết gần đây cho Trung tâm Carnegie Moscow, tác giả Aleksey Kolesnikov cho rằng cuộc trưng cầu dân ý là nhằm xác nhận sự tồn tại của nhóm “Khối Đa số của Putin” – một cộng đồng đoàn kết với nhau thông qua các giá trị bảo thủ và niềm tin vào sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, tập trung quyền lực.

Theo Grigory Golosov – giáo sư chính trị so sánh tại Đại học Âu châu Saint Petersburg, tỷ lệ tín nhiệm 59% dành cho Putin vào tháng 5/2020 có thể cao hơn thực tế do 2 nguyên nhân: 1- Người ta ngại phải nói “không”; và 2- Người dân đơn giản là không thấy lựa chọn nào khác cả.

Uy tín của Putin được cho là cao nhất vào các thời kỳ: Khi ông dẫn dắt nước Nga ra khỏi giai đoạn hỗn loạn thời Yeltsin vào thập niên 1990, khi ông đưa nước Nga ra khỏi loạt cuộc chiến tranh Chechnya, và khi nước Nga sáp nhập bán đảo Crimea một cách thành công và gần như không đổ máu vào năm 2014.

Nhưng hiện nay người Nga ít hào hứng với các cuộc phiêu lưu ở nước ngoài và quan tâm hơn tới vấn đề mức sống./.

Trung Hiếu