Quan hệ lao dốc giữa Mỹ - Iran sau 5 năm ký thỏa thuận hạt nhân

Hồng Nhung 14/07/2020 06:50

5 năm kể từ ngày ký thỏa thuận hạt nhân Iran cũng khoảng thời gian ghi dấu sự xuống dốc của quan hệ Mỹ - Iran.

Ngày 14/7 đánh dấu 5 năm kể từ thời điểm thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) được Iran và các bên liên quan ký kết tại Viên, Áo. 5 năm trôi qua ghi dấu những bước thăng trầm của thỏa thuận đặc biệt này và sự xuống dốc của quan hệ Mỹ - Iran. Dư luận cho đến nay vẫn bày tỏ lấy làm tiếc về việc cả Iran và Mỹ đều đã có những bước đi làm ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân 2015.

5 năm kể từ ngày ký thỏa thuận hạt nhân Iran cũng khoảng thời gian ghi dấu sự xuống dốc của quan hệ Mỹ - Iran. Ảnh: Los Angeles Times

Sau 20 tháng đàm phán, ngày 14/7/2015 đã đi vào lịch sử của ngành ngoại giao thế giới với việc tám bên liên quan trong đó có các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức thông qua những giải pháp ngoại giao đã ký kết với Iran thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Ngay sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, giới chức nhiều nước châu Âu và các quốc gia khác bắt đầu tìm đến Iran để khai thác các lợi ích kinh tế. Những cơ hội kinh doanh và hợp tác mở ra với cả Iran và thế giới cùng với sự xuất hiện của thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, thời điểm hoàng kim của thỏa thuận “ngắn chẳng tày gang”.

Biến cố bắt đầu xuất hiện khi vào ngày 8/5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và sau đó áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Kể từ thời điểm bước ngoặt này, hàng loạt sự biến đã xảy ra đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đỉnh điểm là “tối hậu thư” của Iran vào 8/5/2019 – đúng một năm sau ngày Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận, với ngụ ý rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân, nếu các nước cùng tham gia đàm phán không chung tay hỗ trợ giúp Iran bảo vệ lợi ích về dầu mỏ và ngân hàng. Bất chấp nỗ lực của các bên liên quan, thỏa thuận hạt nhân Iran đã phải đối mặt với nguy cơ chết yểu sau khi Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.

Cũng từ đây, quan hệ Mỹ - Iran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía. Có những thời điểm dư luận đã nghĩ đến kịch bản về một cuộc chiến tranh có thể nổ ra giữa Mỹ và Iran sau khi Iran bắn hạ một máy bay không người lái của Mỹ vào tháng 6/2019. Đáp trả, Mỹ sau đó cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái của Iran ở eo biển Hormuz.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran tiếp tục lên đến đỉnh điểm sau vụ Mỹ sát hại Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Iran – Thiếu tướng Qasem Soleimani hồi đầu tháng 1/2020. Đáp trả, Iran mới đây đưa ra tuyên bố sốc khi muốn Interpol bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump vì liên quan tới cái chết của vị tướng này.

Dư luận đã không khỏi quan ngại về những diễn biến căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran và những bước lùi trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong phiên họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thảo luận về lệnh cấm vũ khí đối với Iran cũng như thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hồi cuối tháng 6 vừa qua, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, bà Rosemary DiCarlo, đã lên tiếng bày tỏ lấy làm tiếc về việc cả Iran và Mỹ đều đã có những bước đi làm ảnh hưởng đến thỏa thuận hạt nhân 2015.

“Chúng tôi khuyến cáo các bên tham gia thỏa thuận giải quyết bất đồng trong khuôn khổ thỏa thuận. Tôi cũng kêu gọi các quốc gia thành viên tránh các phát ngôn và hành động gây hấn có thể tác động tiêu cực tới thỏa thuận hạt nhân Iran và sự ổn định của khu vực. Việc thực thi đầy đủ thỏa thuận là giải pháp nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế thiết yếu cho người dân Iran”, bà DiCarlo nhấn mạnh

Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienne, Áo, ông Mikhail Ulyanov mới đây cũng cảnh báo những nước ký thỏa thuận hạt nhân, nhất là Mỹ và Iran cần tránh các tranh chấp không có kết quả và có khả năng gây tổn hại tới thỏa thuận. Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienne cũng kêu gọi nỗ lực tối đa để bảo vệ thỏa thuận này./.

Hồng Nhung