Thành phố Vinh chú trọng mũi thương mại dịch vụ gắn du lịch

Thu Huyền 16/07/2020 06:44

(Baonghean.vn) - Thương mại dịch vụ, du lịch được xác định là những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thúc đẩy và tác động tới sự phát triển toàn diện của thành phố Vinh. Vì vậy, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp để gắn kết, phát triển đồng thời 2 lĩnh vực kinh tế nói trên.

Hình thành yếu tố trung tâm vùng

Thành phố Vinh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Nghệ An. Thành phố Vinh được xác định trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ với nhiều loại hình dịch vụ và sản phẩm du lịch chất lượng cao. Trên địa bàn có mạng lưới các khu du lịch trọng điểm như: Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ; Khu du lịch sinh thái Lâm viên núi Quyết; Khu du lịch đường ven sông Lam; Các mạng lưới du lịch văn hóa tâm linh, nghiên cứu lịch sử: Cụm di tích Làng Đỏ, Cồn Mô, Ngã ba Bến Thủy, di tích Văn miếu Vinh; di tích chùa Diệc;...

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết - một địa chỉ du lịch hấp dẫn ở TP. Vinh. Ảnh: Thành Cường
Việc phát huy giá trị các di tích lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động du lịch cũng như kết nối các điểm du lịch của thành phố với các điểm du lịch trong tỉnh, trong vùng đã có bước cải thiện, góp phần thu hút tăng lượng khách du lịch.

Trong những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh; thành phố Vinh đã và đang tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng và lợi thế. Các dịch vụ về tài chính, ngân hàng, vận tải, bảo hiểm, thông tin truyền thông tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạng lưới ngày càng mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 18.700 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, đón 1,98 triệu lượt khách, tăng 4,76% so với cùng kỳ. Cơ sở hạ tầng du lịch phát triển mạnh, nhất là cơ sở khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, siêu thị; hiện nay có 181 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 14 khách sạn 3-5 sao.


Du khách về thăm quê Bác trong dịp sinh nhật của Người. Ảnh: Huy Thư
Từ thành phố Vinh, du khách có thể dễ dàng tham quan các khu du lịch nổi tiếng như: Khu Di tích Kim Liên, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu mộ của Đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh); thị xã biển Cửa Lò; Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Safari Diễn Lâm; Vườn Quốc gia Pù Mát; thác Khe Kèm, các điểm du lịch sinh thái phía Tây của tỉnh Nghệ An...

Thu hút các dự án thương mại, du lịch trọng điểm

Theo quy hoạch tổng thể của thành phố Vinh đến năm 2030 đã được phê duyệt, thành phố Vinh được xác định là cấp trung tâm thương mại của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ, về tính chất, các khu trung tâm thương mại tại thành phố Vinh, vừa là trung tâm bán buôn, bán lẻ hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong khu vực, trung tâm thu hút, phân luồng hàng hóa trong và ngoài tỉnh, vừa là trung tâm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao của dân cư trong tỉnh và sự giao lưu của các đối tượng dân cư từ ngoài tỉnh.

Hào thành cổ Vinh được nâng cấp cải tạo, trở thành điểm đến đẹp, nên thơ trong lòng thành phố - sẽ là điểm thu hút du khách. Ảnh Thu Huyền
Hào thành cổ Vinh được nâng cấp cải tạo, trở thành điểm đến đẹp, nên thơ trong lòng thành phố - sẽ là điểm thu hút du khách. Ảnh: Thu Huyền

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật trên, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển trung tâm vùng trên một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm phát triển cả về mạng lưới, các sản phẩm dịch vụ và cả tăng trưởng dư nợ, hỗ trợ đáng kể các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhưng phần lớn tồn tại dưới dạng văn phòng đại diện và các chi nhánh hoạt động phụ thuộc, không có hội sở chính (trừ Ngân hàng TMCP Bắc Á).

Do đó, chưa thể tính đến các tổ hợp công trình/một trung tâm - nơi hội tụ các công ty, tập đoàn tài chính “tầm cỡ”. Hệ thống cơ sở thương mại trên địa bàn hiện chưa được tổ chức hoạt động theo quy trình hướng tới chất lượng cao, “siêu thị sạch”, dịch vụ “hậu mãi”...

Đường Nguyễn Văn Cừ thu hút lượng lớn du khách dạo phố và mua sắm. Ảnh: Lâm Tùng
Đường Nguyễn Văn Cừ thu hút lượng lớn du khách dạo phố và mua sắm. Ảnh: Lâm Tùng

Để thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng trên 10 lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của Bộ Chính trị, thành phố đang tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ Trung ương, tỉnh, nguồn đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế, nhà đầu tư và huy động nguồn lực từ nhân dân để thực hiện đầu tư phát triển thành phố Vinh một cách toàn diện và hiện đại.

Ông Hà Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh

Tiếp tục phát triển hệ thống tín dụng, ngân hàng theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, từ đó thu hút các ngân hàng lớn trong và ngoài nước, công ty tài chính, bảo hiểm, các công ty chứng khoán lập chi nhánh tại thành phố Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân trong vùng.

Hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh Thu Huyền
Hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Vinh đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Tập trung làm tốt công tác quản lý thị trường, thu hút các tập đoàn kinh doanh thương mại, bán buôn, bán lẻ hàng đầu thế giới và Việt Nam. Huy động tối đa nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng các công trình, dự án thương mại trọng điểm. Phát huy tiềm năng lợi thế so sánh về vị trí địa lý của thành phố, trong đó phát huy vai trò hạt nhân - trung tâm trong liên kết, phát triển du lịch vùng và quốc tế; tập trung xây dựng các tuyến du lịch kết nối Vinh - Cửa Lò với các trọng điểm du lịch trong tỉnh. Thu hút, mời gọi nguồn lực đầu tư các dự án: Khu du lịch tâm linh kết hợp vui chơi Lâm viên núi Quyết; Dự án du lịch ven sông Lam gắn với rừng ngập mặn Hưng Hòa...

Phố Quang Trung, thành phố Vinh rợp bóng cây xanh với những công trình cao tầng, hiện đại. Ảnh Thu Huyền
Phố Quang Trung, thành phố Vinh rợp bóng cây xanh với những công trình cao tầng, hiện đại. Ảnh: Thu Huyền
Đồng thời, thu hút các dự án đầu tư khu du lịch, tổ hợp vui chơi giải trí chất lượng cao, trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể thao, khu mua sắm; phát triển các cơ sở lưu trú đẳng cấp cao (4-5 sao); phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng... Mở rộng địa giới hành chính theo Quy hoạch được duyệt Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/01/2015, cùng với thị xã Cửa Lò trở thành đô thị lớn ven biển của Việt Nam.

Thu Huyền