Đề nghị hỗ trợ cho hơn 7000 lao động Nghệ An bị ảnh hưởng Covid-19

Thanh Nga 16/07/2020 12:50

(Baonghean.vn) - 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã giải quyết việc làm cho 15.621 người; 60% lao động bị mất việc tạm thời trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid -19 đã trở lại làm việc.

Sáng 16/7, Bộ LĐ,TB & XH tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm lĩnh vực lao động, người có công, an sinh xã hội. Chủ trì tại điểm cầu chính có đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB & XH.

Đại biểu tham gia tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga
Đại biểu tham gia tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Đoàn Hồng Vũ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐ,TB & XH chủ trì. Tham dự có đại diện các địa phương và ban, ngành liên quan.

60% lao động bị mất việc làm ở Nghệ An do dịch Covid -19 đã trở lại làm việc

Trong 6 tháng đầu năm chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid -19; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi tăng cao do nhu cầu thị trường lao động sụt giảm.

Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thanh Nga

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tới tháng 6 Việt Nam có 30,8 triệu lao động bị “ảnh hưởng tiêu cực” bởi dịch Covid-19 và có thể nhiều hơn vào cuối năm, trong đó, số người bị giảm thu nhập chiếm tới 57,3%. Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý II giảm còn 5,2 triệu đồng (giảm 525 nghìn đồng so với quý I và 279 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019). Trong số lao động bị ảnh hưởng có 897.500 người thất nghiệp và 1,2 triệu người nằm ngoài lực lượng lao động. Tuy nhiên, nhờ những cách thức đồng bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo ước tính, từ tháng 5/2020 trở đi, trung bình mỗi tháng cả nước có từ 70.000 đến 80.000 lao động bị mất việc làm quay trở lại thị trường lao động.


Nhiều lao động tại các doanh nghiệp FDI bị mất việc trong thời gian nghỉ dịch nay đã trở lại làm việc.
Nhiều lao động tại các doanh nghiệp FDI bị mất việc trong thời gian nghỉ dịch nay đã trở lại làm việc. Ảnh tư liệu của P.V

6 tháng đầu năm, Nghệ An đã giải quyết việc làmcho 15.621 người (đạt 41% KH; = 81,5% so với cùng kỳ năm 2019); 60% lao động bị mất việc tạm thời trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid -19 đã trở lại làm việc.

Lao động tại các doanh nghiệp FDI đang gặp nhiều khó khăn do các đơn hàng đi châu âu bị ngưng trệ. Ảnh tư liệu của PV
Lao động tại các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do các đơn hàng đi châu Âu bị ngưng trệ. Ảnh tư liệu PV

Ý kiến của các điểm cầu cho rằng, các địa phương đã rà soát, nắm chắc tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để có giải pháp hỗ trợ, cung ứng lao động, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh. Các hoạt động giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm được duy trì dưới hình thức trực tuyến; trong 2 tháng 5, 6 và nửa đầu tháng 7 đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động, tập trung nhiều ở các lĩnh vực, ngành, nghề bị tác động sâu bởi đại dịch Covid-19.

Đề nghị hỗ trợ cho 7.198 lao động Nghệ An từ gói 62.000 tỷ đồng

Sau khi các đầu cầu của các địa phương có ý kiến về việc giải quyết chế độ cho lao động sau dịch Covid -19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, các địa phương cần giải quyết nhanh rốt ráo chế độ ưu đãi cho người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid – 19, cân đối nhanh các nguồn kinh phí để giải quyết cho các đối tượng đã đủ điều kiện được hưởng.

Ở Nghệ An, tính đến ngày 15/7/2020, toàn tỉnh có 13 huyện, thành, thị có tờ trình đề nghị hỗ trợ cho 7.198 đối tượng là người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid - 19, trong đó, có 08 huyện đã gửi hồ sơ của 869 đối tượng về Sở Lao động- TB&XH để soát xét; UBND tỉnh đã Quyết định hỗ trợ cho 343 đối tượng đủ điều kiện với số tiền hỗ trợ 345 triệu đồng.

Chi trả  chế độ cho người bị ảnh hưởng do đại dịch covid ở Yên Thành. Ảnh tư liệu của Thái Hồng
Chi trả chế độ cho người bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 ở huyện Yên Thành. Ảnh tư liệu của Thái Hồng

Tại hội nghị, Bộ cũng yêu cầu 6 tháng cuối năm các địa phương cần tăng cường các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, hộ kinh doanh; triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, đảm bảo doanh nghiệp duy trì hoạt động, tránh sa thải hàng loạt lao động hoặc ngừng hoạt động, phá sản.

Kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Dù đã đạt được nhiều kết quả về giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội sau khi Covid-19 được kiểm soát tại nước ta, nhưng tình hình bất ổn về lao động và an toàn lao động cùng với công tác trẻ em trong thời gian qua vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương công tác rà soát hộ nghèo vẫn còn chậm; có tâm lý sợ sai khi chi trả chính sách cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Bộ trưởng yêu cầu, thời gian tới, các địa phương đặc biệt quan tâm phát triển thị trường lao động ở nhiều địa bàn trọng điểm, nhất là những địa bàn có nhiều doanh nghiệp FDI. Trong đó, đặc biệt quan tâm điều tra thị trường để phát triển các ngành nghề thị trường cần. Quan tâm hơn nữa các đối tượng bị sa thải, bị mất việc để có cơ chế hỗ trợ, quan tâm phù hợp.

“Về gói an sinh xã hội, các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm, yêu cầu phải chi trả ngay cho 100% đối tượng trong diện được hưởng, chứ không để tình trạng có báo cáo: “cơ bản hoàn thành”” – Bộ trưởng nói.

"Về giải quyết chế độ chính sách cho người có công cần giải quyết nhanh các hồ sơ tồn đọng, nâng mức sống cho người có công đạt mức trung bình hoặc khá. Các phần mộ liệt sỹ chưa biết tên còn có chữ “vô danh” cần được sửa ngay theo quy định của Chính phủ" - Bộ trưởng yêu cầu

Thanh Nga