Cần có giải pháp xử lý việc nhà văn hóa xóm 'vừa thiếu, vừa thừa' sau sáp nhập
(Baonghean.vn) - Ở các xã, xóm sau khi sáp nhập, xuất hiện tình trạng nhà văn hóa không đủ chỗ để sinh hoạt, song lại thừa 1 nhà văn hóa khác bỏ không. Các xã lúng túng trong việc xử lý các nhà văn hóa, công sở thừa; có nguy cơ lãng phí tài sản.
Tham gia phiên thảo luận tại Tổ số 4 có các đại biểu HĐND tỉnh được bầu ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và đại diện các sở, ban, ngành. Đồng chí Hoàng Văn Phi - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Nguyên làm Tổ trưởng chủ trì phiên thảo luận. Ảnh: Thành Chung |
Đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản
Tại phiên thảo luận Tổ số 4, các đại biểu nhất trí, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của tỉnh Nghệ An. Trong đó, tỉnh Nghệ An có 2 “cái được” lớn, đó là: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả tốt, trên địa bàn không có người nhiễm. Kinh tế - xã hội cơ bản ổn định, chỉ tiêu tăng trưởng và thu ngân sách thuộc trong những tỉnh, thành khá của toàn quốc.
Bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, như: Việc thực hiện các nghị quyết, cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế. Công tác thu ngân sách có tiến bộ song vẫn chưa thể cân đối chi thường xuyên, vẫn hụt thu. Vấn đề xử lý môi trường còn bất cập. An ninh, trật tự, đặc biệt là an toàn giao thông chưa đảm bảo. Việc thu hồi các dự án chậm tiến độ chưa quyết liệt, còn nhiều dự án treo.
Đại biểu HĐND tỉnh Trần Văn Hường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Thành Chung |
Nhận định về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng cuối năm 2020, nhiều đại biểu HĐND tỉnh cho rằng: Tình hình tăng trưởng KT-XH của tỉnh hiện đã có bước đi chắc chắn nhưng chưa có giải pháp đột phá; thu hút đầu tư chưa nổi bật; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng thời tiết; dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế, vấn đề việc làm và thu nhập của người dân chưa đảm bảo ổn định; cải cách thủ tục hành chính chưa tốt.
Các đại biểu đề nghị: 6 tháng cuối năm 2020, tỉnh Nghệ An và các huyện, thành, thị cần quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn xây dựng cơ bản, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. UBND tỉnh cần quan tâm công tác thu hút đầu tư về địa bàn tỉnh, đón đầu làn sóng đầu tư mới khi các nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch cơ sở sản xuất từ nước vùng dịch về Việt Nam.
Nóng vấn đề sau sáp nhập ở cơ sở
Đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng nêu ý kiến cần sớm có giải pháp đối với tình trạng thiếu, thừa nhà văn hóa và công sở hiện nay. Ảnh: Thành Chung |
Cũng theo đại biểu Hoàng Nghĩa Hùng: Cần sớm giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ nghỉ do dôi dư sau sáp nhập. Không thể kéo dài từ năm này sang năm khác, nếu không sẽ ảnh hưởng đến công tác dân vận, niềm tin, tư tưởng, chính trị trong nhân dân.
Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu HĐND tỉnh cũng nêu lên những bất cập ở cơ sở liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND, ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh.
Đại biểu HĐND tỉnh Đinh Thị An Phong (Nghi Lộc) nêu: Việc thực hiện Quyết định 14 khó khả thi do thủ tục hành chính rườm rà, gây khó cho cơ sở. Nếu áp dụng quyết định này, việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội sẽ giảm bớt, kém hiệu quả. Tỉnh cần nghiên cứu để tiếp tục thực hiện sao cho hiệu quả.
Đại biểu Đinh Thị An Phong nêu những bất cập trong việc thực hiện Quyết định 14/2020/QĐ-UBND. Ảnh: Thành Chung |
Riêng với vấn đề giải quyết chế độ cho cán bộ nghỉ do dôi dư sau sáp nhập hiện vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất, cần HĐND tỉnh sớm có định hướng.