Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị nghiên cứu sửa đổi chế độ cho những người hoạt động ở khối, xóm, bản

Mai Hoa 21/07/2020 10:20

(Baonghean.vn) - Phiên thảo luận tại hội trường trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, vấn đề "nóng" được nhiều đại biểu đặt ra liên quan đến việc thực hiện quy định về chế độ chi bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản.

Đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường

5 bất cập trong thực hiện chế độ cho các chi hội trưởng ở khối, xóm, bản

Liên quan đến vấn đề này, theo phân tích của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ có 5 bất cập. Cụ thể:

- Thứ nhất, cấp xóm không phải là cấp hành chính, không thể xây dựng được kế hoạch công việc cụ thể gắn với dự toán chi tiêu ngân sách (công việc của xóm thường xuyên phát sinh không thể lập kế hoạch trước).

- Thứ hai, việc của đoàn thể cấp xóm rất khó phân định rạch ròi đâu là việc của đoàn thể, đâu là việc của xóm (Ví dụ: Chi hội Phụ nữ xóm thực hiện chủ trương của Hội Phụ nữ cấp trên là đường hoa xóm NTM, đây là việc của xóm hay việc của đoàn thể...);

Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (thành phố Vinh) đặt ra vấn đề ở khối, xóm có nhiều đối tượng tham gia công việc chứ không riêng 5 chi hội trưởng 5 đoàn thể. Ảnh: Thành Cường

- Thứ ba, việc chi trả tiền bồi dưỡng theo hình thức chấm công là khó thực hiện, vì không thể đưa ra định mức hoạt động đoàn thể theo ngày công. Nếu tính theo công nhật thì ai sẽ là người đi theo cán bộ đoàn thể để chấm công;

- Thứ tư, việc đưa ra mức bồi dưỡng 50.000 - 100.000 đồng là chưa hợp lý kể cả tên gọi và mức chi, cũng như nguồn kinh phí đảm bảo (với mức 23 - 25 triệu đồng/đoàn thể/năm), với mức đó nếu tính chi cho ngày công thì không thể hoạt động được).

- Thứ năm, với phương án thực hiện trên thủ tục hết sức rườm rà, phức tạp, nếu phải tiếp tục thực hiện theo quy định trên buộc các xóm phải hợp thức hóa hồ sơ, lâu dài sẽ gây hệ lụy. Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh lại Quyết định 14/2020/QĐ-UBND.

Những vấn đề trên là bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND ngày 27/5/2020 của UBND tỉnh Nghệ An về mức chi bồi dưỡng và quy trình thực hiện mức chi bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh.


Đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (thị xã Thái Hòa) đề xuất UBND tỉnh nghiên cứu sửa đổi Quyết định 14/QĐ-UBND ngày 27/5/2020. Ảnh: Thành Cường

Đề xuất nghiên cứu điều chỉnh

Phiên thảo luận tại hội trường sáng 21/7, nhiều đại biểu tiếp tục đặt ra khó khăn trong thực tiễn thực hiện Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh.

Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền (thành phố Vinh), nêu ý kiến, trong Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND có quy định về đối tượng áp dụng là người trực tiếp tham gia công vệc ở khối, xóm, bản, trong đó, ưu tiêu chi hội trưởng của 5 đoàn thể Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Đoàn thanh niên.

Tuy nhiên, những người tham gia công việc thường xuyên ở khối, xóm, bản còn có Chi hội Chữ thập đỏ, Khuyến học, Tổ trưởng các tổ dân cư… Với số lượng người hoạt động ở khối, xóm hiện nay so với mức khoán theo Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND khó đảm bảo mức chi cho tất cả đối đối tượng.

Đại biểu Hoàng Văn Phi (Hưng Nguyên) cũng đề cập đến bất cập trong thực hiện chế độ cho những người hoạt động ở khối, xóm, bản. Ảnh: Thành Cường

Mặt khác, theo đại biểu Ngô Thị Thu Hiền, trong Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND quy định đối tượng ưu tiên, vậy đối tượng không thuộc diện ưu tiên là ai, đề nghị UBND tỉnh cần làm rõ? Đại biểu Ngô Thị Thu Hiền cũng đề nghị việc hướng dẫn lập dự toán khoán bồi dưỡng, không nên lập theo ngày công mà nên theo hoạt động của các tổ chức đoàn thể bởi mỗi đoàn thể có những hoạt động khác nhau.

Cũng quan tâm đến chế độ bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản, đại biểu Phan Thị Thanh Thủy (thị xã Thái Hòa) cho rằng, thực tiễn triển khai Quyết định số 14/2020/QĐ-UBND đang bất cập, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh quy định về mức chi, cách chi phù hơp, nếu không thay đổi thì dễ gây mất đoàn kết ở cơ sở.

Ông Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến các ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên thảo luận tổ và thảo luận tại hội trưởng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung giải trình và khẳng định, tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP quy định, ở khối, xóm, bản chỉ có 3 chức danh Bí thư chi bộ; Trưởng khối, xóm, bản và Trưởng Ban công tác Mặt trận được hướng phụ cấp hàng tháng; số còn lại không được hưởng phụ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, cũng có quy định tùy tình hình thực tế và ngân sách địa phương, các địa phương có thể đề ra mức bồi dưỡng cho những người hoạt động ở khối, xóm, bản.

Căn cứ Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và trên cơ sở Nghị quyết số 151/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về mức phụ cấp hàng tháng của chi hội trưởng các đoàn thể ở khối, xóm, bản trên địa bàn tỉnh được ban hành trước đó và tham khảo tại một số tỉnh trong cả nước, UBND tỉnh đã tính toán tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 22/2019/NQ-HĐND-UBND về mức khoán kinh phí hoạt động ở khối, xóm để khoán cho các tổ chức hoạt động có mức cao hơn theo Nghị quyết số 151/2014/NQ-HĐND thông qua hình thức bồi dưỡng theo ngày tham gia công việc trực tiếp ở xóm 50.000 - 100.000 đồng/ngày.

Toàn cảnh kỳ hop. Ảnh: Thành Cường

Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng khẳng định, mức chi bồi dưỡng 50.000 - 100.000 đồng/ngày tham gia công việc ở khối, xóm không phải trả theo ngày công lao động mà chỉ là chế độ bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở khối, xóm mang tính tự nguyện và tín nhiệm của người dân. Phó Giám đốc Sở Nội vụ cũng giải trình về thủ tục liên quan đến dự toán, thanh toán, yêu cầu các địa phương phải xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và thực hiện chấm công theo nguyên tắc, quy định về tài chính theo Luật Ngân sách.

Sau phần giải trình của Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Quốc Chung, đồng chí Cao Thị Hiền - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tọa kỳ họp khẳng định, việc thực hiện chế độ bồi dưỡng cho những người tham gia công việc ở khối, xóm, bản được thực hiện trên cơ sở các quy định của Trung ương.

Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn đang đặt ra nhiều bất cập, vì vậy, sau kỳ họp này đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài chính khảo sát, đánh giá lại thực tiễn để tháo gỡ, nếu chính sách đã đúng thì cần làm tốt công tác tuyên truyền để chính sách đi vào cuộc sống. Chủ tọa kỳ họp Cao Thị Hiền cũng nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong câu chuyện này.

Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh và yêu cầu của chủ tọa kỳ họp, ông Lê Đình Lý - Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ những khó khăn trong việc thực hiện thủ tục thanh, quyết toán để hưởng mức bồi dưỡng ở khối, xóm, bản, đồng thời tiếp thu và hứa sẽ phối hợp với Sở Tài chính và Kho bạc tỉnh điều chỉnh một cách phù hợp, đảm bảo thuận lợi trong thanh, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 14 của UBND tỉnh.

Mai Hoa