Nghệ An: Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, hoàn trả lưới điện nông thôn

Đức Dũng - Việt Hùng 21/07/2020 06:49

(Baonghean) - Đến nay, Nghệ An đã hoàn thành việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh cho ngành Điện quản lý. Tuy nhiên, với địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhiều nơi lưới điện hạ áp vẫn chưa được nâng cấp, cải tạo. Bên cạnh đó, việc chi trả tiền đền bù sau khi bàn giao lưới điện vẫn còn chậm...

Hơn 3.000 km đường dây hạ thế, nhánh rẽ cần nâng cấp

Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) là địa phương có mật độ dân cư đông với khoảng 2.600 công tơ điện cùng 12 trạm biến áp (trong đó 8 trạm phục vụ điện sinh hoạt và 4 trạm phục vụ nuôi tôm). Năm 2009, xã Quỳnh Thanh bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện quản lý. Sau khi bàn giao, hệ thống lưới điện đã được nâng cấp, chất lượng điện phục vụ người dân được đảm bảo. Tuy nhiên, tại địa bàn xã vẫn còn nhiều tồn tại như cột điện xuống cấp, đổ nghiêng, dây điện sà thấp xuống đường, đặc biệt có một số tuyến vẫn đang còn dây điện trần chưa được thay thế dây bọc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão.

Hệ thống lưới điện xuống cấp ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu).
Hệ thống lưới điện ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) cần được nâng cấp cải tạo, đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ sắp tới. Ảnh: Việt Hùng

Anh Hồ Văn Hưng ở xóm 10 cho biết, mặc dù thời gian qua ngành Điện lực đã quan tâm nâng cấp hệ thống lưới điện nhưng tại một số nơi vẫn còn tình trạng dây diện trần chưa được thay thế dây bọc để đảm bảo an toàn. Người dân mong muốn ngành Điện tiếp tục quan tâm, khắc phục những tồn tại trước khi mưa bão xảy ra.

Ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh cho biết, sau khi bàn giao cho ngành Điện lực quản lý, hệ thống lưới điện được nâng cấp, cải thiện hơn. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn khoảng 20% hệ thống lưới điện trên địa bàn xã chưa đáp ứng điều kiện an toàn cho người sử dụng khi hệ thống dây điện trần vẫn tồn tại ở các thôn, xóm. Ngoài ra, việc lắp đặt các hộp công tơ điện cách mặt đất khoảng 40 - 50 cm đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn về điện, trong đó chủ yếu ở xóm 12 và 13. Trước thực trạng trên, xã kiến nghị ngành Điện lực tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng điện tại địa bàn.

Không chỉ ở Quỳnh Thanh, nhiều địa bàn trên toàn tỉnh hiện nay, lưới điện hạ áp nông thôn một số nơi đã xuống cấp, gây mất an toàn, điện sinh hoạt yếu ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Theo số liệu của Công ty Điện lực Nghệ An, tính đến tháng 6/2020, Công ty đang quản lý 16.583 km đường dây hạ thế trên địa bàn tỉnh (trong đó có 10.631 km đường dây 0,4kV tiếp nhận khu vực nông thôn).

Có một thực tế là lưới điện trước khi được tiếp nhận về Công ty Điện lực quản lý, phần lớn do người dân tự đầu tư mang tính chất manh mún và không quy chuẩn, trong tình trạng quá tải và phần lớn xuống cấp, trong khi nhu cầu dùng điện tăng hơn 10% mỗi năm.

Công ty Điện lực Nghệ An thực hiện Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An
Công ty Điện lực Nghệ An thực hiện Dự án nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn tỉnh Nghệ An tại huyện Nghi Lộc. Ảnh: NPC

Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian qua, ngành Điện đã tập trung các nguồn vốn để đầu tư, cải tạo lưới điện. Hàng năm kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng vào lưới phân phối tỉnh Nghệ An, trong đó riêng lưới điện hạ áp từ năm 2010- 2019 đã đầu tư 4.300 tỷ đồng xây dựng gần 2.000 trạm biến áp. Hàng năm, Công ty Điện lực Nghệ An vẫn sử dụng nguồn sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên khắc phục những điểm trọng yếu để vận hành, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên lưới điện một số nơi vẫn trong tình trạng xuống cấp.

Hiện toàn tỉnh vẫn còn 3.882 km đường dây hạ thế, chủ yếu là nhánh rẽ chưa được cải tạo, tập trung ở địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn - Thái Hòa, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Yên Thành...

Chậm hoàn trả kinh phí đầu tư lưới điện nông thôn

Bên cạnh những thắc mắc về hạ tầng lưới điện, tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh vừa qua, nhiều ý kiến cũng kiến nghị việc sớm hoàn trả kinh phí đầu tư ban đầu, sau khi bàn giao quản lý lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện. Thực tế, việc chi trả tiền hỗ trợ, đền bù cho các địa phương sau khi bàn giao lưới điện nông thôn cho ngành điện lực còn chậm là tình trạng chung hiện nay. Như ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), năm 2017 đã bàn giao lưới điện cho ngành Điện lực quản lý, qua kiểm kê kinh phí đầu tư lưới điện trước khi bàn giao, tổng số tiền mà ngành Điện phải chi trả đền bù cho địa phương hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa được nhận tiền đền bù hoàn trả hệ thống lưới điện trên.

Ông Tô Duy Hiền - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Nghĩa cho biết, trước đây địa phương giao cho hợp tác xã dịch vụ điện năng xã quản lý lưới điện, mỗi hộ dân sử dụng là một thành viên. Khi cần đầu tư cải tạo lưới điện, các thành viên đều có trách nhiệm đóng góp xây dựng để từng bước nâng cao chất lượng điện. Do vậy, địa phương cũng mong muốn ngành Điện lực xem xét, giải quyết, chi trả tiền đền bù cho địa phương và đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng lưới điện, phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, công tác giao, nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến hết năm 2019 đã hoàn thành. Công ty Điện lực Nghệ An đã tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh (423/423 xã), với hơn 10.631 km đường dây hạ thế bán điện trực tiếp đến 669.892 hộ dân. Theo Quy định công tác hoàn trả vốn tại Thông tư 32 của liên Bộ Tài chính- Công Thương, các xã bàn giao theo nguyên tắc tăng giảm vốn chưa thuộc đối tượng hoàn trả. Ở Nghệ An có 88 xã thuộc diện hoàn trả với tổng giá trị gần 36 tỷ đồng.

Công ty Điện lực Nghệ An nâng cấp hạ tầng lưới điện ở khu vực miền núi huyện Kỳ Sơn.
Công ty Điện lực Nghệ An nâng cấp hạ tầng lưới điện ở khu vực miền núi huyện Kỳ Sơn. Ảnh:NPC

Để được hoàn trả thì các xã này phải lập hồ sơ hoàn trả theo những hướng dẫn được quy định tại các thông tư liên tịch của Bộ Tài chính-Công Thương, do một số quy định được cho là “đánh đố” như phải có giấy tờ, biên lai gốc trong quá trình đầu tư xây dựng lưới điện, nên trước tháng 05/2018, các xã không tập hợp được hồ sơ hoàn trả theo hướng dẫn Thông tư 06 và Thông tư 32 nên không thực hiện được việc hoàn trả.

Trước thực trạng này, Công ty Điện lực Nghệ An đã làm việc với Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc thống nhất phương án tháo gỡ đồng thời gửi các văn bản đến UBND các huyện, thị, thành và gửi trực tiếp đến các xã đề nghị đến Công ty để hướng dẫn lập hồ sơ hoàn trả. Đến nay, Công ty Điện lực Nghệ An đã nhận được 59 bộ hồ sơ (trong đó 54 bộ đạt yêu cầu, 5 bộ vướng mắc phải tiếp tục làm việc với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để tháo gỡ), còn 29 chủ tài sản chưa có hồ sơ để trình duyệt.

Theo hướng dẫn của Thông tư 06 và Thông tư 32, chủ tài sản phải lập hồ sơ hoàn trả làm căn cứ để phê duyệt thực hiện. Việc chậm hoàn trả bên cạnh những khó khăn do những quy định, thủ tục rườm rà, phức tạp, một phần cũng do các chủ tài sản chưa chủ động phối hợp với Công ty Điện lực để lập hồ sơ trình duyệt các cấp có thẩm quyền.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, tại các huyện đã thành lập hội đồng giao nhận và hoàn trả lưới điện hạ áp nông thôn. Đề nghị UBND các huyện đôn đốc và các xã thuộc diện hoàn trả chưa lập hồ sơ đến Công ty Điện lực Nghệ An để hướng dẫn tiếp tục thực hiện. Ngành Điện cũng sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác hoàn trả vốn lưới điện hạ áp nông thôn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hoàn trả vốn để đảm bảo quyền lợi cho các đơn vị đã bàn giao tài sản cho Công ty Điện lực Nghệ An quản lý.

Công nhân điện lực Nghệ An kiểm tra an toàn lưới điện. Ảnh tư liệu: Việt Phương

5 bộ hồ sơ còn vướng mắc trong hoàn trả kinh phí đầu tư lưới điện: Xã Nghĩa Xuân (Nghĩa Đàn), Quỳnh Thanh (Trạm 5, Quỳnh Lưu), Mai Hùng (HTX Toàn Thắng, Quỳnh Lưu), Hưng Lợi (Hưng Nguyên), Đô Thành (Yên Thành).

29 chủ tài sản chưa có hồ sơ trình duyệt để hoàn trả kinh phí: Diễn Châu: Xã Diễn Đoài, Diễn Lợi (HTX Quang Phú), Diễn Trường (HTX Trường Thành, Quyết Thắng), Diễn Lộc, Diễn Bích, Diễn Đồng, Diễn Thành (HTX Mai Thành); Yên Thành: Đồng Thành, Phú Thành, Lăng Thành; Nghĩa Đàn: Nghĩa Lạc, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hưng; Hưng Nguyên: Hưng Chính, Hưng Xuân, Hưng Long (RE2MR), Hưng Tiến, Hưng Xá; Nghi Lộc: Nghi Khánh, Nghi Thạch, Phúc Thọ, Nghi Kiều, Nghi Lâm; Quỳnh Lưu: Quỳnh Giang (TBA số 1+2), Quỳnh Thạch, Quỳnh Phương,Tiến Thủy, Quỳnh Lập, Sơn Hải (TBA số 1,2,3,4,5).


Đức Dũng - Việt Hùng