Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thị sát tình trạng hạn hán ở Nghệ An
(Baonghean.vn) - Chiều 21/7, đồng chí Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT trực tiếp kiểm tra tình hình hạn hán ở Nghệ An.
Cùng đi với đoàn về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở NN&PTNT…
HẠN HÁN GAY GẮT Ở NGHỆ AN
Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, từ tháng 5 đến nay, Nghệ An chịu ảnh hưởng của 5 đợt nắng nóng diện rộng và hiện đang còn tiếp diễn. Lượng mưa tiểu mãn không đáng kể.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác kiểm tra tại Bara Nam Đàn 2. Ảnh: Thành Duy |
Toàn tỉnh có 1.061 hồ chứa, trong đó, doanh nghiệp quản lý 97 hồ và địa phương quản lý 964 hồ. Tính đến ngày 19/7/2020, 97% hồ chứa do doanh nghiệp quản lý thiếu hụt nước so với dung tích thiết kế. Các hồ chứa nhỏ do xã, hợp tác xã quản lý chỉ đạt 20 -30% dung tích thiết kế.
Đặc biệt, có 234 hồ nhỏ đã xuống dưới cao trình mực nước chết. Trước tình hình đó, Nghệ An đã công bố tình trạng thiên tai do nắng nóng xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, diện tích lúa hè thu của tỉnh khoảng 90.000 ha. Hiện nay, diện tích thiếu nước khoảng 10%, trong đó, diện tích bị hạn nặng có khả năng lúa chết khoảng 5%, tương đương khoảng 4.500 ha.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế công trình đầu mối đập Bara Đô Lương. Ảnh: Thành Duy |
Để chống hạn, tỉnh chỉ đạo bằng nhiều giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài để ứng phó với hạn hán. Ngay từ đầu vụ, tỉnh đã chuyển đổi được hơn 2.000 ha đất lúa vùng cao cưỡng, khó khăn về nước sang trồng màu, những cây trồng khác tiết kiệm nước.
Hiện nay, Nghệ An chỉ đạo hồ Thủy điện Bản Vẽ ở thượng nguồn sông Lam xả nước để tạo nguồn. Bên cạnh đó, đối với nước thuộc hệ thống Thủy lợi Nam được chỉ đạo tổ chức tưới luân phiên cho các địa phương.
Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tranh thủ nạo vét luồng lạch; đặc biệt nạo vét, khơi thông dòng chảy, sử dụng trạm bơm dã chiến tận dụng các nguồn nước khác để tập trung cứu lúa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế công trình đầu mối đập Bara Đô Lương, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Đây là công trình đầu mối kết nối hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt cho các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu trao đổi với các giải pháp chống hạn. Video: Thành Duy |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác cũng đến khảo sát tại Bara Nam Đàn 2, đến xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Đây là công trình đầu mối cho hệ thống Thủy lợi Nam Nghệ An, cung cấp nước tưới cho vùng hạ lưu khu vực các huyện, thành, thị: Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TX. Cửa Lò, TP. Vinh và nước sinh hoạt cho nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay việc lấy nước từ sông Lam qua Bara Nam Đàn 2 đang gặp khó khăn. Nhân viên ở đây trực 24/24h để khi triều lên tranh thủ mở Bara Nam Đàn lấy nước tạo nguồn. Thế nhưng, mỗi ngày chỉ có thể lấy nước được 8 đến 10 tiếng.
Diện tích lúa bị hạn hán ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Duy |
Đoàn công tác của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã kiểm tra tình hình hạn hán tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, hiện nay, 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đang gặp hạn nặng nhất cả nước, trong đó Nghệ An là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ ĐỂ CHỐNG HẠN
Trao đổi về các giải pháp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Hiện tại khu vực Bắc Trung Bộ đang hoàn thiện một loạt các công trình để tăng cường năng lực cung cấp nước cho sản xuất. Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, Bộ đã chủ động định hướng cho các tỉnh hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Bộ NN&PTNT cũng đang cho rà soát liên hồ chứa để cung cấp nước từ hồ này sang hồ khác ở những nơi có thể; chỉ đạo tập trung một số khu vực có thể huy động trạm bơm để cung cấp nguồn nước, cố gắng giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho sản xuất nông nghiệp.
Công trình đầu mối đập Bara Đô Lương, xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy |
Ngoài ra, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ hiện có khoảng 46.600 hộ dân hiện rất khó khăn về nước. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để không một hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt như thiết lập các công trình dã chiến, thậm chí cung cấp nước trực tiếp đến người dân.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, về lâu dài phải thực hiện rà soát lại cân đối nguồn nước cho từng tỉnh và liên vùng để đảm bảo an ninh nguồn nước; rà soát lại cơ cấu kinh tế, tính toán đến nhu cầu sử dụng nước để có giải pháp tổng thể.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch liên hồ chứa, mục đích là để sử dụng các hệ thống công trình thủy lợi một cách có lợi nhất, chủ động nhất.
Cùng đó, phải rà soát tổng thể để có một quy hoạch tổng quan, căn cơ, bài bản hơn trước tác động tình hình biến đổi khí hậu xảy ra rất khắc nghiệt; đồng thời tính đến chuyển đổi cơ cấu kinh tế để từ đó có bài toán cân đối nguồn nước cho phù hợp.
Trong đó, riêng lĩnh vực nông nghiệp cố gắng lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi thích ứng được với những điều kiện tiêu dùng nước ít nhất, đồng bộ với đó là áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ để sử dụng nước hợp lý nhất.
“Đây là những biện pháp tổng hợp mà tới đây phải làm để góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Cũng tại huyện Nam Đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác và các đồng chí lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Nam Anh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo các giải pháp chống hạn. Video: Thành Duy |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đến thăm mô hình trồng dưa trong nhà lưới với diện tích 2.000m2 của anh Lê Cảnh Hiếu ở xã Nam Anh với mức đầu tư 600 triệu đồng. Mỗi năm anh làm 2 vụ, bình quân mỗi vụ mang lại lợi nhuận 100 triệu đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đến thăm mô hình trồng dưa lưới của anh Lê Cảnh Hiếu ở xã Nam Anh. Ảnh: Thành Duy |
Đoàn công tác của Bộ NN&PTNT cùng lãnh đạo tỉnh đã đến thăm Hợp tác xã Nam Anh chuyên sản xuất bột sắn dây an toàn.