Sau thế chấp ngân hàng, bìa đất rộng 12m 'biến' thành 8m

Hoài Thu 25/07/2020 09:44

(Baonghean.vn) - Thu hồi tài sản, cơ quan thi hành án Nghi Lộc tá hỏa phát hiện bìa đất thế chấp ngân hàng có chiều rộng 12m nhưng đo đạc thực tế chỉ có 8m. Bởi vậy, vụ việc kéo dài từ năm 2013 đến nay chưa giải quyết được.

Nhiều vụ việc vướng mắc kéo dài

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh cho biết, tuy số vụ việc thi hành án (THA) thành công liên quan các tổ chức tín dụng, ngân hàng năm sau đều cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc cần phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan thì mới có thể giải quyết dứt điểm. Đơn cử như vụ việc THA liên quan Công ty TNHH Thanh Huyền ở TP. Vinh.

Theo đó, tháng 4/2013, theo phán quyết của TAND TP. Vinh, Chi cục THADS huyện Nghi Lộc ra quyết định thi hành án buộc Công ty TNHH Thanh Huyền (số 152, đường Nguyễn Văn Cừ, TP.Vinh) phải trả cho Ngân hàng TMCPXNK Việt Nam số tiền gốc và lãi hơn 3,5 tỷ đồng. Do Công ty TNHH Thanh Huyền không có khả năng thi hành án nên chấp hành viên đã kê biên tài sản thế chấp của bà Huyền gồm nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất có diện tích 853m2 tại xóm Thái Thịnh, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Quá trình xử lý tài sản Chi cục THADS huyện Nghi Lộc phát hiện thực tế thửa đất của bà Huyền được cấp giấy CNQSD đất không đúng hiện trạng so với thửa đất bà Huyền và chồng được nhận chuyển nhượng.

Nghĩa là bìa thế chấp tại ngân hàng có chiều rộng 12m, nhưng đo thực tế chỉ có 8m, 4m còn lại thuộc phần đất và nhà của bà Trương Thị Tịnh kề bên. UBND huyện Nghi Lộc cũng đã xác nhận là do sai sót, trong khi thực hiện thủ tục cấp GCNQSD đất cho bà Nguyễn Thanh Huyền và chồng đã lấn sang đất của bà Trương Thị Tịnh với kích thước 4m. Song, đến nay cấp có thẩm quyền chưa có quyết định điều chỉnh, sửa đổi khiến vụ việc này vẫn “treo” chưa giải quyết được

Cán bộ cơ quan Thi hành án đi xác minh giải quyết vụ việc ở cơ sở. Ảnh: Thu Trang

Hoặc như vụ việc liên quan ông Võ Văn Dũng ở TX. Cửa Lò. Tháng 9/ 2017, ông Dũng thế chấp tài sản gồm nhà và Giấy CNQSDĐ để vay mượn tiền; sau đó không trả được nợ nên bên cho vay khởi kiện ra tòa án.

Năm 2017, Tòa án nhân dân thị xã Cửa Lò đã buộc ông Võ Văn Dũng phải trả cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) số tiền gốc và lãi tính đến hết ngày 29/9/2017 là hơn 834 triệu đồng (trong đó tiền gốc là 500 triệu đồng). Sau khi tòa tuyên án, ông Dũng cũng không có khả năng trả được nợ nên Công ty VAMC đã yêu cầu cơ quan thi hành phát mại tài sản thế chấp gồm quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa đất số 456, tờ bản đồ số 16, diện tích 198,5m2 do UBND thị xã Cửa Lò cấp ngày 02/11/2011 mang tên ông Võ Văn Dũng tại khối 12, phường Nghi Hương.

Số lượng án tín dụng, ngân hàng hàng năm các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) Nghệ An phải giải quyết tuy chiếm bình quân 1,5% số lượng vụ việc, nhưng lại chiếm 60% về lượng tiền. Và những vụ việc có vướng mắc, phức tạp, kéo dài thường là những vụ việc có số lượng tiền phải thi hành án lớn".

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án, do ông Võ Văn Dũng không tự nguyện thi hành, nên tháng 5/2018, Chi cục THADS thị xã Cửa Lò đã ra Quyết định cưỡng chế kê biên; tài sản được thẩm định với giá hơn 752 triệu đồng để bán đấu giá và một người dân ở phường Nghi Tân đã mua trúng đấu giá với mức 775 triệu đồng. Song, ông Võ Văn Dũng không chịu bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá, thậm chí chống trả quyết liệt. Bởi vậy, Chi cục THA Cửa Lò đã phải báo cáo Ban chỉ đạo THADS thị xã cùng các cơ quan liên quan để vừa thuyết phục, vận động vừa cưỡng chế thì vụ việc mới được giải quyết vào tháng 7/2019.

Từ năm 2015 đến nay, các việc tổ chức THA cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng đã đạt thụ lý 618 việc, tương ứng số tiền hơn 1.654 tỷ đồng; trong đó có điều kiện thi hành 506 việc, tương ứng số tiền hơn 1.419 tỷ đồng. Đến nay đã có 234 việc giải quyết xong, tương ứng số tiền trên 730 tỷ đồng.

Tăng phối hợp để “gỡ” khó

Những vụ việc trên là một trong những vụ án liên quan tranh chấp đất đai, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng thường phức tạp, nên công tác thi hành án liên quan nội dung này cũng gặp phải những vướng mắc

Tại cuộc làm việc giữa Cục THADS tỉnh và các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh vào ngày 9/7 vừa qua, đại diện các bên tham gia cũng đã có nhiều ý kiến về vụ việc của Công ty Thanh Huyền, đồng thời đề nghị các bên cần nhận diện thêm các vướng mắc cần “gỡ” trong THA tín dụng, ngân hàng để có biện pháp hiệu quả. Nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng đã chỉ ra các bất cập cần tháo gỡ như: tình trạng tài sản thế chấp là của bên thứ ba khiến đương sự không hợp tác, thậm chí chống đối như trường hợp ông Võ Văn Dũng.

Cưỡng chế thi hành án vụ việc liên quan tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện Nghi Lộc. Ảnh tư liệu Quang Dũng

Nhiều tài sản sau khi kê biên đấu giá không có người mua. Ví như vụ việc liên quan ông Trần Hữu Danh ở TP. Vinh, tài sản bị kê biên của ông Danh khi đưa ra đấu giá đã giảm giá đến lần thứ 12 vẫn không có người mua. Thậm chí có vụ việc giảm giá đến 22 lần vẫn không phát mại được tài sản.

Một vướng mắc nữa đó là việc tính pháp lý của tài sản thế chấp, nhất là quyền sử dụng đất, rất nhiều vụ việc chưa rõ ràng, có tranh chấp nên không THA được. Ví như vụ công ty Thanh Huyền. Bên cạnh đó, chất lượng, quy trình thẩm định cho vay vốn của một số ngân hàng, tổ chức tín dụng chưa đảm bảo, dẫn đến giá trị tài sản tại thời điểm kê biên thấp hơn nhiều so với khoản nợ vay. Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng chưa phối hợp tích cực, thiếu chia sẻ với cơ quan THA.

Thậm chí còn có tổ chức tín dụng còn ký hợp đồng với tổ chức thừa phát lại để thi hành án, khi gặp khó mới đề nghị cơ quan THA thực hiện. Một tình trạng thường gặp khác gây khó cho công tác THA đó là các tài sản đảm bảo cho khoản vay như xe ô tô, máy xúc… không xác định được địa chỉ nên không thể thi hành án để thu hồi. Tính đến nay có 18 vụ việc tài sản “mất tích” tương đương số tiền hơn 258 tỷ đồng chưa được thi hành…

Cục THADS tỉnh làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Hoài Thu
Cục THADS tỉnh làm việc với các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tháo gỡ vướng mắc. Ảnh: Hoài Thu

Để “gỡ” những vướng mắc liên quan THA tín dụng, ngân hàng, ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An cho rằng, mỗi ngân hàng, mỗi tổ chức tín dụng đều có cấp trên khác nhau, có cách xử lý nợ khác nhau. Vì vậy, bên cạnh các chi cục THA và các tổ chức tín dụng, ngân hàng thì còn cần phải có thêm sự trao đổi, phối hợp giữa nhiều sở, ngành, địa phương khác để tìm cơ chế hỗ trợ, cơ chế hợp tác giúp THA hiệu quả hơn.

Ông Phạm Quốc Nam - Cục trưởng Cục THADS tỉnh cũng cho biết, thời gian tới Cục THADS tỉnh sẽ sửa đổi bổ sung quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An để tăng hiệu quả THADS, nhất là án liên quan tín dụng ngân hàng. “Chỉ có tăng cường phối hợp, thường xuyên trao đổi giữa cơ quan THA với các tổ chức tín dụng, ngân hành cũng như các bên liên quan mới có thể giải quyết nhanh chóng các vụ việc, không để tồn đọng, kéo dài” - ông Phạm Quốc Nam khẳng định.

Hoài Thu