‘Đường khai thác keo’ hay đường khai thác trái phép quặng đá thạch anh?
Nhật Lân•28/07/2020 17:54
(Baonghean.vn) - Sau khi Báo Nghệ An thông tin tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh tại khu vực bản Poòng, xã Châu Hồng, vào ngày 22/7/2020, UBND huyện Quỳ Hợp có Văn bản số 705/UBND-TNMT báo cáo kết quả kiểm tra nội dung báo phản ánh, trong đó cho rằng tuyến đường mà báo phản ánh là tuyến đường dân mở để vận chuyển cây keo...
(Baonghean.vn) - Khu vực có tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh là tại một xã thuộc huyện vùng núi của tỉnh Nghệ An. Thông tin ban đầu, hành vi khai thác trái phép quặng đá thạch anh có từ thời điểm toàn xã hội thực hiện giãn cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các ngày 15 - 16/7/2020, Báo Nghệ An điện tử đăng tải các tin, bài: "Phát lộ vụ khai thác trái phép quặng thạch anh ở Nghệ An"; "Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng thạch anh ở Nghệ An".
Ngày 22/7/2020, UBND huyện Quỳ Hợp có Văn bản số 705/UBND-TNMT báo cáo kết quả kiểm tra nội dung báo phản ánh (Báo Nghệ An thông tin đầy đủ Văn bản số 705/UBND-TNMT ở một bài viết khác). Trong đó cho rằng, con đường vào khu vực có dấu hiệu khai thác trái phép quặng đá thạch anh mà Báo Nghệ An mô tả trong các tin, bài là do người dân “nâng cấp mở rộng và hạ độ cao, thuận lợi hơn cho quá trình vào vận chuyển keo”. Vậy sự thật con đường ấy nhằm phục vụ vào mục đích gì? Dưới đây là hình ảnh được thực hiện bởi PV Báo Nghệ An trong quá trình hậu kiểm nhằm trả lời cho câu hỏi này?
Như Báo Nghệ An mô tả trong bài viết "Làm rõ vụ khai thác trái phép quặng thạch anh ở Nghệ An", con đường vào khu vực có tình trạng khai thác trái phép quặng đá thạch anh ở chân núi Lan Toong được nối với con khe cạn ở cầu Châu Hồng 1, thuộc xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Nhật Lân
Con đường này có bề mặt khá rộng, khoảng 5m, được mở trên đất lâm nghiệp của hộ gia đình trú tại bản Poòng, xã Châu Hồng. Có nhiều vị trí do nền đất yếu đã được rải đá. Ảnh: Nhật Lân
Để tuyến đường bớt dốc cao, người ta đã cắt hạ đất và đá núi. Có những vị trí được cắt hạ tới 6 - 7m. Ảnh: CTV
Với chiều dài tuyến đường dài khoảng hơn 1 km. Ước tính, sẽ ảnh hưởng tới khoảng xấp xỉ gần 1 ha đất lâm nghiệp. Ảnh: Nhật Lân
Việc mở đường khiến hộ dân liên quan bị ảnh hưởng tới cây keo. Thể hiện rõ điều này bởi bên taly âm còn không ít cây keo nghiêng đổ. Ảnh: Nhật Lân
Cũng vì mở đường, một số cây keo đã bị ngã đổ trong trận mưa ngày 26/7/2020. Ảnh: Nhật Lân
Đoạn cuối cung đường có hai nhánh rõ ràng. Ảnh: Nhật Lân
Một nhánh, lối đi hẹp chỉ đủ cho các loại xe tải nhỏ lên khu vực đồi đã thu hoạch keo rộng chừng khoảng dăm ha. Vùng đồi này đã được trồng cây keo non. Ảnh: Nhật Lân
Nhánh còn lại, đủ rộng cho xe tải trọng lớn quay trở, dẫn vào một khu vực có tình trạng đào bới, khai thác trái phép. Một người dân bản Poòng có nhà ở ngay đầu tuyến đường cho biết, tuyến đường này do một nhóm khai thác quặng đá thực hiện từ cuối năm 2019. Ảnh: Nhật Lân.
Quặng đá ở đây cũng không chỉ là loại đá "mồ côi" có kích thước nhỏ, mà có cả những khối lớn cắm vào lòng núi. Để khai thác, các đối tượng phải sử dụng mìn. Ảnh: Nhật Lân
Trên khu vực có tình trạng đào bới, những người cùng đi hậu kiểm (là cán bộ huyện Quỳ Hợp) nhặt được những viên đá hình thù bắt mắt, trong suốt. Và họ gọi tên đó là đá thạch anh. Ảnh: Nhật Lân