Xúc động tâm thư của một cựu cán bộ ngành Tuyên giáo Nghệ An
(Baonghean.vn) - Bức tâm thư nêu bật nhiệm vụ, sứ mệnh của người cán bộ tuyên giáo, thể hiện kỳ vọng gửi gắm tới lãnh đạo, tập thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An. Đó là những dòng, những chữ như rút từ gan ruột của thầy giáo Trần Văn Thìn ở thôn Minh Tân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Dưới đây là trích bức thư của thầy giáo Trần Văn Thìn, thôn Minh Tân, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương - nguyên cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An giai đoạn 1969 - 1982 gửi lãnh đạo và toàn thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của ngành:
"Tháng 5 năm 1969, tôi chân ướt chân ráo về "Ban" (Ban Tuyên giáo) công tác cho đến tháng 8/1982, tôi có quyết định chuyển về công tác tại Trường cấp 3 huyện Thanh Chương. Tuy xa Ban đã 40 năm nhưng thời gian công tác tại Ban đã để lại trong tôi những bài học bổ ích, nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống. Hằng năm, cứ mỗi dịp đến ngày truyền thống của ngành, tôi thường nhắc mình: Những ai là Trưởng, là Phó Ban? Ai ở Nghệ An, Hà Tĩnh?; Ai ở vùng xuôi, miền ngược; Ai chuyển công tác; Ai mất, ai còn?...
Cựu cán bộ Tuyên giáo Nghệ - Tĩnh dâng hoa, dâng hương, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh tư liệu: Nguyễn Trọng Hà |
12 năm sống và làm việc ở Ban có biết bao nhiêu là kỷ niệm chung, riêng trong công tác, trong sinh hoạt hàng ngày, song sâu sắc nhất là những chuyến đi thực tế chỉ đạo ở cơ sở mà tổ nào, cán bộ nào cũng có điểm phụ trách của mình, có chuyên đề nghiên cứu…
Chúng tôi luôn đặt câu hỏi, về cơ sở mình đã làm được gì? Có kết quả hay còn sơ suất; có những gì mình cần rút kinh nghiệm? Chính từ những chuyến đi cơ sở, từ những nghị quyết của Đảng đến thông tin thời sự… mà người cán bộ tuyên giáo mới có dịp truyền đạt với mọi người; rồi cũng qua những chuyến đi này, chứng kiến cơ sở thực hiện như thế nào để đánh giá các nghị quyết đã đi vào cuộc sống đến đâu!
Cũng qua những chuyến đi cơ sở, người cán bộ mới được gần, hiểu dân hơn, nhất là những tâm tư, suy nghĩ, đề xuất của dân với Đảng, với Nhà nước. Cũng từ đó mà cán bộ của Ban được nâng lên về tư tưởng, phẩm chất và nâng cao năng lực, vốn sống, kỹ năng… Để có những chuyến đi cơ sở, trước đó chúng tôi đã phải chuẩn bị, nào là tài liệu, đề cương cho đến phương tiện là xe đạp. Cứ mỗi chuyến đi về rồi cơ quan lại họp bàn, rút kinh nghiệm nên mỗi người đều thấy như được trưởng thành hơn.
Bức thư thầy giáo Trần Văn Thìn gửi lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của ngành. |
Khó nói hết được những khó khăn của những năm cuối thế kỷ 20, đặc biệt là điểm Trường cấp 3 Thanh Quả, Thanh Chương, nơi tôi được luân chuyển về công tác, khó khăn chồng chất khó khăn… Nhưng là một đảng viên, một cán bộ tuyên giáo… thì càng không thể cho phép tôi chùn bước trước bất cứ khó khăn nào.
Có đường lối của Đảng, tôi đem kinh nghiệm của cán bộ tuyên giáo một thời truyền đạt cho phụ huynh hiểu, phụ huynh tin mà ủng hộ cho chuyện không cho con bỏ học với quyết tâm giữ vững sĩ số các lớp, không để trường rơi vào nguy cơ giải thể. Lại được các cấp ủy lãnh đạo, sự quan tâm quản lý sáng suốt của ngành Giáo dục, nên trường chúng tôi đã vượt qua được khó khăn, lớn dần lên về mọi mặt.
Nay, tôi đã nghỉ hưu nhưng vẫn được tổ chức cử làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Hội Cựu giáo chức xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương; được tham gia sinh hoạt các kỳ họp HĐND, UBND, Đảng bộ… Bản thân tôi bao giờ cũng tham gia phát biểu, nêu đề xuất ý kiến với tinh thần xây dựng vì sự nghiệp chung của Dân, của Nước, của Đảng…. Nhưng điều làm tôi có niềm vui nhất là mỗi khi trực tiếp hoặc gián tiếp nghe một số người nói về mình, rằng: "Ông nớ trước ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy! Thầy nớ ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cử về"…