Nam Đàn đoàn kết, chung sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu

PV 13/08/2020 16:42

(Baonghean.vn) - Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXVII, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc phỏng vấn với đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn để đánh giá lại những kết quả đã đạt được và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới.

PV: Thưa đồng chí Bí thư Huyện ủy, nhiệm kỳ vừa qua, huyện Nam Đàn đã về đích sớm trên nhiều lĩnh vực và vinh dự được Chính phủ chọn xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là nhiệm kỳ huyện Nam Đàn có những bước tiến vượt bậc ở nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt và đời sống nhân dân huyện nhà. Đồng chí hãy nói rõ hơn những kết quả nổi bật mà huyện Nam Đàn đã đạt được trong 5 năm vừa qua.

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa: Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã đoàn kết, nỗ lực thi đua với tinh thần phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, khơi dậy mạnh mẽ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nên đã giành được kết quả tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Nổi bật:

Lĩnh vực kinh tế: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 10,1%/năm.

Trong đó, nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 3,92%/năm; công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14,16%/năm; dịch vụ tăng bình quân 12,01%/năm; giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 8.535,35 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11,08%/năm.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản giảm từ 43,06% năm 2015 xuống 31,22% năm 2020; công nghiệp - xây dựng từ 26,99% năm 2015 tăng lên 33,35% và dịch vụ từ 29,95% tăng lên 35,43%.

Với những kết quả đó, sau 5 năm, thu nhập bình quân của huyện Nam Đàn ước đạt 55 triệu đồng/người/năm (tăng 25 triệu đồng so với năm 2015). Tổng thu ngân sách tăng bình quân của huyện là 8,07%/năm; với dự kiến thu ngân sách năm 2020 là 107,145 tỷ đồng, vượt mục tiêu đại hội đề ra và tăng 47% so với năm 2015.

Trong chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới với những bước đột phá quan trọng để khai thác thế mạnh về nông, lâm, thủy sản và phát triển nông thôn. Đó là thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Cơ cấu cây trồng chuyển đổi tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, chuyển đổi vùng sâu trũng, vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen, cây dược liệu, cây ăn quả gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi hàng hóa cho thu nhập cao. Các mô hình nhà lưới công nghệ cao, nhiều mô hình kinh tế trang trại được đầu tư xây dựng và nhân rộng.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, năng lực sản xuất tăng và quy mô mở rộng. Đặc biệt, trong những năm qua đã thu hút được nhiều nhà máy vào các cụm công nghiệp trên địa bàn như: Nhà máy giày da xuất khẩu, Công ty TNHH Haivina Kim Liên, Công ty CP Dệt may Hanosimex chi nhánh Nam Đàn,... đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Ngành nghề TTCN phát triển ổn định và có thêm nhiều sản phẩm có giá trị thương hiệu, chất lượng tốt, đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3-4 sao như: Tương Sa Nam, thực dưỡng từ gạo, đỗ, lạc; sản phẩm từ chanh, sản phẩm từ sen, tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây; sản phẩm mộc cao cấp, vật liệu xây dựng... tạo nhiều việc làm cho người lao động, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và phát triển thành sản phẩm phục vụ khách du lịch.

Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội cũng được quan tâm vớitổng nguồn vốn đã huy động xây dựng hạ tầng kinh tế huyện là 3.021 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 1.500 tỷ đồng. Nhờ đó, đã xây dựng các công trình trọng điểm như cầu Yên Xuân, hạ tầng vùng ngập lũ 5 Nam, đường vành đai phía Bắc,... tạo bước đột phá để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống dân sinh và xây dựng thành công huyện nông thôn mới.

Dịch vụ thương mại phát triển nhanh về số lượng và loại hình, nhất là dịch vụ ăn uống, hàng tiêu dùng; xây dựng được các trung tâm thương mại, siêu thị... đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân. Dịch vụ du lịch có nhiều tiến bộ, hàng năm đón trên 2,5 triệu lượt khách tham quan, doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 400 tỷ đồng/năm.

Song song với lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể đã vào cuộc tích cực với nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2020 dự kiến còn 1,46%. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo và việc làm được quan tâm và có nhiều kết quả tích cực. Các vấn đề chính sách, an sinh xã hội được chú trọng; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...

Với sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, năm 2017 huyện Nam Đàn đã được công nhận huyện nông nông mới, về đích trước 3 năm so với mục tiêu đại hội đề ra. Năm 2019, Nam Đàn là một trong những huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ chọn thí điểm xây dựng huyện Nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025.

PV: Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là sự nỗ lực lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn. Đây cũng là nhiệm kỳ mà Đảng bộ huyện đã có nhiều chỉ thị, nhiều chương trình hành động được triển khai sát thực và hiệu quả. Vậy, theo đồng chí yếu tố nào để tạo nên những thành công cho huyện Nam Đàn?

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hoa: Để đạt được kết quả đó, điều cốt lõi nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã biết phát huy khối đại đoàn kết, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của nhân dân, phát huy sức mạnh của quần chúng trong thực hiện các nhiệm vụ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy từ huyện đến cơ sở thể hiện tính bao quát, toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, những vấn đề cấp thiết trong từng thời gian để tập trung nguồn lực và triển khai thực hiện có hiệu quả. Mọi chủ trương đều được bàn bạc, thống nhất cao và thực hiện theo nguyên tắc tập trung, dân chủ.

Bên cạnh đó, huyện xác định để thực hiện thành công các chỉ tiêu, nhiệm vụ thì yếu tố con người là rất quan trọng. Vì vậy, phải lựa chọn, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, có bản lĩnh, có uy tín; đặc biệt chú trọng đánh giá đúng và sử dụng đúng cán bộ. Việc bố trí cán bộ phải công tâm, thực chất, khách quan; đảm bảo đúng người, đúng việc và phát huy được sở trường, năng lực công tác của mỗi người, tạo động lực để cán bộ chuyên tâm làm việc, cống hiến, xây dựng quê hương. Song song với đó, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng và đảng viên. Để dân tin, bên cạnh việc nêu cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nêu gương và làm gương của người lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, huyện cũng cương quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, ngăn ngừa, hạn chế vi phạm, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, góp phần tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong nhiệm kỳ qua, huyện cũng đã xây dựng nhiều chương trình hành động thiết thực và hiệu quả, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Việc quán triệt, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng được các cấp ủy thực hiện nghiêm túc, kịp thời; gắn việc học tập, quán triệt với triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát với thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ chính trị nên các chủ trương, nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống.

Để kịp thời và sâu sát, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc lắng nghe ý kiến của người dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân, lựa chọn những việc bức xúc, những địa bàn phức tạp để thực hiện. Từ đó, kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, những vấn đề phát sinh ở cơ sở, tạo niềm tin và mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền các cấp.

Để có được những kết quả trên, trong nhiệm kỳ qua, Nam Đàn đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát, có những chủ trương, chính sách đặc thù tập trung cho Nam Đàn phát triển. Cụ thể là: Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An về phương hướng, nhiệm vụ phát triển huyện Nam Đàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 307/NQ-HĐND ngày 10/7/2010 của HĐND tỉnh về một số cơ chế chính sách hỗ trợ huyện Nam Đàn phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và Quyết định số 17/QĐ-TTg ngày 04/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án thí điểm "Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch”, giai đoạn 2018 - 2025.

Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã cụ thể hóa bằng những đề án, kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện; đồng thời Nam Đàn đã có sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp đi đôi với thực hiện tốt công tác xã hội hóa tạo nguồn lực để phát triển.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

PV