'Bức tường thành' phòng chống Covid - 19 nơi biên viễn

Thanh Sơn - Thành Cường 22/08/2020 11:47

(Baonghean.vn) - Thời gian qua, biên phòng Nghệ An đã hình thành những chốt chặn trên biên giới và ngăn chặn nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, chặn đứng nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập vào nội địa. Không những thế, các cán bộ, chiến sĩ còn thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” giúp cho nhân dân 2 bên biên giới chống dịch, phát triển kinh tế.

Nguy cơ ở đường biên

Chiều 11/8, tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã phối hợp cùng các lực lượng chức năng bắt giữ đối tượng Đậu Xuân Chung (sinh năm 1980, hộ khẩu thường trú tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc) đã có hành vi nhập cảnh trái phép từ Lào về Việt Nam. Qua đấu tranh khai thác, Đậu Xuân Chung đã khai nhận được Lầu Bá Chù (sinh năm 1989, trú tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới về, với số tiền công 3,5 triệu đồng... Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã bắt giữ khẩn cấp, khởi tố đối tượng Lầu Bá Chù theo quy định của pháp luật.

Đối tượng Lầu Bá Chù (sinh năm 1989, trú tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn) tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép từ bên kia biên giới. Ảnh tư liệu Hải Thượng

Kể từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng người Việt Nam đang làm ăn, sinh sống tại Lào về nước tránh dịch rất đông. Đại đa số người dân tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh cũng như phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những người chấp hành tốt, vẫn có khá nhiều đối tượng vì không muốn thực hiện cách ly phòng dịch Covid-19 đã tìm cách nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở... Với vụ việc bắt giữ đối tượng Lầu Bá Chù, lần đầu tiên ở Nghệ An xuất hiện loại hình tội phạm tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép trốn quy định phòng dịch.

Trung tá Trịnh Văn Quế - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn cho biết: “Phòng, chống Covid-19, đồn đã duy trì nghiêm các hoạt động kiểm tra, kiểm soát tại khu vực cửa khẩu, đo thân nhiệt để kịp thời phân luồng, cách ly những công dân nhập cảnh từ bên kia biên giới về Việt Nam. Ngoài ra, đồn thành lập 6 chốt kiểm soát, từ Cột mốc 403 đến Cột mốc 406 kiểm soát chặt biên giới, không để người dân vượt biên trái phép tại các đường mòn, lối mở; đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương tuyên truyền đến tận người dân để nhân dân nhận biết cách phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, đồn còn tiến hành trao đổi thông tin tình hình thường xuyên với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào, qua đó nắm chắc tình hình, diễn biến của dịch Covid-19 để có các phương án ứng phó kịp thời”.

Lực lượng bộ đội biên phòng tuần tra trên các đường mòn lối mở. Ảnh: Thành Cường
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn tuần tra trên các đường mòn, lối mở. Ảnh: Thành Cường

Từ đầu năm đến nay, 6 chốt kiểm soát của đồn đã ngăn chặn được 26 vụ nhập cảnh, vượt biên trái phép, xử lý 47 đối tượng, xử phạt 154 triệu đồng, khởi tố 1 đối tượng theo quy định của pháp luật... Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, số người Việt Nam về nước, công dân Lào sang học tập và lao động tại Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên. “Bên cạnh những người nhập cảnh hợp pháp, thì vẫn có không ít đối tượng vẫn đang tìm cách nhập cảnh trái phép để trốn cách ly và cũng không loại trừ có những đối tượng vẫn muốn tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép thu lợi, bất chất nguy cơ dịch”, Trung tá Trịnh Văn Quế cho hay.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào dài 468 km ở Nghệ An, ở bất cứ nơi đâu cũng xuất hiện nguy cơ Covid-19 xâm nhập. Bên cạnh những người Việt tìm cách về nước qua các đường mòn, lối mở thì vẫn còn có những người Lào sang Việt thăm thân. Thượng tá Hoàng Văn Huy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thông Thụ chia sẻ: Phòng, chống nguy cơ Covid-19 xâm nhập nội địa qua những đối tượng nhập cảnh trái phép, đồn đã thực hiện ứng trực 100% quân số; thành lập 5 chốt kiểm soát; thực hiện tuần tra, kiểm soát trên tuyến biên giới phụ trách, ngăn chặn các hoạt động vượt biên trái phép. Qua đó, đồn đã phát hiện, xử phạt hành chính 20 vụ với 47 đối tượng, xử phạt 153,3 triệu đồng; đưa các đối tượng này về cách ly phòng dịch theo đúng quy định.

Ảnh: Thành Cường
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thông Thụ tuần tra trên sông, ngăn người dân xuất, nhập cảnh trái phép, phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Thượng tá Hoàng Văn Huy cảnh báo nguy cơ: “Số lượng công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Lào nói chung và tỉnh Hủa Phắn nói riêng đang có nhu cầu về nước rất đông. Theo quy định, những công dân này muốn về nước cần phải đăng ký nguyện vọng xin về nước tại Đại sứ quán và các Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Lào; thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan của Lào và Việt Nam về phòng, chống dịch Covid-19; khi về nước phải qua các cửa khẩu quốc tế... Từ thực tế này, đã xuất hiện hiện tượng có những người không muốn mất thời gian đăng ký nguyện vọng, mất nhiều kinh phí di chuyển đến cửa khẩu quốc tế nên “liều mình” “năm ăn, năm thua” nhập cảnh trái phép. Nếu nhập cảnh thành công thì họ trốn cách ly; nếu bị bắt giữ thì họ sẵn sàng chịu phạt vi phạm hành chính”.

Căng sức thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”

Biên giới mùa này, thời tiết khắc nghiệt vô cùng: Buổi sáng sương mù, trưa nóng bức, chiều lại mưa tầm tã do ảnh hưởng khí hậu của Lào... Trên các chốt chặn, điều kiện sống của các cán bộ, chiến sĩ còn thiếu thốn nhiều từ nước sạch cho đến lương thực, sóng điện thoại và lều bạt tạm bợ dẫu các đồn biên phòng đã chủ động “thực túc, binh cường".

Ảnh: Thành Cường
Lực lượng bộ đội biên phòng "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Thành Cường

Khó khăn trên chốt đường biên là vậy song ở những vùng trực thuộc địa bàn các đồn phụ trách, công việc cũng không dễ dàng gì. Ở các xã vùng biên, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, dân trí thấp, tệ nạn xã hội không ít. Duy trì cuộc sống, người dân các xã đặc biệt là những lao động trẻ vẫn thường ly hương, đi làm ăn xa. Trong bối cảnh dịch, những người này quay về và rất có thể theo mầm bệnh. Thượng tá Hoàng Quốc Huy cho biết thêm: “Phòng, chống dịch Covid-19, đồn đã tích cực phối hợp cùng các ban, ngành, địa phương nắm bắt và tuyên truyền đến các đối tượng đi làm ăn xa trở về thực hiện khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe và hướng dẫn cách ly tại gia đình, cơ sở y tế. Cụ thể cán bộ, chiến sĩ đồn đã phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền từng đối tượng. Từ đầu năm đến nay, đồn đã thực hiện tuyên truyền, kiểm tra sức khỏe, khai báo y tế cho trên 1.600 lượt người”.

Căng sức phòng, chống dịch Covid-19 nhưng các đồn biên phòng không có giây phút nào lơ là quên đi việc thực hiện các nhiệm vụ trọng yếu khác như bảo vệ mốc giới, phòng, chống tệ nạn và tội phạm ma túy, giúp người dân 2 bên biên giới chống dịch và phát triển kinh tế. Riêng với Đồn Biên phòng Thông Thụ, từ đầu năm tới nay, đơn vị đã vận động các cá nhân, tổ chức ủng hộ, thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ và người dân trên địa bàn tổng số tiền gần 90 triệu đồng; tặng 2 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm phòng, chống dịch Covid-19 cho 2 bản kết nghĩa Nậm Táy và Pà Pục (Lào) trị giá 35 triệu đồng.

Cán bộ Đồn biên phòng Hạnh dịch phát khẩu trang và tuyên truyền về dịch bệnh viêm phổi cấp.
Cán bộ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch phát khẩu trang và tuyên truyền về dịch bệnh viêm phổi cấp. Ảnh tư liệu

Tại Đồn Biên phòng Hạnh Dịch, từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, ngoài việc làm tốt nhiệm vụ truyền thông nâng cao nhận thức phòng, chống Covid- 19 cho người dân và kiểm tra, kiểm soát địa bàn, cán bộ, chiến sĩ đã chú trọng giúp đỡ các hộ gia đình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Đồn đã phân công 30 cán bộ phụ trách giúp đỡ 139 hộ gia đình. Các cán bộ, chiến sĩ đã gặp gỡ, tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có hình thức giúp đỡ phù hợp như hỗ trợ kinh phí, giống cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, các cán bộ, chiến sĩ cũng trực tiếp cầm tay chỉ việc, làm đất, trồng rau, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi.

Trung tá Phan Nhật Thành - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hạnh Dịch cho hay: “Thời gian qua, bằng các nguồn đóng góp, kêu gọi, đồn đã hỗ trợ kinh phí 35 triệu đồng cho các hộ gia đình nghèo mua cây, con giống; hỗ trợ vật chất, chăn, màn, quần, áo ... trị giá 15 triệu đồng; cấp 50 con lợn giống cho 12 hộ gia đình chăn nuôi, đem lại hiệu quả cao. Nhờ sự giúp đỡ của đồn, hiện trên địa bàn đã có nhiều gia đình thoát đói, giảm nghèo; từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất... Trong mùa dịch này, việc tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn gặp khó khăn. Bằng các mối quan hệ, đồn kêu gọi doanh nghiệp, người dân mua nông sản ủng hộ cho bà con trên địa bàn”.

Thực hiện nhiệm vụ kép trên biên giới và vùng địa bàn đóng quân, từ đầu năm đến nay nhiều cán bộ, chiến sĩ biên phòng chưa về nhà. Vất vả, thiệt thòi nhiều, nhưng tất cả các cán bộ, chiến sĩ đều xác định “chắc tay súng” bảo vệ biên cương, là lực lượng cuối cùng rút khỏi trận chiến chống Covid-19. Hy vọng mỗi người dân đều nhìn thấy được sự vất vả, hy sinh đó để chấp hành tốt hơn các quy định phòng dịch nói riêng và quy định pháp luật nói chung...

Ảnh: Thành Cường
Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hạnh Dịch còn tập trung hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế. Ảnh: Thành Cường

Trung tuần tháng 8/2020 này, tin vui với các cán bộ, chiến sĩ trên chốt chặn Covid-19, Bộ đội Biên phòng tỉnh đang huy động lực lượng kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ thi công, vận chuyển lên biên giới lắp đặt nhà - chốt bán kiên cố phòng, chống Covid-19 giúp cho cán bộ, chiến sĩ “Vượt nắng, thắng mưa”, cải thiện điều kiện ở để bám trụ lâu dài. Mong rằng ngày càng có nhiều hơn sự hỗ trợ, tiếp sức đến các cán bộ, chiến sĩ trên các tuyến biên giới.

Thanh Sơn - Thành Cường