Nga - Trung - Ấn: Những rạn nứt và tính toán chiến lược

Mỹ Nga 26/08/2020 08:06

(Baonghean.vn) - “Tam giác” Nga - Trung Quốc - Ấn Độ đang đặt ra câu hỏi liệu có “vẽ lại” bản đồ quan hệ, trong bối cảnh các cặp quan hệ song phương đang tồn tại không ít bất đồng. Việc duy trì đồng thuận đang trở thành thách thức lớn khi muốn giữ sự ảnh hưởng trên không gian Á - Âu rộng lớn.

RẠN NỨT NGA - TRUNG

Mối quan hệ Nga - Trung luôn được đánh giá bằng những ngôn từ “đang nồng ấm” và “chưa từng có”, và gần đây hai nước hứa sẽ duy trì “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Các nhà lãnh đạo của hai quốc gia ngày càng trở nên thân thiết hơn, gặp nhau hơn 30 lần kể từ năm 2013.

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên ca ngợi mối quan hệ Nga_Trung nồng ấm chưa từng có. Ảnh: Xinhua
Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thường xuyên ca ngợi mối quan hệ Nga - Trung nồng ấm chưa từng có. Ảnh: Xinhua

Liên minh Nga - Trung hình thành với mục tiêu kìm hãm sức ảnh hưởng của Mỹ, sự suy giảm giá dầu và mở rộng quan hệ thương mại.

Một liên minh "bán thân" Nga - Trung đã hình thành trong những năm gần đây với ba trụ cột là: kìm hãm sức ảnh hưởng của Mỹ, sự suy giảm giá dầu và mở rộng quan hệ thương mại. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau khi Nga sáp nhập Crimea đã đẩy Nga xích lại gần Trung Quốc. Các chuyên gia Nga chỉ ra rằng, thương mại Nga - Trung đã tăng gấp đôi, lên 108 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương Nga tăng dự trữ tiền tệ của Trung Quốc từ dưới 1% lên trên 13% và Trung Quốc vượt qua Đức trở thành nhà cung cấp chính về công nghệ và hoạt động nhà máy công nghiệp tại Nga. Về phần mình, Nga đã rất cân nhắc trong các tuyên bố của mình về các vấn đề mà Bắc Kinh nhạy cảm nhất như triển khai mạng 5G của Huawei, vấn đề Hong Kong và Covid-19.

Tưởng chừng như nồng ấm nhưng thực tế mối quan hệ Nga - Trung đã bắt đầu xuất hiện những vết rạn nứt, mặc dù hai bên đã cố gắng giải quyết. Những trụ cột gây dựng mối quan hệ cũng không vững chắc đến như vậy, và ngày càng trở nên sâu sắc hơn bắt nguồn từ sự khác biệt về lịch sử liên quan đến vùng Vladivostok, các hợp đồng vũ khí Nga bán cho Ấn Độ, và việc Nga trì hoãn chuyển giao hệ thống tên lửa S-400 cho Bắc Kinh.

Những bất đồng về Vladivostok đã khiến dư luận Trung Quốc phản ứng dữ dội khi đại sứ quán Nga đăng tải video kỷ niệm 160 năm thành lập thành phố. Một số người Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh nên phản ứng với bài đăng bằng cách đưa ra lập trường của về vấn đề Crimea, bởi vốn dĩ Trung Quốc vẫn giữ quan điểm trung lập kể từ năm 2014. Sự việc chỉ là một trong những dấu hiệu thực tế cho thấy các tranh cãi về lãnh thổ vẫn chưa dừng lại, và đang trở thành rào cản trong mối quan hệ Nga - Trung.

Thành phố Vladivostok thuộc Vùng Viễn đông của Nga được xem đang còn nhiều tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc. Ảnh: Getty
Thành phố Vladivostok thuộc Vùng Viễn đông của Nga được xem đang còn nhiều tranh cãi về lãnh thổ với Trung Quốc. Ảnh: Getty

Moskva cũng đón nhận phản ứng nảy lửa từ phía Bắc Kinh khi tăng cường bán vũ khí cho New Delhi, nhất là sau cuộc đụng độ quân sự ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên dãy Himalaya. Trích dẫn lời bình luận của cư dân mạng Trung Quốc, tờ South China Morning Post cho hay: “Trong khi chiến đấu với đối thủ, bạn sẽ cảm thấy như thế nào nếu bạn bè của bạn đưa một con dao cho đối thủ?”. Mặc dù trên thực tế doanh số bán vũ khí của Nga cho Ấn Độ đã giảm đáng kể từ đạt đỉnh với giá trị 3,2 tỷ USD vào năm 2005, song các nhà phân tích thừa nhận rằng các vấn đề quốc phòng đã tạo ra những vết đứt gãy trong mối quan hệ Nga - Trung.

Một vết rạn nữa trong quan hệ Nga - Trung là thỏa thuận cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga cho Trung Quốc. Đây là loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 400km và độ cao 30km. Tháng trước, Moskva đã khẳng định sự chuyển giao này đã bị “tạm dừng”. Điều chọc giận Trung Quốc hơn cả, Nga thúc đẩy bàn giao S-400 cho Ấn Độ. Mặc dù, ngày 24/8 Nga đã từ chối và chưa thể bàn giao S-400 cho Ấn Độ ngay trong tháng 10/2020 như dự kiến, mà phải sang năm 2021, nhưng Trung Quốc cho rằng, điều này cho thấy Nga đang đặt lợi ích của Ấn Độ lên trước lợi ích của Trung Quốc, và đi ngược với những cam kết tăng cường quan hệ an ninh Nga - Trung.

QUAN HỆ TRUYỀN THỐNG LÂU ĐỜI

Khác với Trung Quốc, mối quan hệ lịch sử Nga - Ấn đã kéo dài hơn 7 thập kỷ. Quan hệ đối tác chiến lược với Nga dựa trên cơ sở không có xung đột lợi ích căn bản, với trụ cột mạnh nhất là an ninh quốc phòng. Mặc dù, New Delhi đã chủ động đa dạng hóa việc mua sắm vũ khí từ các quốc gia khác, nhưng 70% thiết bị quốc phòng của Ấn Độ đều nguồn cung từ Nga.

Tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 là vũ khí tối tân nhất của Nga mà nhiều quốc gia muốn sở hữu. Ảnh: TASS
Tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 là vũ khí tối tân nhất của Nga mà nhiều quốc gia muốn sở hữu. Ảnh: TASS

Nga coi việc buôn bán vũ khí cho Ấn Độ là một cách để cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu của Trung tâm An ninh quốc tế tại Viện Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga chỉ ra rằng, Nga đã cung cấp vũ khí cho Ấn Độ từ rất lâu về trước khi xảy ra đụng độ đẫm máu trên dãy Himalaya. Hầu hết vũ khí chiến lược của Ấn Độ từ tàu sân bay đến tàu ngầm tấn công hạt nhân, đều được nhập khẩu từ Nga.

Giáo sự Rityusha Tiwary tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học New Delhi nhận định, Nga coi việc buôn bán vũ khí cho Ấn Độ là một cách để cân bằng quyền lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Đối với Ấn Độ, Nga không chỉ giữ vai trò như nhà cung cấp quốc phòng thường xuyên và đáng tin cậy, mà cả trong lĩnh vực chính trị. New Delhi quyết định giữ chặt mối quan hệ với Moskva không chỉ là sự lựa chọn, mà còn vì sự cần thiết, bởi New Delhi tin rằng Moskva chính là đòn bẩy và có sức ảnh hưởng để định hình và thay đổi lập trường cứng rắn của Bắc Kinh trong tranh chấp biên giới.

Mới đây nhất, Ấn Độ bày tỏ mong muốn Nga tham gia vào sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ lãnh đạo, một liên minh chiến lược vốn được xem nhằm chống lại Trung Quốc. Giống như Ấn Độ ủng hộ dự án đại Á - Âu của Nga với chính sách “Hướng Đông”, thì Ấn Độ muốn Nga cũng nên hỗ trợ nhóm Ấn Độ - Thái Bình Dương, thay vì chỉ coi ý tưởng này là một chiến lược chia rẽ khu vực của Mỹ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp 3 bên trong khuôn khổ Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: Getty
Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp 3 bên trong khuôn khổ Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: Getty

Giới học giả Trung Quốc gọi ý tưởng này là “sự phản bội Trung Quốc” nghiêm trọng nếu Nga tham gia. Tuy nhiên, Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm khoa học Nga nhận định, Nga sẽ không tham gia bởi “Nga tin tưởng vào các tổ chức khu vực các các phương thức hợp tác toàn diện”. Hơn thế, điều quan trọng nhất, Nga sẽ “không tự biến mình thành chư hầu của Mỹ”, theo Victor Gao, Giáo sư tại Đại học Soochow cho hay.

BẤP BÊNH TAM GIÁC QUAN HỆ

Mang không ít bất đồng chồng chéo, song Nga - Trung Quốc - Ấn Độ được đánh giá là “tam giác chiến lược” với cơ chế phối hợp ba bên (RIC), được kỳ vọng sẽ nâng tầm vị thế cho “mỗi đỉnh của tam giác”.

Tuy nhiên, sự liên kết của “tam giác chiến lược” này vẫn tỏ ra gượng gạo và mối quan hệ luôn trong tình trạng bấp bênh. Cả 3 nước đều đang thực hiện một chính sách đối ngoại thực dụng, đều tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế, và trong nhiều trường hợp tính toán chiến lược của nước này lại va chạm về lợi ích quốc gia của nước khác.

Cơ chế hợp tác ba bên Nga Trung Quốc Ấn Độ được kỳ vọng tạo ra tam giác chiến lược. Ảnh minh họa Interne
Cơ chế hợp tác 3 bên Nga, Trung Quốc, Ấn Độ được kỳ vọng tạo ra tam giác chiến lược. Ảnh minh họa Internet

Dù vậy, việc duy trì mối quan hệ “tam giác” như hiện nay có lẽ vẫn được cả ba bên theo đuổi, bởi ít nhiều có thể tạo nên thế đối trọng địa chính trị trong khu vực, và tăng cường đáng kể tiếng nói của mỗi nước. Thách thức lớn nhất trong việc duy trì sự đồng thuận của RIC chính là căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu xung đột kéo dài, không loại trừ khả năng Ấn Độ sẽ có những ưu tiên trong đối ngoại để tham gia các sáng kiến mới do Mỹ dẫn đầu. Đây sẽ là kịch bản không mấy dễ chịu đối với cả Nga và Trung Quốc./.

Mỹ Nga