Xây dựng các kế hoạch cần đúng trọng tâm, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững

Phạm Bằng 27/08/2020 12:19

(Baonghean.vn) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 của các địa phương cần đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016 - 2020, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững và mang lại lợi ích cho người dân.

Sáng 27/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 vùng miền Trung, Tây Nguyên.
Sáng 27/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị trực tuyến về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025 vùng miền Trung, Tây Nguyên. Ảnh: VGP

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các địa phương phải định vị lại hiện đang ở đâu, có gì, sẽ phát triển theo hướng nào, đâu là trọng tâm, trụ cột, nguồn lực? Với một tầm nhìn mới, chúng ta hoạch định tương lai của mình, phải có tầm nhìn táo bạo, đột phá hơn để có những giải pháp phấn đấu, thu hẹp được khoảng cách phát triển giữa các vùng.

TĂNG TRƯỞNG THẤP, CHƯA XỨNG TIỀM NĂNG

Vùng miền Trung gồm 14 tỉnh, thành, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đóng vai trò chiến lược trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của vùng miền Trung ước giảm 0,68%; nhiều tỉnh, thành tăng trưởng âm. Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của Nghệ An là 2,69% và dự báo hết năm 2020 là 7,45%; cao thứ 2 của vùng.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Lê Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Tham dự có các sở, ngành: KH&ĐT, Tài chính, Xây dựng, GTVT, VH&TT… Ảnh: Phạm Bằng

Thu ngân sách nhà nước 7 tháng của vùng đạt 97.311 tỷ đồng; Thu hút được 908 dự án, tổng số vốn đầu tư 16,1 tỷ USD. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng của vùng đạt 49,6%. Nghệ An, Hà Tĩnh là những địa phương có tỷ lệ giải ngân cao.

Về kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng miền Trung bình quân đạt 6,8-7%/năm; đứng thứ 3 trong 6 vùng của cả nước. Riêng vùng Tây Nguyên thì đạt 6,5% nhưng không đồng đều giữa các địa phương trong vùng.

Đánh giá riêng về vùng miền Trung cho thấy, động lực tăng trưởng của vùng còn yếu; kinh tế biển và ven biển chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; Chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng; Thu ngân sách chưa bền vững; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Định hướng phát triển giai đoạn 2021-2025 của vùng miền Trung là trở thành khu vực phát triển năng động, gắn với phát triển kinh tế biển với tốc độ nhanh, bền vững. Tập trung vào công nghiệp, dịch vụ theo hướng hiện đại; kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh, giảm thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu.

Nhu cầu vốn đầu tư công của vùng là 138.700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách địa phương là 60.900 tỷ đồng; vốn ODA là 11.700 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là 66.000 tỷ đồng. Cả giai đoạn 2021 - 2025 thì tổng nhu cầu vốn đầu tư công của vùng là 713.990 tỷ đồng, gấp 3 lần với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, vốn từ thu tiền đất hơn 114.000 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương 440.000 tỷ đồng.

NGHỆ AN KIẾN NGHỊ BỐ TRÍ VỐN CHO NHIỀU DỰ ÁN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đã tập trung trao đổi vào một số nội dung khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai xây dựng kế hoạch. Nghệ An đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo Tổng cục Thống kê sớm công bố số liệu ước thực hiện GRDP năm 2020 làm căn cứ xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và năm 2021.

Nghệ An cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và sớm thông báo dự kiến mức vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 để các địa phương có căn cứ triển khai; Xem xét ưu tiên nguồn lực cho đầu tư năm 2021, tối thiểu bằng kế hoạch năm 2020;…

Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nghệ An đang chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để đón làn sóng đầu tư vào các Khu kinh tế Đông Nam. Vì vậy, Nghệ An mong muốn Bộ KH&ĐT xem xét, bố trí vốn cho các dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An, đặc biệt các dự án trong Khu kinh tế Đông Nam như tuyến đường N2, D4; Đường N5;...

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở cho các bộ, ngành, địa phương phân bổ nguồn vốn đầu tư công năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, các địa phương phải xác định rõ mục tiêu, tránh dàn trải, bố trí theo thứ tự ưu tiên từ kế hoạch đầu tư công năm 2021 phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025, khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư khả năng thực hiện, tiến độ giải ngân của từng dự án trong năm 2021.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Ưu tiên các dự án quy mô lớn, dự án động lực và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương. Các dự án đầu tư mới giai đoạn 2021-2025 phải gắn với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và nhằm để giải quyết được các điểm nghẽn, ách tắc của từng địa phương và của vùng theo hướng kết nối, tạo động lực phát triển mới cho địa phương.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025, các địa phương cần đảm bảo sự nhất quán, kết nối, kế thừa và phát triển các thành tựu đạt được của giai đoạn 2016-2020; đồng thời, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ với tư duy, tầm nhìn chiến lược để đề ra chiến lược, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Bên cạnh đó, các địa phương cần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cao nhất các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực đất đai; kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư không triển khai, giao đất vượt nhu cầu. Đồng thời, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh các dự án đầu tư để hạn chế tối đa thất thu của ngân sách Nhà nước và chống lãng phí.

Phạm Bằng