Sản xuất vụ đông 2020 như thế nào để 'chắc ăn' ở Nghệ An

Doãn Trí Tuệ 31/08/2020 06:46

(Baonghean.vn) - Trong sản xuất vụ đông năm 2020 này, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trương phấn đấu gieo trồng trên 37.635 ha cây trồng các loại. Tuy nhiên, dự báo vụ đông năm nay dự báo gặp nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay Nghệ An sẽ gieo trồng ngô 21.500 ha bao gồm: ngô trồng lấy hạt 16.500 ha, ngô trồng lấy thân lá làm thức ăn chăn nuôi bò 5.000 ha và 12.000 ha rau đậu các loại, 2.000 ha khoai lang, 1.500 ha lạc…

Tuy nhiên năm nay dự báo sản xuất vụ đông không nhiều thuận lợi.

Nhộn nhịp xuống đồng làm vụ đông tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Quang An
Nhộn nhịp xuống đồng làm vụ đông tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Quang An

Để sản xuất vụ đông giành được kết quả tốt, chúng ta cần lưu ý và làm tốt mấy vấn đề sau đây:

Thứ nhất: Không chủ quan với diễn biến của thời tiết trong sản xuất vụ đông năm nay kể từ tháng 9 đến hết tháng 11 tới. Theo dự báo và nhận định của ngành khí tượng - thủy văn Trung ương, thì năm 2020 có khoảng 11 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên biển Đông, trong đó có 5 - 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và tập trung chủ yếu vào các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, trong đó có Nghệ An. Hoàn lưu bão và ATNĐ bao giờ cũng gây mưa to.

Một điều rất đáng được lưu ý nữa là hiện tượng Enso của thời tiết hiện nay đang nghiêng về pha lạnh và chuyển sang trạng thái La Nina vào những tháng cuối năm 2020. Vì vậy mùa đông năm nay đến sớm hơn và lạnh hơn những mùa đông gần đây.

Do tác động của pha lạnh nên diễn biến của thời tiết sẽ có sự thay đổi đáng kể, khả năng dễ xảy ra mưa lớn, bão và ATNĐ nhiều và như vậy mùa mưa, bão năm nay khó tránh khỏi tình trạng ngập úng trên diện rộng ở vùng thấp trũng; lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi cao.

Nông dân Quỳnh Lưu mất mùa vụ lạc đông năm 2017 do thời tiết mưa nhiều. Ảnh: Tư liệu -Việt Hùng

Cũng theo nhận xét, đánh giá của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, thì năm 2020 là năm ở vùng Bắc Trung Bộ nắng nóng nhất trong vòng 50 năm qua. Thông thường những năm như vậy, sau khi kết thúc mùa nắng nóng là mưa to dồn dập và kèm theo gió lớn. Vì thế, ông cha ta có câu "nắng lắm thì mưa nhiều". Chính vì vậy sản xuất vụ đông năm nay sẽ không thuận lợi như những vụ đông các năm trước.
Thứ hai: Phân loại đất theo địa hình cao, thấp trũng để bố trí cây trồng và thời vụ sản xuất hợp lý nhằm hạn chế ảnh hưởng của thời tiết trong mùa mưa bão gây thiệt hại đến kết quả sản xuất. Vùng đất gieo trồng cây vụ đông ở Nghệ An có 4 vùng, phù hợp với từng cây trồng và thời vụ sản xuất như sau:
Vùng 1: Vùng đất cát pha, thịt nhẹ ven biển kéo dài từ thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu ra đến Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, vùng đất này có diện tích khoảng 18.000 - 20.000 ha, hướng đất dốc nghiêng ra biển nên rất ít bị ngập úng khi có mưa to, mưa kéo dài.

Ở vùng đất này rất thích hợp để gieo trồng các loại cây như: ngô, lạc, rau cải, cải bắp, su hào, cà chua, khoai tây, đậu leo, dưa hấu, hành, tỏi… bà con nông dân cần chọn một, hai hay ba… cây trồng thích hợp nhất ở địa phương mình để gieo trồng. Thời vụ gieo trồng càng sớm càng tốt, có thể gieo trồng 1 - 2 lứa trong cả vụ sản xuất.
Kinh nghiệm sản xuất vụ đông của bà con nông dân ở Diễn Châu cho thấy, gieo trồng sớm, nếu trồng lạc thì phủ nilon lên mặt luống, nếu trồng rau màu các loại thì lên luống cao, có hệ thống mương thoát nước tốt và cây giống phải được ươm trong vườn ươm trước, sau đó cây trưởng thành mới đem ra trồng là an toàn nhất.

Nông dân Diễn Thịnh (Diễn Châu) xuống đồng sản xuất vụ đông. Ảnh: Cảnh Yên
Vùng 2: Vùng đồng bằng trên đất 2 vụ lúa. Trên vùng đất này sau vụ sản xuất lúa hè thu có đến gần 30.000 ha đất có địa hình cao, rất ít bị ngập do úng lụt, hầu như huyện, thành, thị nào cũng có loại đất này. Phần lớn đất gieo trồng lúa là đất thịt, đất sét, thành phần cơ giới nặng. Vì vậy loại đất này tốt nhất là trồng ngô và khoai lang. Nếu trồng rau đậu các loại thì nên tấp tủ luống bằng rơm rạ để chống mưa làm dẹ cứng đất.

Ở vùng đất này nếu gieo trồng sớm cũng khó, vì còn lệ thuộc vào thời gian thu hoạch lúa vụ hè thu sớm hay muộn và sau đó lại là mùa mưa bão có thể đến sớm. Nếu gieo trồng muộn thì làm ảnh hưởng tới thời vụ gieo cấy lúa vụ xuân năm… Vì vậy tuy khả năng diện tích có nhiều, nhưng diện tích ngô được gieo trồng trên đất 2 vụ lúa chỉ ở mức từ 4.500 - 5.000 ha, khoai lang 1.800 - 2.000 ha.
Để sản xuất vụ đông có hiệu quả trên vùng đất này, trước hết là phải tranh thủ gieo trồng ngay sau khi gặt xong lúa hè thu đối với cây ngô và riêng cây khoai lang tốt nhất trồng xong nên dùng rơm rạ tấp tủ kín luống để vừa chống mưa to làm xói lở và dẹ cứng đất, vừa hạn chế cỏ mọc. Khoai lang trồng trong vụ đông nếu được bón phân đầy đủ và tấp tủ kín luống năng suất rất cao.
Vùng 3: Vùng đất bãi ven sông Lam, sông Hiếu, sông Con… toàn tỉnh có 10.640 ha, nhiều nhất là huyện Anh Sơn có đến 2.300 ha. Hầu hết đất bãi ven sông là cát pha, thịt nhẹ phù hợp với nhiều loại cây trồng như: ngô, lạc, rau ăn lá và rau lấy hạt, củ, quả…

Đất bãi phù sa ven sông có 2 loại, loại đất bãi cao ít bị ngập úng khi mùa mưa đến từ tháng 9 trở đi, loại đất này không nhiều, chỉ chiếm khoảng 20%, loại đất bãi thấp chiếm đến 80%, rất dễ bị ngập trong mùa mưa bão.
Trên đất bãi cao tranh thủ gieo trồng ngô, lạc và rau đậu các loại càng sớm càng tốt. Trên đất bãi thấp phải chờ kết thúc mùa mưa lớn, nước sông hết dâng cao từ tháng 11 trở đi mới gieo trồng được, vụ sản xuất này được gọi là vụ đông muộn xuân sớm.

Cây bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Vùng 4: Vùng đất bãi thấp dưới chân các đồi vệ thuộc các huyện trung du và miền núi cao. Vùng đất này gieo trồng được nhiều loại cây như: ngô, lạc, bầu, bí, đậu đỗ, rau củ các loại… và nên gieo trồng sớm, gieo trồng được nhiều lần trong cả vụ sản xuất đối với các cây trồng ngắn ngày như rau, đậu các loại. Trên vùng đất này nên ưu tiên tập trung gieo trồng nhiều ngô (kể cả ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi), lạc và bầu bí.
Thứ ba: Sản xuất vụ đông năm nay diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid đã và đang xảy ra tràn lan và nghiêm trọng cả trong nước và trên thế giới chưa biết kéo dài đến bao giờ mới chấm dứt. Vì vậy, việc lưu thông và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa được sản xuất trong vụ đông sẽ bị hạn chế nhiều. Từ đó, các cơ sở sản xuất nên tập trung sản xuất nhiều các loại sản phẩm có khả năng tiêu thụ dễ dàng như ngô lấy hạt, ngô sinh khối bón cho trang trại chăn nuôi bò sữa ngay trong tỉnh và các sản phẩm sau khi thu hoạch nếu chưa bán được thì cất trữ, bảo quản được lâu dài như lạc, khoai lang, khoai tây, bầu bí, củ hành, tỏi…
Thứ tư: Tuyệt đối không sản xuất vụ đông chạy theo phong trào, ghi thành tích hoặc sản xuất vì sức ép từ cấp trên xuống. Đã sản xuất là chắc ăn (trừ trường hợp thời tiết bất khả kháng), đã gieo trồng là phải thâm canh để có năng suất cao, thà gieo trồng ít còn hơn gieo trồng nhiều mà không có hiệu quả.
Thứ năm: Sản xuất vụ đông nên gieo trồng thành vùng tập trung để quản lý tốt và phải có hệ thống mương máng tiêu thoát nước nhanh khi có mưa to.


Doãn Trí Tuệ