Nơi 'đi đầu, dậy trước' và những cái mới

Anh Đặng 02/09/2020 09:02

(Baonghean.vn) - Người Thanh Chương ai cũng nhớ câu: “Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/ Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên,…”. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2000, phát biểu tại Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương lần thứ XXVII, ông Trương Đình Tuyển - Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ đã nói: “…Một huyện từng đi đầu, dậy trước trong các phong trào cách mạng của cả nước, cả tỉnh lẽ nào lại cam chịu đói nghèo, lạc hậu?…”.

Nơi đi đầu dậy trước

Trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đất nước ta đắm chìm trong nô lệ. Nhiều phong trào yêu nước liên tiếp nổ ra, ở Thanh Chương nổi tiếng với cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) của Tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai,… Nhưng, tất cả đều thất bại. Đó là giai đoạn khủng hoảng về đường lối.

Năm 1911, từ Bến cảng Nhà Rồng, Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Khi Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du, nhiều thanh niên yêu nước ở Thanh Chương, tiêu biểu là Đặng Nguyên Cẩn, Lê Quý (Lưu Quốc Long), Trần Đông Phong,… hưởng ứng. Tú tài Đặng Thúc Hứa, từng “Đông Du”, lại tìm tòi, khai mở con đường mới - “Tây Du”, sang Thái Lan mở Trại Cày, một cơ sở có ý nghĩa lâu dài, có tác động to lớn đến Cách mạng Việt Nam.

Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng
Tranh vẽ cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh của tác giả Nguyễn Đức Nùng.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa thành lập, thì ở Thanh Chương đã có Hội Phục Việt - một tổ chức yêu nước mà Tôn Quang Phiệt là một trong những người sáng lập; sau đó là Nguyễn Sỹ Sách, Đặng Thai Mai và nhiều thanh niên yêu nước trong huyện. Đến năm 1928, Hội Phục Việt đổi tên là Đảng Tân Việt, hoạt động rất sôi nổi. Thanh Chương có tới 10 tiểu tổ trong tổng số 17 tiểu tổ của 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Sau đó, với sự chỉ đạo của Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng và sự nhạy bén của Tân Việt, đã lựa chọn, kết nạp đảng viên và thành lập Chi bộ Cộng sản.

Như vậy, trước ngày Đảng ra đời, ở Thanh Chương đã có 3 Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chi bộ Đảng lâm thời của huyện được thành lập ngày 20/3/1930 dưới chân núi Tiến, xã Thanh Long. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc biểu tình liên tiếp nổ ra tại Phong Nậm, Xuân Dương, Đại Đồng, Quảng Xá, Hạnh Lâm, Lương Điền, Cát Ngạn,… trong các tháng 4, 5, 6 năm 1930.

Các phong trào đã bị thực dân Pháp và phong kiến khủng bố trắng nhưng thực sự là những mốc son lịch sử, niềm tự hào chính đáng của quê hương.

Cùng trong ngày 1/5/1930, ở Vinh có cuộc biểu tình của công nhân Trường Thi, Bến Thủy, ở Võ Liệt đã có cuộc biểu tình, bãi khóa của hơn 100 thầy, trò Trường Tiểu học Pháp - Việt chợ Rộ; ở Hạnh Lâm có cuộc biểu tình của nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc, Đức Nhuận,… đấu tranh quyết liệt và phá tan đồn điền Ký Viện. Đặc biệt, ngày 1/9/1930, với khí thế như triều dâng, thác đổ, 2 vạn nông dân của 5 tổng trong huyện dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã phá tan huyện đường phong kiến, lập chính quyền Xô viết đầu tiên trong cả nước.

Lịch sử từng ghi: “Cuộc biểu tình dữ dội này chưa từng thấy ở An Nam bao giờ…”; “Đây là một trong những đỉnh cao nhất của cao trào Cách mạng Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931”. Khi đó, Thanh Chương có 20 chi bộ với 200 đảng viên. Các phong trào đã bị thực dân Pháp và phong kiến khủng bố trắng, dìm trong biển máu, hàng trăm người ngã xuống, hàng chục làng mạc bị đốt cháy,... nhưng thực sự là những mốc son lịch sử, niềm tự hào chính đáng của quê hương.

Đình Võ Liệt thuộc xã Võ Liệt (Thanh Chương) cũng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Thanh Chương là một trong những huyện tiêu biểu với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Huyện và 12 xã đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1964, huyện chủ trương di, giãn dân, chuyển 960 hộ, 5.000 nhân khẩu, lập 17 cơ sở, khai hoang 4.493 mẫu ruộng đất vùng hữu ngạn, phát triển nhiều vùng kinh tế mới.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, cả nước bước vào công cuộc khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh chống Mỹ. Mùa Xuân năm 1976, với quyết tâm “Vẽ lại bản đồ Thanh Chương theo yêu cầu của tổ chức lại sản xuất”, huyện đã mở chiến dịch chuyển dân lên đồi của 4 xã vùng Cát Ngạn. Hơn 3 vạn người, đã di chuyển 2.059 hộ với 4.700 ngôi nhà, giải phóng 500 ha đất để sản xuất nông nghiệp chỉ trong 15 ngày.

Phát huy truyền thống

Năm 2001, tỉnh có chủ trương cho vay xi măng để xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Người Thanh Chương như “trong cơn khát gặp nước dừa”, đã huy động mọi nguồn lực, xây dựng mới hơn 600 km đường liên thôn, liên xã, 480 km kênh mương nội đồng, từng bước giải tỏa thế “tứ tắc” về giao thông và vấn đề thủy lợi trong nông nghiệp. Thanh Chương còn tiên phong trong phong trào “nông - lâm kết hợp”, phá bỏ vườn tạp, xây dựng VAC, VAC.DD; vận động nông dân tích tụ ruộng đất lần hai để công nghiệp hóa, hiện đại hóa,…

Cây chè mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ ở Thanh Chương, ảnh Mai Hoa
Cây chè mang lại nguồn lợi lớn cho nhiều hộ dân ở Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa

Truyền thống hăng hái, “đi đầu dậy trước”, khao khát với cái mới là một điều kiện, cơ hội để phát động các phong trào và tạo ra sự phát triển. Đó là cái tốt, cái tích cực, cái cơ bản, cần bồi đắp và phát huy. Nhưng, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo, có kế hoạch về tư tưởng, về cơ sở vật chất,… sẽ rất dễ sa vào chủ quan, giáo điều, duy ý chí, để lại hệ lụy khôn lường, rất dễ thăng trầm, thậm chí thất bại.

Trong cao trào Cách mạng 1930 - 1931, chủ trương của Đảng là phát động phong trào yêu nước, không tổ chức bạo động khi lực lượng vũ trang còn sơ khai. Khi điều kiện chưa chín muồi, phong trào đã bị đế quốc, thực dân dìm trong biển máu, tổn thất nặng nề.

Đã “đi đầu dậy trước” là chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, phải gan góc, quyết đoán...

Trong các cuộc di, giãn dân, sự hăng hái thái quá, chưa chuẩn bị chu đáo cả về tư tưởng và cơ sở vật chất,… đã gây khó khăn về đời sống của một bộ phận nhân dân. Trong phát triển kinh tế - xã hội, cũng có khi “làm phong trào” theo nghĩa hẹp, làm điểm thì tốt nhưng không nhân được ra diện rộng, đi trước, về sau,… không ít những phong trào, những mô hình thực hiện không thành công. Cũng có những nội dung khi phát động thì rầm rộ, khi gặp khó khăn thì chững lại, thậm chí thất bại.

Phải chăng, để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, giặc dã liên miên đã hun đúc nên tố chất khoa cử, ý chí “thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly” - cho dù cát cứ, phiêu lưu, mạo hiểm vẫn phải chấp nhận? Có lẽ điều kiện, hoàn cảnh ấy đã thôi thúc con người phải có sự dấn thân và khát vọng khai mở, thay đổi - nói như bây giờ là “đột phá”? Đã “đi đầu dậy trước” là chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, phải gan góc, quyết đoán,…

Thị trấn Thanh Chương nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn

Cái mới thường manh nha, “lấp ló”, yếu ớt. Cái mới thường là cái lạ, cái non trẻ, cái khó, dễ bị soi xét, đố kỵ, thậm chí bị vùi dập bởi sự bảo thủ, ghen ghét và chủ nghĩa kinh nghiệm. Vì vậy, nếu cần có sự thận trọng trong sự lựa chọn, bàn thảo thì cũng cần có sự “bảo hành”, khuyến khích, hậu thuẫn cho những đột phá, khai mở, đổi mới, để cái mới sớm được định hình đúng bản chất và phát triển.

Kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống của quê hương, nhắc lại một bài học kinh nghiệm sâu sắc của lịch sử, hầu mong có tác dụng tích cực cho cán bộ, đảng viên, nhân dân - nhất là thế hệ trẻ. Nắm vững quy luật phát triển, bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn; mỗi khi lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một phong trào cần được nghiên cứu một cách thận trọng, khoa học, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi. Đặc biệt, trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay để tạo ra sự phát triển nhanh, toàn diện, bền vững./.

Anh Đặng