Nâng cao năng lực quản lý tài chính cho các đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
(Baonghean.vn) - Việc nâng cao năng lực quản lý tài chính sẽ giúp các đơn vị sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề trang bị tư duy và nhận thức đúng đắn về chiến lược quản trị tài chính trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa lợi nhuận của từng đơn vị.
Sáng 12/9, tại thị xã Cửa Lò diễn ra Hội thảo "Nâng cao năng lực quản lý tài chính ngành Thủ công mỹ nghệ thời kỳ hội nhập". Tham dự có NGƯT. Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, ông Lê Đức Ánh – Phó Giám đốc Sở Công thương Nghệ An, đại diện các ban, ngành liên quan cùng gần 100 nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Quang An |
Hội thảo nhằm mục đích lắng nghe ý kiến trao đổi của các chuyên gia, các nhà khoa học, những tâm tư, trăn trở của các nghệ nhân, cơ sở sản xuất làng nghề trong hoạt động quản lý tài chính ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN), làng nghề trong điều kiện hội nhập để đưa ra những phương hướng, giải pháp để ngành TCMN, làng nghề Việt Nam phát triển bền vững, hội nhập sâu kinh tế khu vực và thế giới.
Việt Nam là một quốc gia có thế mạnh về TCMN. Hiện nay, các mặt hàng TCMN của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc nâng cao năng lực quản lý tài chính sẽ giúp các đơn vị sản xuất hàng TCMN, làng nghề trang bị tư duy và nhận thức đúng đắn về chiến lược quản trị tài chính trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
NGƯT. Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quang An |
Tuy nhiên, ngành TCMN trên địa bàn tỉnh hiện nay đối mặt với nhiều thách thức như: rào cản kỹ thuật, khả năng tiếp cận thị trường, năng lực quản lý tài chính, nhân lực, đào tạo nghề và khả năng phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng trong chuỗi giá trị của các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, năng lực tài chính còn hạn hẹp, thị trường tiêu thụ phụ thuộc vào bao tiêu của một số doanh nghiệp nên rất bị động.
Ông Lê Đức Ánh – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An nhận định Nghệ An có tiềm năng phát triển ngành TCMN. Ảnh: Quang An |
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 5 tham luận, bao gồm: Tác động của Hiệp định EVFTA đối với kinh tế Việt Nam nói chung và ngành TCMN, làng nghề nói riêng; Thuận lợi và những rào cản pháp lý về năng lực tài chính đối với ngành TCMN trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập Quốc tế; Thực trạng và giải pháp về năng lực khai thác, quản lý, sử dụng tài chính trong sản xuất kinh doanh của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp ngành TCMN, làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Giải pháp đổi mới năng lực thiết kế mẫu mã nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm TCMN, làng nghề trong thời kỳ hội nhập; Những thách thức quản trị tài chính đối với các chủ doanh nghiệp và giải pháp vượt qua.
Sau khi nghe các bài tham luận, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, tìm ra các giải pháp để nâng cao năng lực sản xuất, quản lý tài chính đối với ngành TCMN, trong đó chú trọng các nhóm giải pháp bao gồm: Rà soát công tác quy hoạch trong định hướng phát triển và đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững cho các nghề TCMN; Thiết lập hệ thống cải tiến kỹ thuật và nâng cao chất lượng của sản phẩm; Đẩy mạnh nghiên cứu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; Nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN; Khuyến khích xã hội tiêu dùng hàng TCMN...
Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Nghệ An. Ảnh: Quang An |
Theo thống kê đến hết năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An đã có gần 500 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 164 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí theo quy định. Giá trị sản xuất từ làng nghề, làng có nghề hàng năm từ 14-15%, chiếm từ 6-7% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Các làng nghề, làng có nghề thu hút 24-25 vạn lao động thường xuyên...