Khắc phục khó khăn của hoạt động dân số sau sáp nhập

Mỹ Hà 19/09/2020 10:57

(Baonghean.vn) - Sau gần 1 tháng sáp nhập trung tâm Dân số - KHHGĐ và trung tâm y tế cấp huyện, công tác dân số - KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đang dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc và đang chờ sự hướng dẫn của các ban, ngành liên quan.

Nỗ lực vượt khó

Đến thời điểm này, những người làm công tác dân số ở huyện Con Cuông đã chính thức về công tác tại Phòng Dân số của Trung tâm Y tế huyện. Dẫu còn những khó khăn, bộn bề nhưng Trung tâm Y tế huyện đã có những “khởi động” thuận lợi khi chỉ trong hơn 1 tuần trở lại đây đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa.

Một buổi truyền thông về SKSS cho học sinh huyện Con Cuông. Ảnh: PV.
Một buổi truyền thông về SKSS cho học sinh huyện Con Cuông. Ảnh: PV.

Đó là cùng phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng và Trường THCS Bình Chuẩn tổ chức truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên - thanh niên và phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 200 học sinh của trường.

Qua buổi truyền thông này đã trang bị cho học sinh của nhà trường những kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS và những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - một vấn nạn khá nhức nhối của huyện vùng cao, trong đó có huyện Kỳ Sơn. Đặc biệt, trong đợt tuyên truyền này, với sự vào cuộc của Trung tâm Y tế và các phòng, ban liên quan, hoạt động tuyên truyền còn được phối hợp để truyền thông thêm công tác dự phòng, lồng ghép tuyên truyền về dịch bệnh sốt xuất huyết, các loại vắc-xin cho các đối tượng.

Trong những ngày này, hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới, Trạm Y tế các xã Môn Sơn, Bồng Khê cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như tư vấn và cung cấp một số biện pháp tránh thai miễn phí cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, truyền thông về công tác dân số trong tình hình mới, tiếp thị các sản phẩm tránh thai cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

“Sau khi sáp nhập, cơ cấu đội ngũ của Phòng Dân số huyện cơ bản ổn định và không có nhiều thay đổi so với trước đây. Việc sáp nhập, bước đầu cũng đã có những thuận lợi như thay vì chỉ tuyên truyền một mảng về dân số thì Phòng Dân số đã phối hợp với các phòng khác để tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh, vì thế, người nghe sẽ được truyền tải nhiều thông tin hơn”.

Ông Nguyễn Quốc Đại - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế huyện Con Cuông

Sau sáp nhập, dù đã có những thay đổi nhưng hoạt động dân số ở các địa phương về cơ bản vẫn cố gắng duy trì. Riêng trong tháng 8 và tháng 9, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với trung tâm y tế của các huyện Anh Sơn, Tương Dương, Tân Kỳ tổ chức thành công Hội thi “Người cao tuổi sống vui, sống khỏe”, tạo nên một sân chơi và cơ hội giao lưu lành mạnh, thiết thực cho người cao tuổi.

Trung tâm Y tế huyện Anh Sơn là đơn vị triển khai chương trình đầu tiên ngay sau khi tiến hành sáp nhập, ông Hồ Sỹ Lực - Trưởng phòng Dân số của trung tâm cho biết: “Dù mới sáp nhập nhưng khi nhận được chủ trương của tỉnh, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo sát sao kịp thời từ huyện xuống xã và nhận được sự ủng hộ của người dân.

Người cao tuổi huyện Thanh Chương tham gia giao lưu tại hội thi Người cao tuổi sống vui, sống khỏe. Ảnh: Mạnh Đạt
Người cao tuổi huyện Thanh Chương tham gia giao lưu tại Hội thi "Người cao tuổi sống vui, sống khỏe". Ảnh: Mạnh Đạt

Chúng tôi cũng tin rằng, từ hội thi này cũng sẽ góp phần nâng cao sự hiểu biết cho cán bộ lãnh đạo và nhân dân về chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến người cao tuổi; vai trò cống hiến của người cao tuổi trong mọi mặt của cuộc sống”.

Vẫn khó về nguồn lực

Sau gần 2 năm triển khai, hiện tại, 21/21 trung tâm dân số - KHHGĐ đã được sáp nhập về các trung tâm y tế của 21 huyện, thành, thị và chuyển sang hoạt động với vai trò của một phòng dân số. Qua tháng đầu tiên hoạt động, trừ một số bộ phận như kế toán, nhân viên có bằng y tế được điều động xuống các phòng chuyên môn.

Còn lại, về cơ bản đội ngũ của các phòng đã ổn định và giữ nguyên so với trước khi thành lập. Sau khi sáp nhập, các phòng dân số tiếp tục thực hiện các chức năng như xây dựng các kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ về DS - KHHGĐ và truyền thông giáo dục về Dân số - KHHGĐ trên cơ sở kế hoạch của Chi cục Dân số - KHHGĐ và tình hình thực tế trên địa bàn huyện.

Hoạt động của Phòng Dân số Thành phố Vinh sau khi sáp nhập. Ảnh: Mỹ Hà
Hoạt động của Phòng Dân số thành phố Vinh sau khi sáp nhập. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng thời, phối hợp triển khai, thực hiện các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát chuyên môn các hoạt động về DS - KHHGĐ tại các trạm y tế xã và cộng tác viên dân số thôn bản; quản lý triển khai các dự án thuộc chương trình mục tiêu về dân số và các dự án khác...

Trên thực tế, việc thực hiện các nhiệm vụ này cũng đồng nghĩa với các Phòng Dân số phải thực hiện song song hai sự chỉ đạo của Chi cục Dân số - KHHGĐ và thực hiện nhiệm vụ của địa phương, trong đó, quan trọng nhất là việc triển khai các hoạt động theo ngành dọc và tiếp tục làm tốt công tác rà soát, thống kê về tỷ lệ biến động dân số ở cơ sở cũng như các hoạt động chiến dịch, truyền thông.

“Cơ cấu hoạt động không thay đổi nhưng quá trình thực hiện khó khăn gấp nhiều lần. Cụ thể, các hoạt động dân số ở các thành phố, thị xã lâu nay do Trung tâm Dân số - KHHGĐ trực tiếp tham mưu với UBND các huyện, thành, thị và được chỉ đạo trực tiếp xuống các xã, phường và cùng phối hợp thực hiện. Hiện nay, phòng Dân số chỉ tham mưu được cho trung tâm y tế và việc triển khai cũng chỉ xuống đến trạm y tế nên các hoạt động sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, công tác dân số muốn hiệu quả phải có sự phối hợp với các ban, ngành liên quan chứ không riêng gì ngành y tế”.

Bà Phùng Thị Thanh - Trưởng phòng Dân số - Trung tâm Y tế thành phố Vinh

Khó khăn hơn cả chính là vấn đề ngân sách bởi sau khi sáp nhập nhiều nguồn kinh phí phải phụ thuộc vào trung tâm y tế. Tuy nhiên, lâu nay nguồn tuyên truyền ở các đơn vị rất ít ỏi. Như ở huyện Thanh Chương, hiện nay huyện đang xây dựng kế hoạch để triển khai cuộc thi Người cao tuổi sống vui sống khỏe và tuyên truyền hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới.

Theo ông Nguyễn Hiền Ngọc - Trưởng phòng Dân số: “Do thiếu kinh phí nên các hoạt động phải cắt giảm và không được rầm rộ như các năm trước”.

Hay như huyện Con Cuông, trước đây, mỗi năm huyện cấp khoảng 50 triệu đồng để ngành dân số triển khai các hoạt động theo đề án hôn nhân cận huyết thống và qua đó sẽ tổ chức được hàng chục buổi truyền thông ở cơ sở. Nhưng năm nay, sau khi có chủ trương sáp nhập nguồn kinh phí bị cắt giảm nên hoat động hết sức khó khăn.

Tư vấn về phương tiện tránh thai cho người dân xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: PV
Tư vấn về phương tiện tránh thai cho người dân xã Hưng Tây (Hưng Nguyên). Ảnh: PV

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng dù đã sáp nhập nhưng từ Trung ương tới tỉnh cần sớm ban hành văn bản để hướng dẫn về cơ chế hoạt động của các Phòng Dân số.

Bên cạnh đó, cần cơ cấu lại một số bộ phận cho hợp lý với thực tế hoạt động, ví dụ nên để chuyên trách dân số ở các xã, phường về công tác tại UBND các xã, phường thay vì các trạm y tế để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, cần tiếp tục duy trì đội ngũ cộng tác viên dân số thôn bản bởi đây là đội ngũ có kinh nghiệm, nhiệt tình.

Sắp tới, Sở Y tế sẽ tiến hành bổ nhiệm những cán bộ dân số đủ điều kiện để đảm nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Y tế phụ trách mảng dân số, tạo thuận lợi cho hoạt động dân số ở cơ sở. Về phía Chi cục Dân số - KHHGĐ cũng đã có những hướng dẫn, chỉ đạo cả về chuyên môn, cả về kỹ thuật, kinh phí, tài chính, phụ cấp cho cán bộ làm dân số ở cấp huyện và cấp xã. Hy vọng với sự khởi đầu này, hoạt động dân số sẽ ngày càng nhịp nhàng dưới sự chỉ đạo sát sao của ngành y tế và các ngành liên quan.

ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ

Mỹ Hà