Khẳng định vai trò, lợi thế của công tác tuyên truyền miệng
(Baonghean.vn) - Tại cuộc tọa đàm “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, Ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý Ban Tuyên giáo các cấp cần chủ động vào cuộc tuyên truyền, định hướng dư luận kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, vấn đề “nóng” được đông đảo dư luận quan tâm.
Chiều 18/9, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. Tham gia tại điểm cầu Nghệ An có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Thường trực các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy cùng đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh. Ảnh: Mai Hoa |
Tại cuộc tọa đàm, tham luận của một số bộ, ngành Trung ương và các địa phương đều khẳng định rõ vai trò, những lợi thế của công tác tuyên truyền miệng, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức của công tác này trong tình hình hiện nay.
Trước thực tiễn đó, nhiều ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng trong thời gian tới. Trước hết là cấp ủy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, định hướng kịp thời công tác tuyên truyền, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, những vấn đề mới.
Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm. Ảnh: Mai Hoa |
Mặt khác, yêu cầu cả hệ thống chính trị cùng làm công tác tư tưởng; mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền miệng, trong đó báo cáo viên là lực lượng nòng cốt.
Để trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền miệng, một số ý kiến nêu tại cuộc tọa đàm cho rằng, cấp ủy các cấp cần quan tâm lựa chọn đội ngũ báo cáo viên có kỹ năng, phương pháp “nói” mang tính tổng hợp, vừa phân tích, tổng hợp, suy luận, bình luận, chứng minh để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người nghe.
Các đại biểu tham gia cuộc tọa đàm. Ảnh: Mai Hoa |
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, cấp ủy, Ban Tuyên giáo các cấp và đội ngũ báo cáo viên cần bám sát nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, xác định chuyên đề, liều lượng thông tin, phương pháp thông tin kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Gắn với đó là kịp thời nắm bắt thông tin, dư luận để chủ động thông tin, tuyên truyền, nhất là các thông tin sai trái, thông tin xấu độc…
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, khẳng định sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy các cấp chính là yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của công tác tuyên truyền miệng, đồng chí Phan Xuân Thủy – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Ban Tuyên giáo cấp ủy các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy quan tâm sát sao công tác tuyên truyền miệng; gắn với xây dựng đội ngũ đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp có chất lượng, đồng thời nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp cũng như trang bị thiết bị cho đội ngũ báo cáo viên.
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa |
Đồng chí Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý Ban Tuyên giáo các cấp cần chủ động vào cuộc tuyên truyền, định hướng dư luận kịp thời đối với những vấn đề nhạy cảm, vấn đề “nóng” được đông đảo dư luận quan tâm, tạo hiệu ứng, hiệu quả tích cực thông tin của kênh chính thống.
Ban Tuyên giáo Trung ương cũng tiếp thu các ý kiến đề xuất của các ngành, địa phương nhằm tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới.