Thế giới tuần qua: Cảnh báo về 'những quả bom hẹn giờ'

Mỹ Nga 20/09/2020 07:40

(Baonghean.vn) - Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết rằng các mức thuế bổ sung mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018 đã vi phạm các quy tắc thương mại quốc tế. Động thái này đã giáng một đòn mạnh không chỉ đối với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, mà còn cả mối quan hệ giữa Mỹ và WTO. Nghị viện châu Âu tuyên bố, Tổng thống Belarus Lukashenko sẽ không còn được công nhận là tổng thống bắt đầu từ tháng 11 khi ông mãn nhiệm. Đó là những thông tin quốc tế nổi bật tuần qua.

WTO CHỌC GIẬN MỸ

Hội đồng giải quyết tranh chấp của WTO gồm 3 chuyên gia thương mại đã tuyên bố Washington vi phạm các luật thương mại quốc tế vào năm 2018. Phán quyết chỉ liên quan tới một số đòn áp thuế mà Mỹ tung ra với Trung Quốc, gồm 34 tỷ USD hàng hóa hồi tháng 6/2018, và khoảng 200 tỷ USD hồi tháng 9/2018. Mỹ đã ban hành nhiều đợt áp thuế khác nhau với tổng cộng khoảng 370 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, dẫn tới chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tổ chức cuộc họp báo trước ki ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tổ chức cuộc họp báo trước khi ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 hồi tháng 1/2020.

Hội đồng cho biết, các quốc gia có một số lý do hạn chế để có thể áp thuế gây ảnh hưởng tới một quốc gia khác. Tuy nhiên, Mỹ đã không chứng minh được các biện pháp tạm thời đó là hợp lý. Trong khi đó, hội đồng đã ủng hộ lập luận của Trung Quốc rằng các đòn áp thuế của Mỹ chỉ áp dụng vào hàng hóa của Trung Quốc, khiến hàng hóa Trung Quốc bị mất lợi thế so với các sản phẩm tương tự của các thành viên khác trong WTO.

Trước phán quyết của WTO, Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá là công bằng và khách quan, đồng thời hy vọng Mỹ sẽ tôn trọng các phán quyết và hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc. Nước này năm 2018 nộp khiếu nại yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp với Mỹ liên quan đến việc này.

Mặc dù phán quyết mới của WTO đứng về phía Trung Quốc, nhưng đó không phải là vấn đề quá lớn với Nhà Trắng. Chính quyền Tổng thống Trump có thể kháng cáo trong vòng 60 ngày tới. Chính quyền nước này đã từ chối đề cử thẩm phán mới thay thế các thẩm phán hết nhiệm kỳ trong hội đồng phúc thẩm 7 thành viên của WTO do các bên đề xuất, khiến cơ quan này không có đủ thành viên hoạt động. Bởi vậy, việc Mỹ kháng cáo sẽ khiến phán quyết của hội đồng WTO bị vô hiệu hóa và Mỹ tránh bị cưỡng chế.

Các container hàng ở cảng thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Các container hàng ở cảng thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Còn về phía Trung Quốc, giới quan sát nhận định đây là một chiến thắng hiếm hoi của Bắc Kinh trước Washington tại WTO - tổ chức thường được cho là ưu ái Mỹ trong các tranh chấp thương mại. Thống kê của Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho thấy trong 16 năm qua, Mỹ đã kiện Trung Quốc 23 lần tại WTO, trong đó 20 lần họ giành chiến thắng. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không quá vui mừng trước chiến thắng này và sẽ không tìm cách sử dụng đó để chọc giận Mỹ, trong bối cảnh Trump đã bày tỏ tức giận về phán quyết của WTO. Thay vào đó, Bắc Kinh sẽ sử dụng phán quyết cho mục đích tuyên truyền trong nước.

Thuế quan từ lâu đã trở thành công cụ đa năng của Tổng thống Trump. Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định, Mỹ phải được phép tự vệ trước các hành vi thương mại không công bằng. Chính quyền Trump sẽ không để Trung Quốc sử dụng WTO làm công cụ để lợi dụng công nhân, doanh nghiệp, nông dân của Mỹ. Do đó, động thái của WTO lại làm trầm trọng thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và tổ chức này. Không lâu sau phán quyết mới, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ xem xét hành động WTO.

NỔ TUNG QUẢ BOM NHIỆT HẠCH

Nghị viện châu Âu (EP) đã bác bỏ kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ở Belarus hôm 9/8 với 574 phiếu thuận, 37 phiếu chống và 82 phiếu trắng, và những cáo buộc gian lận. Khi Tổng thống Alexander Lukashenko mãn nhiệm vào ngày 5/11, EP sẽ không công nhận ông là nhà lãnh đạo Belarus.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: AP
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: AP

EP còn kêu gọi 27 quốc gia thành viên áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) vào nhà lãnh đạo này “một cách không chậm trễ”. Mặc dù cuộc bỏ phiếu của EP không mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng nó lại mang tính sức mạnh về chính trị và ảnh hưởng đến cách EU đầu tư vào Belarus hoặc hỗ trợ tài chính.

Alexander Lukashenko, người đã nắm quyền lãnh đạo đất nước trong 26 năm, tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 9/8 vừa qua, khiến làn sóng biểu tình dữ dội xảy ra, thậm chí biến thành bạo lực. EU cho rằng kết quả bầu cử không công bằng và kêu gọi lãnh đạo Belarus mở cuộc đối thoại với phe đối lập dưới sự chứng kiến trung gian của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Căng thẳng giữa Belarus và châu Âu gia tăng khi các Ngoại trưởng của khối này cùng Josep Borrell sẽ gặp lãnh đạo phe đối lập Belarus Svetlana Tikhanovskaya trước khi nhóm họp để thảo luận về các biện pháp trừng phạt Misnk. Ngoài ra, 17 thành viên của OSCE đã chỉ định nhóm chuyên gia độc lập để điều tra cáo buộc lạm dụng nhân quyền và gian lận bầu cử ở Belarus.

Dòng người biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra ở thủ đô Misnk, Belarus. Ảnh: Reuters
Dòng người biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra ở thủ đô Misnk, Belarus. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà ngoại giao nhận định rằng, các lệnh trừng phạt của EU đối với Belarus chưa thể thực hiện ngay lập tức, bởi đang gặp rào cản từ Sip - quốc gia đang yêu cầu các biện pháp chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên trong tranh chấp về khoan khí đốt tự nhiên ở phía đông Địa Trung Hải. Trước tình hình đó, Borrell cảnh báo uy tín của EU đang bị đe dọa và kêu gọi các quốc gia thành viên thông qua các lệnh trừng phạt, vốn cần 100% lá phiếu nhất trí, trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels vào cuối tuần tới.

Những diễn biến dồn dập này khiến giới chức Nga lo ngại khả năng lặp lại cuộc khủng hoảng Venezuela tại Belarus. Cần nhớ rằng, việc các nước không công nhận kết quả bầu cử tổng thống Venezuela và ủng hộ tổng thống tự xưng, đã tạo ra những trở ngại lớn để quốc gia Nam Mỹ này tìm ra giải pháp chính trị hòa bình. Phía Nga cho rằng, châu Âu sẽ gặp bất lợi nếu kịch bản Venezuela lặp tại tại Belarus.

Trong động thái khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công bố khoản vay 1,5 tỷ USD cho Belarus trong cuộc hội đàm với Tổng thống Lukashenko ở Sochi (Nga) hồi đầu tuần. Trước đó, Nga còn tổ chức tập trận chung với Belarus. Động thái hỗ trợ tài chính này đã bị phe đối lập Belarus lên án kịch liệt, và cảnh báo rằng điều này sẽ làm hoen ố mối quan hệ trong tương lai của Nga và các nước trong khu vực.

Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Lukashenko ở Sochi, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ hỗ trợ 1,5 tỷ USD cho Belarus. Ảnh: Reuters
Tại cuộc hội đàm với Tổng thống Lukashenko ở Sochi, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ hỗ trợ 1,5 tỷ USD cho Belarus. Ảnh: Reuters

Về phía mình, trước quyết định của EP, Tổng thống Lukashenko đã phản đối và khẳng định cuộc bầu cử được tổ chức dựa trên Hiến pháp và pháp luật của đất nước, và không yêu cầu bất kỳ ai công nhận; đồng thời gọi hành động của EP là gây hấn và “nổ tung quả bom nhiệt hạch”. Trước mối lo ngại an ninh gia tăng, Tổng thống Lukashenko đã quyết định đóng cửa biên giới với Ba Lan và Litva. Quyết định này được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Belarus nhiều lần nhấn mạnh, làn sóng biểu tình tại quốc gia này là do phương Tây thúc đẩy và sự chỉ trích từ Mỹ cũng như EU ngày càng gia tăng.

Mỹ Nga