Nghệ An tịch thu 7.630 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đặng Nguyễn 22/09/2020 09:36

(Baonghean.vn) - Gần đến Rằm Trung thu, lực lượng chức năng lại đau đầu với vấn nạn hàng lậu, trong đó đặc biệt là mặt hàng bánh Trung thu, đồ chơi trẻ em. Bởi thực tế, việc vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây bất an cho người tiêu dùng.

Phát hiện nhiều lô hàng không rõ nguồn gốc

Dạo quanh một vòng thị trường bánh trung thu năm nay, điều dễ nhận thấy là bên cạnh bánh của các công ty, các nhãn hàng có tên tuổi và một số bánh được làm thủ công thì còn có các loại bánh nhập khẩu từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan,...

Theo chị Nguyễn Thị Tâm, cán bộ công đoàn của một công ty trên địa bàn TP Vinh, để chuẩn bị các phần quà cho các cháu là con cán bộ, công nhân viên, chị đã đi khảo sát thị trường bánh trung thu nhưng không khác nào lạc vào “ma trận” và hiện tại vẫn chưa mua được. Bởi “vẫn còn đắn đo giữa bánh của công ty, bánh sản xuất thủ công với các loại bánh có nhãn nước ngoài hình thức mẫu mã đẹp, giá lại rẻ hơn, nhưng lại không mấy yên tâm khi nhãn mác không rõ ràng...”.

Ảnh: Đ.C
6.200 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng bắt giữ ngày 19/8. Ảnh: QLTTNA

Tìm hiểu thực tế có thể thấy nỗi lo của chị Tâm là hoàn toàn có cơ sở khi thời gian gần đây lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều lô hàng bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đơn cử, ngày 19/8/2020, từ nguồn tin báo của cơ sở, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) tiến hành khám 03 bao tải màu đen tại khối 2, thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu. Qua đó, phát hiện bên trong có chứa 6.200 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ các tình tiết vi phạm để xử lý theo quy định. Ngày 25/8/2020, sau khi đã xác định và làm việc với chủ sở hữu của số hàng hóa nói trên, Đội QLTT số 1 đã ra Quyết định xử lý VPHC với ông N.T.S, trú ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị thu phạt gần 30 triệu đồng.

Trước đó, ngày 14/8/2020, Đội QLTT số 11 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường và Đội CSGT 1-46 (Công an tỉnh) kiểm tra xe ô tô tải mang BKS 37C - 343.98 do lái xe Nguyễn Đình Hải điều khiển. Qua đó, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe vận chuyển 1.430 bánh nướng không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tang vật vi phạm có giá trị 21.450.000 đồng. Đoàn kiểm tra tiến hành làm thủ tục xử lý lô hàng trên theo đúng quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ số hàng do Trung Quốc sản xuất tại Cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại đường Lê Huân, TP Vinh. Ảnh: P.V

Cùng với mặt hàng bánh trung thu, đây cũng là dịp tiêu thụ lượng lớn đồ chơi trẻ em. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, mang tính giáo dục cho trẻ, không ít người vì lợi nhuận, sẵn sàng kinh doanh cả những hàng cấm, kém chất lượng, chứa nhiều hóa chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Cụ thể mới đây, ngày 16/9/2020, Đội QLTT số 3 - Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại đường Lê Huân, TP. Vinh.

Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 180 cái quạt đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, ngày 8/9/2020, Đội QLTT số 4- Cục QLTT Nghệ An tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu do bà Lê Thị Hiền làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 24 súng đồ chơi trẻ em không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp.

Ngày 27/8/2020, Đội QLTT số 3- Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Vinh tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh đồ chơi trẻ em tại phường Hồng Sơn, TP Vinh. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh 470 sản phẩm đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 3 đã tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Ông Nguyễn Văn Thắng - Đội trưởng Đội QLTT số 3, Cục QLTT Nghệ An cho biết: Trong một thời gian ngắn, có đến hàng nghìn sản phẩm bánh trung thu có nguồn gốc nước ngoài bị bắt giữ do không có giấy tờ chứng minh kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Để buôn bán trót lọt, các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động, phương tiện vận chuyển và thậm chí đổi địa điểm tập kết hàng hóa liên tục.

Một cán bộ Phòng CSMT (Công an tỉnh) cho biết thêm: Bên cạnh việc một số chủ hàng gom bánh nhập lậu để tiêu thụ ở các cửa hàng tạp hóa thì không ít trường hợp còn rao bán trên mạng. Việc kiểm soát hoạt động mua bán bánh trung thu thông qua hình thức online đang là “bài toán khó” đối với lực lượng chức năng, trong khi người dân vẫn còn tâm lý ham rẻ, muốn tiện lợi...

Ảnh: Đ.C
Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh) kiểm tra bánh trung thu không rõ nguồn gốc. Ảnh: QLTTNA

Với mặt hàng đồ chơi trẻ em, tuy kiểm tra, xử lý nhiều nhưng tình trạng kinh doanh đồ chơi không nhãn mác, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan ở các cửa hàng, chợ, trước cổng một số bệnh viện, cổng trường học, công viên... Thông thường, chủ cửa hàng chỉ trưng bày một số loại đồ chơi nhỏ lẻ, nếu phát hiện thì cũng chỉ tịch thu và xử phạt hành chính, còn điểm chứa hàng thường được ngụy trang ở nơi khác, không dễ bị bắt.

Chưa kể, lực lượng quản lý thị trường hiện chỉ có thể kiểm tra các xe hàng tại các điểm dừng, điểm đỗ, các kho hàng tập kết trên địa bàn. Nhiều khi bắt giữ được hàng hóa vi phạm cũng chỉ tiến hành tiêu hủy, phạt hành chính vài chục triệu đồng mà chưa có hình thức xử lý mạnh tay hơn. Trong khi đó, nguyên nhân khiến mặt hàng này vẫn được buôn bán là do lợi nhuận mang lại lớn, hơn nữa nhiều phụ huynh dễ dãi khi lựa chọn cho con hoặc để trẻ tự ý mua theo ý thích vì giá rẻ. Điều này vô tình tiếp tay cho đồ chơi bạo lực, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn tồn tại.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, các loại đồ chơi nhập lậu thường được làm từ loại vật liệu tái chế, nhựa thứ cấp, rất dễ tồn đọng dư lượng chì hoặc các chất độc khác vượt mức cho phép. Do nhập lậu, không qua kiểm định, đánh giá chất lượng, cho nên không đủ cơ sở an toàn cho trẻ nhỏ. Đáng lo hơn khi trong số này có khá nhiều các sản phẩm mang tính bạo lực, phản giáo dục, có thể gây sát thương, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ em như súng, gươm, kiếm...

Ảnh: Đ.C
Lực lượng chức năng tiêu hủy bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ vào chiều ngày 27/8/2020 tại Khu vực xử lý rác thải thuộc xóm 9, xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu. Ảnh: QLTTNA

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đăng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Ngay từ tháng 8/2020, Cục QLTT Nghệ An đã ra công văn chỉ đạo các đội QLTT tổ chức bám sát địa bàn, yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Trung thu.

Cụ thể, đối với mặt hàng bánh trung thu, các đội QLTT sẽ tập trung kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, nguyên liệu làm bánh. Tập trung các điều kiện về ATTP như điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất, nhà xưởng, điều kiện trang thiết bị, đặc biệt là các cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không đảm bảo điều kiện ATTP trong sản xuất. Kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng ATTP.

Ảnh: Đ.C
Quản lý thị trường Nghệ An tổ chức tiêu hủy đồ chơi nhập lậu, độc hại, kích động bạo lực hàng năm. Ảnh: Đ.C

Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu. Chú trọng kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em…

Tính đến thời điểm hiện nay, qua phối hợp xử lý, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã tịch thu 7.630 bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, tổng giá trị thu phạt gần 50 triệu đồng, gần 1.300 sản phẩm đồ chơi trẻ em là hàng nhập lậu, hàng cấm các loại với tổng giá trị thu phạt gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, để có một mùa Trung thu an toàn, ngoài sự nỗ lực vào cuộc, xử lý nghiêm của các cơ quan chức năng, cũng cần sự tỉnh táo, thông minh khi lựa chọn hàng hóa của người tiêu dùng. Cơ quan quản lý thị trường lưu ý, bánh trung thu nhập khẩu bán ra phải có tem phụ bằng tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm... Với những sản phẩm không rõ các yếu tố trên, người tiêu dùng cần cẩn trọng, không nên mua và sử dụng để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Đối với đồ chơi cho trẻ, tốt nhất nên chọn đồ chơi của các hãng sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng. Khi chọn mua, cần chú ý đến dấu chứng nhận hợp quy CR (chứng nhận sản phẩm đã được kiểm tra chất lượng trước khi lưu thông).

Đặng Nguyễn